Nhật Bản kêu gọi thanh niên uống rượu nhiều hơn để thúc đẩy nền kinh tế
Chính phủ Nhật Bản đã phát động một cuộc thi trên toàn quốc nhằm kêu gọi các ý tưởng khuyến khích người dân uống nhiều rượu hơn sau khi sự thay đổi suy nghĩ về bia rượu của giới trẻ khiến doanh thu thuế giảm.
Doanh thu thuế giảm mạnh một phần vì Covid-19
Trong khi nhiều chương trình đặc biệt sau giờ học cảnh báo thanh thiếu niên về sự nguy hiểm của việc uống rượu, chính phủ Nhật Bản đang thực hiện một cách tiếp cận khác. Một chiến dịch mới của Chính phủ nước này nhằm mục đích thúc đẩy uống rượu bia trong giới trẻ Nhật Bản.
Chiến dịch truyền thông Sake Viva! do Cơ quan Thuế Quốc gia Nhật Bản (NTA) vận động có nội dung yêu cầu những người từ 20 đến 39 tuổi đưa ra các đề xuất để giúp khôi phục lại sự phổ biến của đồ uống có cồn, vốn đã không còn được ưa chuộng do người dân Nhật Bản đã thay đổi lối sống trong thời đại dịch và những người trẻ tuổi cũng thay đổi thói quen sử dụng bia rượu.
Cuộc thi kéo dài đến ngày 9/9 nhằm kêu gọi “các sản phẩm và thiết kế mới” cũng như các cách quảng bá đồ uống tại nhà. Theo trang web địa phương JiJi.com, những người tham gia cũng được khuyến khích khám phá các phương thức bán hàng bằng cách sử dụng metaverse.
NTA cho biết mức tiêu thụ rượu ở Nhật Bản đã giảm từ mức trung bình 100 lít/người trong một năm vào năm 1995 xuống còn 75 lít vào năm 2020. Việc giảm doanh số bán rượu đã ảnh hưởng đến ngân sách của Nhật Bản, vốn đang thâm hụt gần 350 tỷ USD.
Thuế rượu chiếm 1,7% doanh thu thuế của Nhật Bản vào năm 2020, giảm mạnh từ con số 3% năm 2011 và 5% năm 1980. Tổng doanh thu từ thuế rượu trong năm tài chính 2020 giảm hơn 110 tỷ yên xuống còn 1,1 nghìn tỷ yên so với năm trước, NTA cho biết vào đầu tháng này. Đây là mức thu nhập từ thuế rượu giảm mạnh nhất trong 31 năm, theo Japan Times.
Trong khi đồ uống không cồn đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới trong năm qua, giới trẻ Nhật Bản đang cắt giảm đồ uống có cồn. Đại dịch này đóng vai trò như một chất xúc tác cho sự sụt giảm tiêu thụ rượu của đất nước. Khi ngày càng có nhiều nhân viên chuyển sang làm việc tại nhà, doanh số bán rượu bia giảm mạnh và chưa từng tăng trở lại.
“Khi làm việc tại nhà đã đạt được những bước tiến ở một mức độ nhất định trong cuộc khủng hoảng Covid 19, nhiều người đã đặt ra câu hỏi liệu họ có cần tiếp tục thói quen uống rượu với đồng nghiệp để khiến mối quan hệ trở nên thân thiết hơn hay không. Nếu \’bình thường mới\’ bắt đầu phát triển, đó sẽ là một luồng gió mới ảnh hưởng đến doanh thu thuế”, một quan chức tại NTA nói.
Mặc dù Nhật Bản chưa bao giờ phong toả hoàn toàn bởi Covid-19, nhưng tình trạng khẩn cấp đã được ban bố ở Tokyo, với các biện pháp bao gồm yêu cầu các nhà hàng và quán bar đóng cửa sớm. Vào một giai đoạn của đại dịch, việc bán rượu trong các nhà hàng bị cấm, trong khi ở những thời điểm khác, rượu bia bị hạn chế bán vào một số thời gian nhất định trong ngày. Trong khi mọi người uống nhiều hơn ở nhà, mức tiêu thụ rượu tại Nhật Bản nói chung thấp hơn bình thường.
Vấp phải phản ứng trái chiều
Cũng như ở nhiều nơi kinh tế phát triển trên thế giới, người Nhật Bản trẻ uống rượu bia ít hơn so với các thế hệ già. Một cuộc khảo sát của Bộ Y tế năm 2019 cho thấy 29,4% những người ở độ tuổi 20 hoàn toàn không uống rượu, trong khi 26,5% cho biết họ hiếm khi uống.
Đáng nói, mức tiêu thụ bia đặc biệt giảm mạnh, với sản lượng tiêu thụ giảm 20% xuống dưới 1,8 tỷ lít.
Nhà máy bia Kirin, công ty sản xuất nhãn bia nổi tiếng Kirin lager và Ichiban Shibori, cho biết mức tiêu thụ bia bình quân đầu người ở Nhật Bản đạt khoảng 55 chai/người vào năm 2020, giảm 9,1% so với năm trước.
Bộ Y tế Nhật Bản cho biết họ hy vọng chiến dịch cũng sẽ nhắc nhở mọi người nhớ rằng chỉ uống “lượng rượu thích hợp”.
Những người lọt vào vòng chung kết của cuộc thi sẽ được mời tham dự lễ trao giải tại Tokyo vào ngày 10/11, và cơ quan thuế cho biết họ sẽ hỗ trợ thương mại hóa các ý tưởng từ người chiến thắng.
Sự thúc đẩy phi chính thống của các quan chức nhằm “hồi sinh ngành công nghiệp rượu” đã vấp phải phản ứng dữ dội trên mạng xã hội. Không có nhà sản xuất rượu lớn nào của Nhật Bản công khai sự ủng hộ của họ với chiến dịch này.
“Thanh niên không uống rượu là một điều tốt. Tại sao lại khiến họ trở thành người nghiện rượu bia”, một người dùng viết trên Twitter, trong một bài đăng thu hút hàng trăm lượt thích. Một người khác viết: “Miễn là họ có thể thu thuế, còn tôi đoán sức khỏe của mọi người thì không quan trọng”.
Sơn Tùng (Theo The Guardian)