Giao dịch thương mại quốc tế: Doanh nghiệp cần cẩn trọng để giảm thiểu rủi ro

Xu thế mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế mở ra nhiều cơ hội giao thương cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Song song với đó cũng xuất hiện không ít tình trạng lừa đảo do vậy doanh nghiệp cần chủ động và thận trọng trong giao dịch thương mại quốc tế.

Bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, thị trường và đối tác kinh doanh ngày càng nhiều là động lực thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành điểm sáng trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, khi sân chơi càng mở rộng sẽ đi liền với với nguy cơ rủi ro, tranh chấp, lừa đảo trong thương mại gia tăng.

Doanh nghiệp cần cẩn trọng trong giao dịch thương mại quốc tế để giảm thiểu rủi ro. Ảnh minh họa

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế – Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, theo Hiệp hội Chuyên gia chống lừa đảo toàn cầu, mỗi năm, doanh nghiệp trên toàn cầu bị lừa đảo và bị thiệt hại khoảng 5% doanh thu; trung bình một vụ lừa đảo có giá trị khoảng 1,7 triệu USD.

Riêng trong năm 2022, có tới 46% doanh nghiệp toàn cầu cho hay họ là nạn nhân của lừa đảo và tội phạm kinh tế.

Tại Việt Nam, 52% doanh nghiệp từng trải nghiệm lừa đảo hoặc tội phạm kinh tế, cao hơn mức 46% của khu vực châu Á Thái Bình Dương và mức 49% của toàn cầu.

Trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng các biện pháp chống lừa đảo. Cũng không nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn báo cáo cơ quan quản lý vì lo ngại thông tin bị lộ lọt ra công chúng.

Trước tình hình này, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng các chuyên gia, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này và cùng tìm hướng giải quyết để giảm thiểu tối đa những tổn thất do bị lừa đảo.

Liên quan đến vấn đề giao dịch thanh toán quốc tế của doanh nghiệp, trao đổi với phóng viên, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay có 3 phương thức thanh toán quốc tế phổ biến: thanh toán bằng điện chuyển tiền (T/T) thường dùng cho khách hàng mới; thanh toán nhờ thu chỉ dùng với khách hàng thân thiết và thanh toán tín dụng chứng từ (L/C) được sử dụng cho hợp đồng trị giá lớn.

Trong đó, L/C là phương thức thanh toán an toàn nhất cho người bán dựa trên một chứng từ của bên thứ ba tại nước người mua. Hợp đồng L/C quy định trong bộ chứng từ phải xuất trình có chứng từ do người mua phát hành và có những quy định về vận đơn làm giảm khả năng kiểm soát hàng hóa của người bán.

Để phòng ngừa rủi ro, doanh nghiệp có thể yêu cầu vận đơn theo lệnh của ngân hàng. Như vậy ai có vận đơn trong tay mà chưa có lệnh của ngân hàng cũng chưa thể nhận được hàng.

Trong trường hợp cước phí trả tại Việt Nam (người bán thuê tàu và trả cước, như trường hợp các container điều vừa qua), người bán không nên trả hết tiền cho hãng tàu ngay, mà lấy bảo lãnh ngân hàng để đàm phán với hãng tàu cho thanh toán trả chậm. Nếu người mua chưa thanh toán tiền hàng, người bán chưa trả hết cước thì hãng tàu cũng không thể giao hàng cho người mua.

Đặc biệt, doanh nghiệp có thể chọn sử dụng các phương thức phòng tránh rủi ro của ngân hàng, ví dụ xác nhận L/C, bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh thực hiện hợp đồng… Sẽ mất thêm một khoản phí, nhưng giảm bớt rủi ro.

Bên cạnh đó cũng có các phương thức phòng ngừa rủi ro khác mà doanh nghiệp có thể lựa chọn: mua bảo hiểm thanh toán, sử dụng dịch vụ giám định của bên thứ ba, sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý của các công ty luật, mua thông tin từ các trang thông tin uy tín để xác minh độ tin cậy của đối tác…

Để giảm thiểu bớt rủi ro trong giao dịch, các doanh nghiệp cần phải hết sức quan tâm đến việc xác minh khách hàng, kể cả trong những trường hợp đã có một vài lần ký hợp đồng và thực hiện rồi thì vẫn phải tiếp tục duy trì quá trình xác minh đó.

Đặc biệt, việc xác minh có thể thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có thể thông qua các Cơ quan Thương vụ của Việt Nam tại các nước cũng như thông qua các dịch vụ tư vấn, tùy từng các thị trường.

Mặt khác, các doanh nghiệp cũng nên dành quyền chủ động trong việc soạn thảo hợp đồng để nắm vững và hiểu rõ được các quy định, trách nhiệm, nghĩa vụ trong hợp đồng nhằm giảm thiểu những rủi ro trong giao dịch với bạn hàng nước ngoài.

Tuấn Nguyễn | Nhà báo & Công luận

Nguồn Nhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục