Chi phí đền bù giá đất cao đang cản trở sự tăng trưởng của bất động sản công nghiệp?
Khi xây dựng nhà máy tại Việt Nam, các doanh nghiệp FDI đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, như chi phí đền bù cộng với giá đất ở Việt Nam đã tăng lên rất nhiều trong thời gian gần đây
Trong vài năm qua, bất động sản công nghiệp được hưởng lợi rất nhiều, nhờ vào việc các doanh nghiệp FDI hàng đầu thế giới xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Đơn cử, như vào đầu năm nay, LEGO quyết định đầu tư hơn 1 tỷ USD tại Bình Dương.
Tại miền Bắc, một số thương vụ lớn đáng kể đến từ đầu năm đến nay là Trinar Solar (275 triệu USD), Autel Robotics (90 triệu USD) và Thép Việt Ý (80 triệu USD). Những khoản đầu tư này tập trung chủ yếu ở Thái Nguyên và Hải Phòng.
Ông John Cambpell, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam đánh giá các ưu đãi thuế của Chính phủ dành cho các công ty công nghệ cao là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp FDI gia nhập thị trường Việt Nam. Theo chuyên gia của Savills, trong khu vực Đông Nam Á,
không có quốc gia nào tham gia nhiều FTA như Việt Nam.
Điều này giúp tạo được niềm tin cho các nhà sản xuất có giá trị cao trên toàn cầu. Việt Nam có một lực lượng lao động trẻ và năng động, tầng lớp trung lưu đang gia tăng với thu nhập cao hơn. So với Trung Quốc, Việt Nam cũng có một Chính phủ ổn định hơn và thuận lợi hơn cho các công ty Mỹ và EU.
Tuy nhiên, ông John Cambpell cho rằng, khi xây dựng nhà máy tại Việt Nam, các doanh nghiệp FDI đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, như chi phí đền bù cộng với giá đất ở Việt Nam đã tăng lên rất nhiều trong thời gian gần đây.
“Đây là một thách thức đối với các chủ đầu tư muốn thành lập các khu công nghiệp mới hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang công nghiệp”, ông John Cambpell nói.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang phải đối mặt với 2 thách thức dài hạn bao gồm trình độ lao động và cơ sở hạ tầng.
Ông John Cambpell phân tích: Việt Nam có lực lượng lao động lớn, nhiều khoản đầu tư sản xuất mới và nền kinh tế đang tiến lên chuỗi giá trị nhưng vẫn thiếu nguồn cung lao động có tay nghề cao.
Vì vậy, khi thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, Chính phủ cũng phải đảm bảo chất lượng và số lượng lao động có tay nghề cao không quá chênh lệch so với các thị trường trong khu vực.
“Cho đến nay, Việt Nam đã vạch ra trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội từ năm 2021 đến năm 2030 nhằm cải cách giáo dục, nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận đào tạo, song đây không phải là điều có thể làm trong một sớm một chiều”, chuyên gia của Savills chia sẻ.
Về cơ sở hạ tầng, các địa phương phía Nam đang rất cần được cải thiện mạng lưới giao thông, đặc biệt là đường bộ. Mặc dù Việt Nam chi khá nhiều GDP cho đầu tư cơ sở hạ tầng, thế nhưng, chuyên gia Savills cho rằng, sự đầu tư này vẫn còn hạn chế so với một số quốc gia khu vực.
Định Trần | Nhà báo & Công luận