Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp Việt đã thay đổi

Hiện nay, chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam đã thay đổi, từ việc dành quá ưu ái cho xuất khẩu, thì nay đã tập trung phát triển thị trường trong nước.

Thành quả lớn của Cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt

Sau 13 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, một trong những thành quả lớn nhất, đó chính là việc chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam đã thay đổi, từ việc dành quá ưu ái cho xuất khẩu, thì nay đã tập trung phát triển thị trường trong nước.

Chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam đã thay đổi, từ việc dành quá ưu ái cho xuất khẩu, thì nay đã tập trung phát triển thị trường trong nước.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương đồng tình: Doanh nghiệp Việt đã chuyển mạnh sang chinh phục người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm. Trước đây, nhiều doanh nghiệp chỉ hướng đến thị trường xuất khẩu thì nay đã quan tâm nhiều hơn đến thị trường trong nước.

Đặc biệt, trong 2 năm vừa qua đối mặt với đại dịch COVID-19, xu hướng này lại càng được chuyển đổi mạnh mẽ. Hơn ai hết, chính các doanh nghiệp Việt Nam đều hiểu rõ rằng, với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam chính là thị trường rất tiềm năng.

Nắm bắt tâm lý này, các doanh nghiệp trong nước đã nhanh chóng đưa ra thị trường nhiều mặt hàng có giá thành hợp lý, bảo đảm chất lượng, tiện ích, từ đó đã giúp cho hàng Việt tăng sức cạnh tranh với nhiều loại hàng hóa cùng loại nhập ngoại.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Việt Hải, đại diện một doanh nghiệp bán lẻ chia sẻ: Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài ồ ạt đầu tư vào Việt Nam, để nhanh chóng chiếm thị phần. Trong khi các doanh nghiệp trong nước lại thích xuất khẩu hơn.

Tuy nhiên, tư duy kinh doanh này đã “đảo chiều”, bản thân người Việt cũng đã có cái nhìn hoàn toàn khác với hàng hóa “made in Việt Nam”.

Thứ nhất, về giá cả, hàng hóa “made in Việt Nam” có giá “mềm” hơn khá nhiều so với hàng nhập khẩu, hay các thương hiệu nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam, trong khi chất lượng có thể tương đương, thậm chí là hơn.

Thứ hai, các sản phẩm “made in Việt Nam” phù hợp với thị hiếu và thể trạng của người Việt. Đơn cử như các mặt hàng thời trang, các số đo cơ thể đều được lấy từ tiêu chuẩn của người Việt. Trong khi các hàng thời trang “ngoại” thường sử dụng các số đo của người châu Âu, chưa thật sự phù hợp với người Việt.

Cần một lực đẩy để kích cầu thị trường

Trong khi đó, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết: Hiện Tập đoàn đang đẩy mạnh công tác mở rộng thị trường nội địa, thị trường thời trang, mở rộng mạng lưới cửa hàng tại các đơn vị thành viên, với tôn chỉ và mục tiêu ưu tiên phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng Việt, đưa hàng may mặc Việt Nam với chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh đến trực tiếp người tiêu dùng.

Doanh nghiệp dệt may luôn chú trọng mở rộng thị trường nội địa.

“Thực hiện Cuộc vận động, chúng tôi nhận thấy đã phần nào làm thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng Việt Nam và người sản xuất. Một bộ phận lớn cán bộ, đảng viên và công nhân viên chức đã nhận thức được một cách cơ bản về lợi ích của việc dùng hàng nội địa”, ông Cao Hữu Hiếu nhận định.

Đặc biệt, tại Vinatex đang đẩy mạnh ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm trang thiết bị văn phòng, công sở, tăng cường sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu nội địa và dịch vụ có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập để phục vụ sản xuất, kinh doanh và hủ động sử dụng nguồn vật tư, nguyên liệu trong nước thay thế hàng nhập ngoại.

Tuy nhiên, để thành công hơn nữa, ông Hiếu cho rằng, các cơ quan chức năng cần thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, khai thác tối đa thị trường trong nước.

Đồng thời, tăng cường các biện pháp trong công tác kiểm tra thị trường, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái nhãn mác, hàng kém chất lượng đang tồn tại nhiều trên thị trường, bảo hộ thương hiệu cho hàng dệt may nước nhà.

“Cần tiếp tục tuyên truyền, vận động doanh nghiệp trong nước chủ động sử dụng sản phẩm, dịch vụ ở các khâu sản xuất, kinh doanh để phát huy thế mạnh trên các lĩnh vực hoạt động của đơn vị; có lộ trình cụ thể tăng dần hàng năm tỷ lệ nội địa hóa nguyên vật liệu, sản phẩm, hàng hóa dịch vụ”, ông Hiếu kiến nghị.

Việt Vũ | Nhà báo & Công luận

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục