Bất động sản Việt Nam không còn hấp dẫn nhà đầu tư ngoại?

Ông Michael Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital cho rằng: Không phải bất động sản Việt Nam không còn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, trên thực tế, nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài với Việt Nam vẫn còn, nhưng không lớn như trước.

Theo báo cáo của CBRE Việt Nam, kể từ đầu năm tới nay, thị trường bất động sản Việt Nam đã có sự phục hồi nhất định sau 2 năm phát triển chậm vì ảnh hưởng của đại dịch COVID19.

Số lượng dự án, nguồn cung các sản phẩm bất động sản như căn hộ, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đều đang tăng so với 2 năm trước. Tuy nhiên, dù có tăng, nhưng nguồn cung hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu mua và đầu tư của thị trường.

Không phải bất động sản Việt Nam không còn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, trên thực tế, nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài với Việt Nam vẫn còn, nhưng không lớn như trước.

Một trong những “điểm sáng” nổi bật của thị trường, đó là việc nguồn vốn FDI đang “đổ” mạnh vào bất động sản. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến cuối tháng 6/2022, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai trong thu hút đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư trên 3,15 tỷ USD, chiếm 22,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Mặc dù dòng vốn FDI vào bất động sản đang tăng, thế nhưng, thị trường bất động sản Việt Nam trong những năm gần đây hầu như không thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài mới. Các dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài đều do những nhà đầu tư nước ngoài đã hiện diện từ lâu.

Một số quan điểm cho rằng, đây là tín hiệu cho thấy thị trường bất động sản Việt Nam không còn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Phủ nhận điều này, ông Michael Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital cho rằng: Không phải bất động sản Việt Nam không còn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Trên thực tế, nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài với Việt Nam vẫn còn, nhưng phải tính đến sự vươn lên, thống trị của các nhà phát triển dự án trong nước nhiều, khiến giá trị đầu tư vào Việt Nam không còn lớn như trước đây.

Theo ông Michael Piro, đầu tư bất động sản ở Việt Nam khác với các thị trường khác, và với các nhà đầu tư nước ngoài, thay vì mở công ty riêng, đầu tư trực tiếp, nhiều nhà đầu tư chọn cách gián tiếp.

“Ngoài ra, thay vì hiện diện trực tiếp, nhiều nhà đầu tư mong muốn chuyển vốn qua các quỹ, hoặc qua các nhà đầu tư đã có sẵn trong thị trường”, ông Michael Piro nói.

Trong khi đó, ông Đỗ Duy Thành, Quản lý Tư vấn đầu tư, Savills Hà Nội đánh giá rất cao triển vọng tăng trưởng của dòng vốn FDI vào thị trường bất động sản Việt Nam.

Theo ông Thành, Việt Nam là một trong những đất nước phòng chống dịch tốt nhất với tỷ lệ bao phủ vắc xin cao. Đây là một trong những ưu điểm lớn, mang lại lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng ký kết 2 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bao gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

“Nổi lên như một thị trường lớn mạnh với lực lượng lao động trẻ, năng động, chất lượng nguồn nhân lực ngày càng nâng cao, Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh khả năng thu hút FDI với các nước khác trong khu vực”, chuyên gia của Savills nói.

Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, dòng vốn FDI vào thị trường bất động sản vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn và thách thức. Cụ thể, số vốn FDI đăng ký vào thị trường qua từng năm thực chất không được giải ngân như thực tế đã cam kết, do nhiều yếu tố liên quan đến hệ thống pháp lý xung quanh quá trình phát triển dự án. Điều này dẫn đến việc chậm tiến độ triển khai.

Đồng tình với nhận định này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng thừa nhận rằng các dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được thuê đất của nhà nước, gặp nhiều khó khăn, một trong những lý do nữa là không được thỏa thuận trực tiếp với người dân.

Thực trạng này dẫn đến việc, nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian vừa qua phải tìm kiếm các đối tác hoặc không giao nhận chuyển nhượng, hoặc chuyển nhượng một phần dự án bất động sản. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến giá bất động sản tăng lên trong thời gian vừa qua.

Định Trần | Nhà báo & Công luận

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục