Doanh nghiệp Việt Nam quá phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng?

Đánh giá doanh nghiệp hiện nay quá phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng, các chuyên gia cho rằng vấn đề quản trị tài chính cần được quan tâm, đồng thời phải tính tới những sự kiện “thiên nga đen” như Covid-19 vừa qua.

Quá phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng

Sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đang nỗ lực lấy lại sức sống, song vẫn phải đối diện với nhiều thách thức về sự thiếu hụt lao động, rủi ro lạm phát gia tăng, đặc biệt là vấn đề tài chính.

Các doanh nghiệp đối diện nhiều thách thức về nguồn lao động, rủi ro lạm phát, tài chính – Nguồn: Kỳ hoa

Giám đốc CTCP Tư vấn Đầu tư FIDT, ông Huỳnh Minh Tuấn đánh giá, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay quá phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng.

“Từ khi room tín dụng ngân hàng ngừng từ tháng 4/2022, nhiều thông tin doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ tư vấn tái cấu trúc nguồn vốn. Nhưng khi hỏi doanh nghiệp có gì thì sổ sách đưa ra cho thấy doanh nghiệp lỗ nhẹ, do đó không có căn cứ cho vay vốn”, ông Tuấn nói.

Giám đốc FIDT cho rằng các doanh nghiệp phải quan tâm quản trị tài chính, đồng thời phải tính tới những sự kiện “thiên nga đen” như Covid-19 và những bất ổn hai năm qua, không có thặng dư tài chính, phải cuống cuồng huy động vốn. Doanh nghiệp cần có hồ sơ bài bản để bước vào thị trường huy động vốn, IPO hoặc kêu gọi vốn khi cần.

Ông Tuấn chỉ ra, thị trường chứng khoán vừa qua có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng với 3 triệu nhà đầu tư cho năm 2020-2021, 3 sàn chứng khoán HoSE, UPCOM, HNX có lúc vượt con số 360 tỷ USD.

“Chúng ta có thị trường vốn hoá đứng thứ ba khu vực. Do đó, chiến lược để doanh nghiệp được phát hành ra công chúng, huy động vốn trên thị trường chứng khoán hoặc được M&A là rất quan trọng”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Lưu ý để doanh nghệp chuẩn bị “profile” cho quá trình IPO, ông Tuấn cho biết có 5 triệu nhà đầu tư với hơn 600-700 triệu USD giao dịch mỗi ngày trên thị trường chứng khoán, do đó đây là thị trường huy động vốn hiệu quả. Thống kê 2 năm qua có nhiều doanh nghiệp IPO thành công trên thị trường này, chiếm khoảng 3-5% nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp.

Ngân hàng càng tăng tín dụng sẽ càng tăng thâm dụng vốn

Nói về nguồn vốn huy động năm 2022, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho biết, chỉ có nguồn vốn FDI là điểm sáng. Còn lại ba nguồn khác là tín dụng ngân hàng, trái phiếu, cổ phiếu đều khó khăn. Qua tiếp xúc với các doanh nghiệp cho thấy 80% gặp khó khăn về vốn, chỉ có 20% chủ động được.

Theo ông, cần có giải pháp huy động vốn bền vững. Nếu nới room tiếp thì có hai vấn đề đặt ra. Thứ nhất, việc này có ảnh hưởng đến chính sách kinh tế tài chính của Chính phủ trong vấn đề vĩ mô hay không, cụ thể là thâm dụng vốn. Thứ hai, một mặt giữ nguyên mục tiêu tín dụng tương ứng với phát triển kinh tế, một mặt là vì áp lực trên thị trường bất động sản buộc phải nới room để cứu.

Nhìn lại những năm 2008 – 2012 và từ năm 2020 đến nay, chuyên gia đặt vấn đề, cơ chế huy động vốn của ngành bất động sản thuận lợi hơn các ngành khác, lẽ ra không thiếu vốn, nhưng tại sao lại thiếu?

Theo ông Hiển, doanh nghiệp bất động sản có nhiều kiểu huy động vốn. Ví dụ khi lập một dự án, doanh nghiệp có thể được ngân hàng cho vay khoảng 20%. Khi dự án đủ điều kiện mở bán, ngân hàng cho nhà đầu tư cá nhân vay tới 70 – 80% giá trị sản phẩm. Ngoài ra, công ty bất động sản được phát hành trái phiếu, ngân hàng cũng mua; công ty vật liệu xây dựng cho chủ đầu tư nợ bình quân 1,5 – 2 năm, ngân hàng cũng cho công ty vật liệu xây dựng vay…

Bên cạnh đó, bản thân các công ty bất động sản, vốn cổ phần cũng được ngân hàng cho vay. Mới đây có đề xuất hàng không cho doanh nghiệp vay để mua vốn cổ phần nhằm mục đích kiểm soát rủi ro. Bởi nếu như vậy, cuối cùng vốn của một doanh nghiệp bất động sản toàn bộ đều là ngân hàng cho vay.

“Với mô hình kinh doanh hiện nay, các ngân hàng thương mại càng tăng tín dụng cho công ty bất động sản sẽ càng tăng thâm dụng vốn. Hiện nay, tín dụng ngân hàng chiếm 70% giá trị vốn bất động sản, thời hạn thu hồi bình quân là 10 năm. Do vậy về lâu dài, điều này sẽ gây bất ổn.

Trong khi đó, khoảng hơn 70% nhà đầu tư là lướt sóng. Bất động sản khai thác (mua để cho thuê) chiếm tỷ lệ nhỏ và chủ yếu chờ tăng giá để bán. Do vậy, khi giá chững lại thì thanh khoản giảm mạnh, dòng tiền trở về ngân hàng sẽ bị kẹt. Kéo theo đó, ngân hàng sẽ thiếu tiền để cho vay. Tình trạng này đã xuất hiện hơn 10 năm trước và bây giờ xuất hiện trở lại”, ông Hiển chỉ ra.

Theo đó, vị chuyên gia này cho rằng, cần giảm nhu cầu vốn tín dụng ngân hàng bằng cách cho vay theo tỷ lệ giảm dần các phân khúc không ưu tiên. Ngoài ra, các doanh nghiệp bất động sản cần tăng vốn cổ phần để tăng nguồn lực, việc phát hành trái phiếu sẽ tăng áp lực trả nợ…

Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP. HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, với những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện sẽ được tạo điều kiện tiếp cận vốn thuận lợi, thậm chí hưởng ưu đãi và hỗ trợ. Nhưng nếu không đáp ứng các điều kiện vay vốn thì các ngân hàng không thể cho vay vốn vì rủi ro nợ xấu, an toàn hệ thống ngân hàng.

Trong gần 8 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng khoảng 9,3%, tức dư địa còn lại là 4,7% trên tổng dư nợ, tương đương 450.000 tỷ đồng để đầu tư cho các hoạt động sản xuất kinh doanh từ nay tới cuối năm. Tại TP. HCM, room tín dụng còn trên dưới 150.000 tỷ đồng.

Kỳ Hoa – Hạnh Nhiên | Nhà báo & Công luận

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục