Bộ Tài chính: Trái phiếu doanh nghiệp không phải tiền gửi ngân hàng, không được ngân hàng đảm bảo
Bộ Tài chính vừa thêm một lần nữa cảnh báo về việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Qua công tác quản lý, giám sát, Bộ Tài chính đánh giá, hiện nay, thị trường còn các rủi ro gắn với từng chủ thể tham gia trên thị trường. Cụ thể, một số doanh nghiệp đang đẩy mức lãi suất phát hành trái phiếu lên cao để huy động vốn, dù tình hình tài chính còn yếu.
Nhiều nhà đầu tư cá nhân cố tình vi phạm trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp để mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ hoặc góp vốn thông qua hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo pháp luật dân sự.
Một số tổ chức cung cấp dịch vụ chưa tuân thủ quy định pháp luật, hợp thức hóa hồ sơ chào bán hoặc chào mời không đúng đối tượng nhà đầu tư đối với TPDN riêng lẻ.
Đặc biệt, rủi ro lớn nhất trên thị trường hiện nay đó là các nhà đầu tư cá nhân thiếu khả năng phân tích, đánh giá rủi ro của trái phiếu những vẫn tham gia mua TPDN.
Trên các mạng xã hội, hội nhóm gần đây đã xuất hiện hiện tượng môi giới của một số doanh nghiệp, tổ chức tài chính mời chào người dân mua TPDN như một hình thức gửi tiết kiệm với lời chào mời hỗ trợ lách luật để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Trước thực trạng thị trường TPDN phát triển nhanh và phát sinh nhiều rủi ro, Bộ Tài chính đã thường xuyên khuyến nghị các nhà đầu tư tham gia thị trường TPDN riêng lẻ cần thận trọng, tìm hiểu quy định pháp luật và năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, nắm rõ những rủi ro đối với TPDN trước khi quyết định đầu tư.
Đối với các nhà đầu tư cá nhân, Bộ Tài chính cảnh báo phải cân nhắc khi tham gia mua TPDN.
Thứ nhất, TPDN không phải là tiền gửi ngân hàng; TPDN được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Do đó, nhà đầu tư mua TPDN có rủi ro khi doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu.
Thứ hai, khi được giới thiệu mua TPDN riêng lẻ, nhà đầu tư phải lưu ý các quy định của pháp luật chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua TPDN phát hành riêng lẻ. Nếu nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không được mua loại trái phiếu này.
Thứ ba, các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu.
Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành.
Thứ tư, bảo lãnh phát hành trái phiếu không phải là bảo lãnh thanh toán trái phiếu. Bảo lãnh phát hành chỉ là việc tổ chức bảo lãnh có cam kết với doanh nghiệp phát hành để phân phối số trái phiếu cần phát hành, theo đó không có bất kỳ nghĩa vụ nào với nhà đầu tư.
Đối với bảo lãnh thanh toán, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ phạm vi bảo lãnh (bảo lãnh thanh toán gốc, lãi hay chỉ một phần gốc, lãi và nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro đối với phần còn lại).
Thứ năm, tài sản đảm bảo của TPDN hay các khoản vay tín dụng có nhiều loại như nhà đất, cổ phần, cổ phiếu, các chương trình, dự án đầu tư…
Trên thị trường TPDN riêng lẻ hiện nay, phần lớn tài sản đảm bảo là bất động sản và các chương trình, dự án, chứng khoán hoặc kết hợp các loại tài sản (bất động sản, chứng khoán).
Thông tin về tài sản đảm bảo được các doanh nghiệp phát hành nêu tại bản công bố thông tin, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về điều kiện của tài sản đảm bảo, chất lượng, giá trị của tài sản đảm bảo và các cam kết về bảo đảm của doanh nghiệp phát hành.
Nhà đầu tư cần lưu ý rằng, đối với các tài sản đảm bảo là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, khi thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản có nhiều biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể bị sụt giảm và không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Với những lưu ý trên, trước khi tham gia thị trường TPDN, Bộ Tài chính cảnh báo nhà đầu tư cá nhân cần tự đánh giá bản thân phải có đủ năng lực để đánh giá được đầy đủ rủi ro khi đầu tư vào TPDN. Không nên mua trái phiếu thông qua chào mời mà không tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu hoặc chỉ mua trái phiếu vì lãi suất cao.
Nhà đầu tư phải rất cẩn trọng với các hình thức chào mời thông qua việc ký kết hợp đồng đầu tư trái phiếu với các tổ chức (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, doanh nghiệp khác) theo hình thức thỏa thuận dân sự không được coi là chủ sở hữu trái phiếu hoặc theo các hình thức đầu tư khác không rõ ràng theo quy định của pháp luật là hết sức rủi ro, dẫn đến việc có thể bị mất tiền và không được pháp luật bảo vệ.
Mọi hành vi “lách” các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp không chỉ khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro, tổn thất khi mua trái phiếu (có thể mất toàn bộ tiền đầu tư) mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.
Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thực hiện thanh, kiểm tra để xử lý nghiêm minh những hành vi “lách” quy định này của pháp luật.
Việt Vũ | Nhà báo & Công luận