Phố cafe đường tàu “độc nhất vô nhị” tại Hà Nội và bài toán an toàn cho du khách

Phố cafe đường tàu dài khoảng 2km từ phố Phùng Hưng đến đường Lê Duẩn, đi qua Trần Phú và Cửa Đông. Tuyến phố vui chơi giải trí “độc nhất vô nhị” tại Hà Nội lúc nào cũng nhộn nhịp tạo nên khung cảnh ấn tượng. Tuy nhiên, nó tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn cho du khách.

Tuyến phố cafe “độc nhất vô nhị” giữa Thủ đô Hà Nội

Nhiều năm trở lại đây, văn hóa uống cafe đã dần đi vào cuộc sống của người dân Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ, người lớn tuổi tại các thành phố lớn. Trong đó, phố cafe đường tàu Phùng Hưng tại Hà Nội được mọi người Thủ đô nói riêng và người dân cả nước nói chung biết đến là con phố cafe nổi tiếng “độc nhất vô nhị”. Được biết, tuyến phố này trước kia vốn là khu tập thể được Tổng cục Đường sắt xây dựng năm 1956, dành cho công nhân viên của ngành. Sau đó được người dân nơi đây kiến thiết lại và trở thành phố cafe đường tàu độc đáo nhất giữa Hà Nội.

Sau thời gian dài phải tạm dừng do dịch bệnh COVID-19, đến nay con phố cafe đường tàu “độc nhất vô nhị” tại Hà Nội đã hoạt động trở lại – Ảnh: Đình Trung

Sở hữu không gian thưởng thức cafe với view độc, con phố dài khoảng 2km nối từ phố Phùng Hưng đến đường Lê Duẩn, đi qua Trần Phú và Cửa Đông đã đi vào cuộc sống thường ngày của người dân, trở thành văn hóa cafe tại Hà Nội.

Phố cafe đường tàu thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước bởi các hàng quán nằm sát đường ray tàu chạy, với các quán cafe nhỏ được bày trí họa tiết rất bắt mắt. Mỗi quán lại có một cách trang trí khác nhau mang điểm nhấn riêng. Quán thì trang trí theo kiểu cổ điển, cafe đàm đạo, quán thì trang trí theo kiểu hiện đại, cây xanh được bày trí ấn tượng tạo cảm giác thích thú mỗi khi du khách đến trải nghiệm.

Không gian quán tại phố cafe đường tàu Phùng Hưng được trang trí cầu kỳ tỉ mỉ, đèn lồng, bảng hiệu, biển quán bắt mắt độc đáo tạo cảm giác trở về Hà Nội xưa mỗi khi du khách được trải nghiệm – Ảnh: Đình Trung

Thậm chí, một số quán cafe đường tàu Phùng Hưng còn được gia chủ sử dụng lại những vật liệu để tái chế như thùng container cũ, boong tàu, khung nhôm khung sắt cũ… nhiều quán còn mang một vẻ đẹp như “Việt Nam thu nhỏ”, bởi ngoài những món đồ hiện đại được trang trí, bày bán, mà nhiều vật dụng mang đậm truyền thống văn hóa người Việt như nón lá, mũ cối, những hình ảnh về đất nước.

Theo phóng viên ghi nhận, những căn nhà nằm sát bên đường tàu thường có diện tích nhỏ, thậm chí chỉ có vài mét vuông, người dân nơi đây chủ yếu sử dụng để kinh doanh buôn bán, nhưng du khách quốc tế tới đây để thưởng thức cafe rất đông. Một điểm đặc biệt tại con phố cafe đường tàu là đa phần những ngôi nhà, quán cafe đều sử dụng 2 gam màu chủ đạo là đỏ và vàng. Đây là hai màu tượng trưng cho máu đỏ da vàng của người Việt Nam, một phần thể hiện tình yêu đất nước dân tộc, đồng thời tạo một không gian cổ điển, một chút hoài niệm, thân quen cho du khách.

Theo người dân nơi đây, trong hai năm qua có nhiều quán cafe ngay sát đường ray xe lửa mọc lên tạo thành xóm cafe đường tàu “độc nhất vô nhị”. Và cũng từ đó, lượng du khách trong và quốc tế đổ bộ tới đây để trải nghiệm cách sinh hoạt của người dân nơi đây và nơi đây cũng chính là điểm hẹn hò lý tưởng dành cho các bạn trẻ. Ngoài ra, du khách khi tới đây còn được trải nghiệm tàu chạy vào khung giờ 9h tối hàng ngày…

Một số hình ảnh tại phố cafe đường tàu Phùng Hưng được phóng viên ghi lại 

Theo chia sẻ người dân nơi đây, du khách tới đây trải nghiệm chủ yếu là khách Tây muốn khám phá không gian được ví như Việt Nam thu nhỏ với nhiều quán hàng bày bán những món đồ mang đậm văn hóa người Việt như nón lá, mũi cối, và áo cờ đỏ sao vàng…
Theo ghi nhận, con phố cafe đường tàu lúc nào cũng nhộn nhịp, đông đúc du khách trong và ngoài nước tới đây để trải nghiệm, chụp ảnh tuyến phố cafe view đẹp nhất Thủ đô Hà Nội – Ảnh: Đình Trung

Ngoài ra, có nhiều du khách là bạn trẻ, sinh viên đang theo học tại Hà Nội cũng tới để trải nghiệm cafe đường tàu – Ảnh: Đình Trung
Tuy nhiên, vấn đề về an toàn giao thông tại phố cafe đường tàu Phùng Hưng đang là vấn đề được mọi người quan tâm. Bởi ngoài việc tới đây thưởng thức cafe, nhiều du khách còn tranh thủ chụp ảnh để lưu giữ kỉ niệm, họ đứng trực tiếp trên thanh ray tàu hỏa, nhiều người còn ngồi, nằm xuống tạo dáng – Ảnh: Đình Trung
Du khách đứng trên thanh ray tàu hỏa để chụp ảnh – Ảnh: Đình Trung
Một bạn trẻ tranh thủ tạo dáng chụp ảnh bên đường ray
Nhiều du khách khác ý thức hơn thì đi tấp vào lề trái của đường ray
Một khách Tây khác thì tranh thủ mua nón lá, mũ cối Việt Nam và tem thư lưu giữ làm kỉ niệm – Ảnh: Đình Trung

Đa phần du khách trong và ngoài nước tới đây để trải nghiệm và chụp ảnh là nhiều. Tuy nhiên, việc giữ an toàn giao thông trên con phố cafe đường tàu độc nhất vô nhị tại Hà Nội lại cần được hướng dẫn và tuyền truyền nhiều hơn… Ảnh: Đình Trung

Một quán nhỏ trên phố cafe đường tàu Phùng Hưng – Ảnh: Đình Trung

Chị Nguyễn Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Tôi học tại Hà Nội 4 năm đã có nhiều lần đến trải nghiệm tại con phố cafe đường tàu Phùng Hưng “độc nhất vô nhị này”. Tôi rất thích không gian nơi đây bởi hai bên dãy nhà mọc san sát nhau ngay cạnh đường ray xe lửa. Mỗi quán cafe nơi đây đều được gia chủ bày trí theo phong cách riêng. Điểm độc đáo là khi chúng ta có một lần trải nghiệm tại tuyến phố này thì đều có cảm giác hoài niệm lại ký ức của Hà Nội xưa. Tôi rất thích nơi đây, nên hàng tuần tôi đều tới đây để uống cafe và ngắm view tàu chạy…”.

Bài toán an toàn cho du khách tại “Phố cafe đường tàu”

Tuy có sự độc lạ với không gian thưởng thức cafe “độc nhất vô nhị”, nhưng phố cafe đường tàu lại tiềm ấn nguy cơ mất an toàn cho du khách trong và ngoài nước. Bởi vậy, vấn đề bảo đảm hành lang an toàn giao thông đường sắt, an toàn của du khách đến với phố cafe đường tàu cần được đặt lên hàng đầu.

Ông Nguyễn Hưng (75 tuổi) – người dân sinh sống gần phố cafe đường tàu Phùng Hưng chia sẻ: “Tôi sống ở con phố này mấy chục năm nhưng lúc nào cũng lo lắng về an toàn giao thông, bởi hiên nhà dân với đường ray tàu chạy chỉ cách nhau tầm 1m, nhiều rủi ro đe dọa đến tính mạng. Mỗi khi đến giờ cao điểm tàu chạy, chúng tôi lại hô hào người dân xung quanh thu dọn bàn ghế, vật dụng gia đình để tránh những hậu quả khó lường”.

Du khách đi trực tiếp trên đường ray tàu chạy để chụp ảnh, ngắm vẻ đẹp con phố đường tàu nguy cơ tiềm ẩn về an toàn giao thông – Ảnh: Đình Trung

Theo phóng viên quan sát, nhiều quán tại phố cafe đường Tàu Phùng Hưng có treo biển hướng dẫn về khung giờ tàu chạy và cảnh báo du khách về vấn đề giữ an toàn. Cụ thể, trước khi đến giờ cao điểm tàu chạy qua, mọi du khách đứng hẳn vào bên trong quán, không thò tay, chân ra để chụp ảnh, do điều này dễ xảy ra tai nạn, đe dọa tới tính mạng. Song việc, việc cảnh báo về sự nguy nghiểm tới du khách chỉ là sự tự phát của người dân. Các chủ quán cafe nơi đây nên cần có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng.

Anh Tuấn (quận Long Biên, Hà Nội) – người dân bán hàng trên phố cafe đường tàu cho biết: “Phố cafe đường tàu đã trở thành nét sinh hoạt hàng ngày của người dân Hà Nội và du khách trong và ngoài nước. Nếu có thể, cơ quan chức năng có thể đưa ra cách quản lý, chỉ đạo thay vì cấm khi du khách có nhu cầu tới đây trải nghiệm. Đây cũng là cách để khai thác hết được tiềm năng trong việc kinh doanh tại con phố cafe “độc nhất vô nhị” này, đồng thời đảm bảo việc quản lý chặt chẽ và đảm bảo hành lang an toàn cho khách quốc tế”.

Đồng quan điểm với anh Tuấn, chị Bảo Trinh (quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng: “Vấn đề an toàn giao thông cho du khách tại phố cafe đường tàu Phùng Hưng là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu. Theo tôi, phía cơ quan chức năng có thể nghiên cứu cho phép mở các quán cafe trên tuyến phố này, nhưng phải đảm bảo an toàn, tuân thủ mọi cảnh báo tại biển hiệu, bảng hiệu được gắn tại đây và phải giữ khoảng cách an toàn với đường ray tàu hỏa”.

“Riêng đối với những quán bày bàn ghế hoặc xây dựng sát đường tàu thì cơ quan chức năng cần vào cuộc cấm triệt để. Còn đối với khách Tây và khách trong nước thì chủ quán cafe cần nhắc nhở không được đứng trên đường ray tàu chụp hình, đi dạo trên đường tàu, tiềm ẩn rủi ro mất an toàn giao thông”, chị Trinh nói thêm.

Theo Nghị định 56 về Quy định chức năng, Nhiệm vụ, Quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông Vận tải. Ở mục phụ lục II mô tả chi tiết về cách xác định phạm vi kết cấu hạ tầng đường sắt, trong đó có hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường sắt.

Chiều rộng hành lang ATGT đường sắt được tính từ mép ngoài phạm vi bảo vệ đường sắt trở ra mỗi bên. Đối với đường sắt tốc độ cao: trong khu vực đô thị là 5m, ngoài khu vực đô thị là 15m; Đường sắt đô thị đi trên mặt đất, đường sắt còn lại là 3m. Chiếu theo quy định, hầu hết các quán cà phê đường tàu đều vi phạm hành lang an toàn đường sắt.

Trung Nguyễn | Nhà báo & Công luận

Nguồn Nhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục