Trải nghiệm cảm giác cực mạnh với cung đường đèo 15 tầng, Khau Cốc Chà
Nếu những ai thích trải nghiệm cảm giác mạnh với những cung đường đèo khúc khuỷu, thì con đèo 15 tầng - Khau Cốc Chà, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng - xứng là một trong những thử thách hấp dẫn nhất, bởi độ cao lớn, nhiều đoạn cua tay áo cùng phong cảnh hùng vĩ rất ấn tượng của núi rừng nơi đây.
Hẳn nhiều người đã quá quen với những con đèo nguy hiểm như Ô Quy Hồ, đèo Khau Phạ, đèo Mã Pí Lèng… nhưng còn một con đèo nữa ở rừng núi phía Bắc mà nhiều người có thể chưa biết đến. Đó là đèo Khau Cốc Chà, huyện Bảo Lạc – con đèo nổi tiếng nhất ở Cao Bằng vì đường đi hiểm trở với nhiều đoạn cua gập cánh khuỷu.
Nằm trên quốc lộ 4A, với chiều dài gần 2,5 km, đèo Khau Cốc Chà là con đường độc đạo nối từ xã Xuân Trường đến trung tâm huyện biên giới Bảo Lạc, giáp Trung Quốc, thuộc tỉnh Cao Bằng. Con đèo này được xây dựng từ năm 2009 và tới vào năm 2011 thì khánh thành, đưa vào sử dụng.
Sở dĩ, người ta vẫn thường gọi Khau Cốc Chà với cái tên đèo 15 tầng, bởi từ chân đèo lên đỉnh có 15 khúc cua dốc dựng đứng và hạ độ cao nhanh. Sự hấp dẫn của đèo chính là cung đường ngoằn ngoèo, liên tục cua gấp trong đoạn đường ngắn chỉ khoảng 2,5 km. Nếu không phải là một tay lái cứng cựa, hẳn bạn sẽ phải toát mồ hôi, sởn gai ốc bởi độ khó của cung đường.
Theo người dân nơi đây kể lại, trước khi con đường được làm, người dân Xuân Trường muốn xuống Bảo Lạc thì chỉ có một phương tiện duy nhất là đi ngựa, hoặc phải đi bộ trên con đường đèo dốc. Thậm chí, đèo Mẻ Pia trước đây cũng không phải là đường quốc lộ như ngày nay mà nó chỉ là con đường mòn trên núi với bề ngang chỉ khoảng 40 cm, dốc đứng bám vào sườn núi đất. Những ngày nắng việc đi lại thuận tiện, còn những ngày mưa, đường trơn trợt vô cùng nguy hiểm.
Sau khi được trải nhựa và nhiều đoạn mở rộng tới 5m, đường mới dễ đi và giao thông cũng trở nên thuận lợi khi việc đi lại giữa các khu vực trong vùng được kết nối và thời gian di chuyển cũng được rút ngắn.
Trong tiếng dân tộc Tày thì Khau có nghĩa là đèo, Cốc Chà là tên của một bản người Tày ở đỉnh đèo, cũng là tên 1 loại cây mọc rất nhiều ở khu vực đỉnh đèo. Và con đèo Mẻ Pia đi qua bản Cốc Chà từ đó được lấy tên là Khau Cốc Chà.
Theo chân đoàn Famtrip của Chi hội Du lịch cộng đồng (VCTC), tôi có dịp trải nghiệm trên con đường đèo hùng vĩ này vào những ngày đầu tháng 10. Đây cũng là khoảng thời gian mà các cánh đồng lúa ở vùng núi khu vực Tây và Đông Bắc vào mùa gặt, chúng phủ lên một màu vàng rộm dưới các thung lũng và ven những sườn núi, tạo cảm giác vô cùng thú vị.
Điều thú vị nữa là trong đoàn Famtrip của chúng tôi, hầu hết mọi người đều chưa từng qua cung đường này. Ngay cả bác tài cũng chưa có một lần đi qua. Vì thế, chúng tôi được đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác khi mà tất cả đều không biết phía trước con đường sẽ quanh co và khúc khuỷu thế nào. Không ít lần bạn đồng hành trên xe của tôi phải rú lên vì sợ và hưng phấn trước sự hùng vĩ của khung cảnh núi rừng.
Quãng đường từ chân đèo sang bên chân đèo phía bên kia dài khoảng 2,5 km, nhưng di chuyển phải mất tới 1 tiếng đồng hồ. Trong suốt chặng đường, bác tài luôn giữ sự tập trung cao độ. Điều hòa trong xe ô tô được tắt đi để “dành sức” cho chặng leo núi, với nhiều đoạn dốc hơn 12 độ.
Đi chuyển bằng ô tô đã mang cảm giác rất hưng phấn, trải nghiệm cung đường này bằng xe máy hẳn sẽ vô cùng tuyệt vời. Tuy nhiên, việc chinh phục đèo Khau Cốc Chà nguy hiểm đòi hỏi bạn phải là một tay lái cừ khôi, can đảm, có kinh nghiệm đi trên các đoạn đường đèo dốc nguy hiểm.
Một khi chinh phục được Khau Cốc Chà, bạn sẽ có được cảm giác thật khó tả, nhất là khi leo lên tới đỉnh. Có một con đường nhỏ, sát vách núi, bạn có thể men theo để lên đến điểm view toàn cảnh 15 tầng của đèo Khau Cốc Chà. Đứng trên đỉnh Khau Cốc Chà, phóng tầm mắt ra xa nhìn lại quãng đường đã đi qua, hẳn bạn sẽ phải trầm trồ trước không gian hùng vĩ của núi rừng, của cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp nơi đây. Nếu là một người yêu thích chụp ảnh, bạn chắc chắn sẽ có những tấm hình vô cùng đắt giá.
Với chặng đường nguy hiểm nhưng hấp dẫn, đèo Khau Cốc Chà thực sự là điểm đến mà nhiều bạn trẻ ưu thích mạo hiểm có thể lựa chọn để chinh phục.
Hiện khách du lịch đến với Bảo Lạc ngày một đông, trong đó có nhiều khách nước ngoài đến trải nghiệm. Huyện Bảo Lạc hiện còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và là vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Có thể kể đến những địa danh như đồn Đồng Mu (xã Xuân Trường), Di tích lịch sử Trông Nhìa Hậu (xã Hồng An), chùa Vân An, miếu Quan Đế (thị trấn Bảo Lạc). Ngoài ra, huyện được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan, danh thắng đẹp như: núi Phja Dạ (xã Sơn Lập) cao 1.987m so với mặt nước biển – được coi là “nóc nhà” của Cao Bằng với cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, kỳ vĩ, hồ Thôm Lốm (xã Xuân Trường), hồ thủy điện xã Bảo Toàn…
Đến Bảo Lạc, du khách có thể thăm chợ tình Phong Lưu (Háng Toán), tham gia lễ hội Lồng Tồng, ngày hội Văn hóa dân tộc Lô Lô, ngày hội Văn hóa dân tộc Mông… Thăm đồng bào Lô Lô, du khách có dịp chiêm ngưỡng hai nghề truyền thống độc đáo là nghề thêu, dệt thổ cẩm tại xóm Khuổi Khon (xã Kim Cúc) và nghề đan lát tại xóm Khau Trang (xã Hồng Trị).
Bài và ảnh: Hoài Đức | Nhà báo & Công luận