20 năm “phát lộ” dấu tích Hoàng thành Thăng Long: Tìm hướng tiếp cận mới trong bảo tồn di sản
Tại Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội” vừa qua, các nhà khoa học và các chuyên gia đã đề xuất nhiều hướng tiếp cận mới trong bảo tồn di sản văn hóa thế giới này.
Nơi kết tinh lịch sử văn hóa nghìn năm Đại Việt
Cách đây hai thập niên, những nhát cuốc đầu tiên cho cuộc khai quật lớn trong lịch sử ngành khảo cổ học Việt Nam và khu vực Đông Nam Á đã được khởi động tại 18 Hoàng Diệu, Hà Nội.
Các cuộc khai quật những năm sau đó đã phát lộ dấu tích kiến trúc cung điện cùng vô số loại hình hiện vật phong phú qua các triều đại, minh chứng tiêu biểu cho lịch sử văn hóaThăng Longphát triển liên tục hơn 1.000 năm từ các thời kỳ tiền Thăng Long đến Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng – Tây Sơn và thành Hà Nội thời kỳ cận hiện đại.
Là người đã ở bên những hố khai quật từ những ngày đầu, PGS.TS Tống Trung Tín – Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam (nguyên Chủ nhiệm Công trường khai quật khảo cổ học 18 Hoàng Diệu) cho rằng, những cuộc khai quật đã thu được kết quả to lớn trong việc tìm hiểu các giá trị của di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, đồng thời thu được nhiều tư liệu mới mang tính xác thực cao, góp phần nghiên cứu, phục dựng Chính điện Kính Thiên, Hoàng cung Thăng Long… cũng như các phương án phát huy giá trị di sản.
“Qua 20 năm nghiên cứu khảo cổ học Thăng Long, càng ngày chúng ta càng hiểu sâu sắc hơn giá trị lịch sử – văn hóa của kinh đô Thăng Long. Trong tổng thể, khu Di sản trung tâm Hoàng thành Thăng Long tiêu biểu toàn bộ di sản kinh đô Thăng Long – Hà Nội, đáp ứng 3 tiêu chí nổi bật toàn cầu của di sản thế giới với diễn trình lâu dài, liên tục, phản ánh những đặc trưng nổi bật của nền văn hiến độc đáo có lịch sử hàng nghìn năm của vùng đất đế đô”– PGS.TS Tống Trung Tín khẳng định.
Ông Tín cũng liệt kê những điều đã được giải mã sau 20 năm. Chẳng hạn, giờ đây, vị trí Hoàng thành Thăng Long thời Lý đã được xác định tương đối chính xác ở vào khoảng khu vực 18 Hoàng Diệu và khu vực Chính điện Kính Thiên. Trong khi trước năm 2002, các ý kiến về vị trí chính xác của Hoàng thành Thăng Long và Cấm thành Thăng Long chỉ là phỏng đoán. Ngoài ra, các kiến trúc, hệ thống di vật của các thời kỳ đều được tìm thấy, xác định rõ ràng hơn thời điểm trước năm 2002 rất nhiều.
“Hiện nay về cơ bản chúng ta đã xác định được cấu trúc không gian Chính điện Kính Thiên và có được những hiểu biết khá cơ bản ban đầu về kiến trúc của nó. Kết cấu cơ bản của không gian Chính điện Kính Thiên thời Lê chính là Đoan Môn – Đan Trì – điện Kính Thiên. Sân Đan Trì của Thăng Long ngày nay chính là sân Đại Triều…”, PGS.TS Tống Trung Tín nói.
Nên hy sinh một vài giá trị để bảo tồn “giá trị cốt lõi”?
Về những vấn đề đặt ra trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long, theo TS. Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, dù được UNESCO ghi nhận, dù chương trình khảo cổ học triển khai bài bản, khoa học và có kết quả đáng kể thì việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản trong những năm qua chưa đáp ứng kỳ vọng của nhân dân Thủ đô về một di sản tầm cỡ như Hoàng thành Thăng Long. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản vẫn tồn tại nhiều vấn đề nan giải đặt ra cho các nhà nghiên cứu, quản lý.
Đến từ Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, TS. Phạm Lê Huy cho rằng, tới nay vẫn có không ít người chỉ nhìn di tích vô giá này như“đống gạch vỡ”ở các hố khai quật. Ông Huy hy vọng thời gian tới, Trung tâm Bảo tồn Di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình 3D về di tích này để người dân dễ tiếp cận và hình dung rõ hơn về di tích.
Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản sẽ tiếp tục như thế nào khi đang có nhiều khó khăn, vướng mắc do những biến động của lịch sử hơn 1.000 năm cùng sự phát triển của cơ sở hạ tầng giao thông, nhà ở?…
TS. Nguyễn Viết Chức đánh giá, hiện di sản vật thể quan trọng nhất trong Hoàng thành là những cung điện, những công trình của ba triều đại Lý, Trần, Lê với thời gian khoảng 800 năm hầu như không còn, hầu hết đang nằm sâu trong lòng đất dưới dạng dấu tích.“Với niềm tự hào của người Việt Nam về ba triều đại phong kiến phát triển rực rỡ khi thăm Hoàng thành mà chỉ có những dấu tích đổ nát thì thực ra chưa thỏa mãn sự kỳ vọng của cộng đồng”, TS. Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.
Từ đó, ông Chức cho rằng, để nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị của di sản cần phải đánh giá, nhận diện lại di sản, bởi lẽ khó có thể bảo tồn nguyên trạng các giá trị vật thể tại nơi này. Ông cũng đặt vấn đề, nên chăng chấp nhận bảo tồn theo phương pháp tối ưu là chấp nhận“nhượng bộ”, hy sinh một vài giá trị để bảo tồn giá trị cốt lõi, có ý nghĩa lịch sử, văn hóa và có khả năng phát huy tốt hơn. Cùng với đó cũng nên cân đối đầu tư các giá trị phi vật thể để“thổi hồn”vào di tích…
Có cùng quan điểm, PGS.TS Đặng Văn Bài – Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đề xuất hướng tiếp cận mới trong bảo tồn di sản văn hóa thế giới này. Ông Bài cho rằng, trong điều kiện đã trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, nhất là dưới áp lực của quá trình đô thị hóa chưa được kiểm soát chặt chẽ của Hà Nội, khó có thể tham vọng giữ nguyên vẹn hoặc vinh danh tất cả các yếu tố biểu đạt giá trị nổi bật của kinh thành Thăng Long xưa.
Theo ông, phải chấp nhận lồng ghép vào đó các dấu ấn vật chất được phát hiện qua nghiên cứu khảo cổ học, khu đô thị cổ Hà Nội, một đoạn La Thành, một số điểm di tích, các hạng mục kiến trúc đơn lẻ với tính cách là những“cột mốc văn hóa”, những điểm gợi nhớ để cùng với Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tạo nên diện mạo kiến trúc mới cho khu di sản.
“Với cách tiếp cận như trên cùng kết quả nghiên cứu khoa học và khai quật khảo cổ, trong tương lai gần, có khả năng xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO vinh danh lần thứ hai cho khu di sản”, ông Đặng Văn Bài nói.
Ủng hộ ý tưởng đề xuất xây dựng khu Trung tâm Hoàng thành thành một công viên lịch sử, Ths.KTS Đặng Khánh Ngọc – Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẳng định, đề xuất này sẽ hiện thực hóa được các mục đích là bảo tồn trọn vẹn các vết tích và các di tích trên mặt đất, các dấu tích khảo cổ học, các địa danh lịch sử trong khu di sản; duy trì mối liên kết của hệ sinh thái đặc thù và sự kết nối với cộng đồng theo cách thức dễ tiếp cận, đơn giản để tìm hiểu, khám phá.
Trong đó, phạm vi và đối tượng bảo tồn của công viên sẽ là toàn bộ di tích, phế tích kiến trúc hiện hữu trong khu di sản, các dấu tích đã và sẽ được phát lộ kết hợp trên nền cảnh quan gồm những yếu tố hữu cơ cấu thành khu vực đô – thành – thị Thăng Long Hà Nội.
Khẳng định ý kiến của các nhà khoa học là một trong những căn cứ, định hướng cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội trong giai đoạn mới, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng nêu rõ, các giá trị di sản đã được xác định phải đóng vai trò cốt lõi trong việc đánh giá phương án phát triển hài hòa giữa các giá trị truyền thống với các yêu cầu của cuộc sống hiện đại ngày nay.
“Để hiện thực hóa tầm nhìn, chúng ta cần chuyển hướng từ tiếp cận bảo tồn di sản dựa trên các quy tắc cứng nhắc sang cách tiếp nhận dựa trên giá trị và tính bền vững bao trùm hơn trên tinh thần của Công ước 1972”, ông Chử Xuân Dũng nói.
T.Toàn | Nhà báo & Công luận