Nổi lên nhờ mạng xã hội, đặc sản ốc gác bếp được nhiều người săn tìm thưởng thức

Từ một món ăn dân dã, truyền thống của nhiều gia đình ở vùng quê sông nước Tây Nam Bộ, thời gian gần đây ốc gác bếp đã trở thành một món ăn đặc sản được nhiều người biết tới.

Đặc sản ốc gác bếp là món ăn dân dã của người miền Tây, thường treo giàn bếp để dành. Nguyên liệu chính của món này chính là ốc Lác, đây là loại ốc khá giống ốc bươu vàng, dáng to, vỏ màu vàng, loài này như khác biệt nằm ở phần thịt ngọt và giòn, không bở mềm như thịt ốc bươu, sống dai.

Ốc Lát thường sinh sống nhiều tại các khu vực tỉnh Đồng Tháp, để làm món này, ốc sau khi bắt về sẽ đem rửa cho sạch lớp bùn trên vỏ, cho vào một chiếc giỏ bằng tre và lót rơm, trấu, sau đó treo lên giàn bếp trong nhà để ốc được hun khói.

Ốc Lát là loại ốc thường được sử dụng để làm đặc sản ốc gác bếp.

Ốc gác bếp sẽ được xông khói từ 4 – 5 tháng đến khi đạt yêu cầu thì mang xuống và đem chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Điều đặc biệt là ốc gác bếp vẫn còn sống dù được treo lên cao trong thời gian lâu, thịt sạch và béo hơn.

Với hương vị độc đáo giòn giòn, ngọt béo và thơm phức mùi khói bếp, từ một món ăn dân dã, giờ đây ốc treo giàn bếp đã thành món ẩm thực đặc sản. Mặc dù giá thành cao hơn các loại ốc bình thường rất nhiều lần nhưng món ăn này được rất nhiều người ưa chuộng và tìm mua.

Sau khi làm sạch, ốc sẽ được treo lên giàn bếp từ 4 – 5 tháng.

Chị Nguyễn Thị Mơ, chủ một cửa hàng đặc sản miền Tây tại phường An Khánh (quận Ninh Kiều, Cần Thơ) cho biết: “Dạo gần đây, đặc sản ốc gác bếp rất nổi trên mạng xã hội, được khách hàng tại nhiều tỉnh thành khác đặt mua để thưởng thức, trải nghiệm. Đây là đặc sản quen thuộc của người dân miền Tây từ lâu nhưng tới bây giờ mới được nhiều người biết tới”.

Chị Mơ cho biết, có ngày chỉ trong vòng 10 phút khách hàng đặt mua tới hơn 60kg ốc gác bếp. Lượng khách tăng lên đáng kể khiến cho có những ngày cửa hàng chị Mơ “cháy hàng” ốc gác bếp. Hiện tại, ốc gác bếp đang được chị Mơ bán với giá 290.000 đồng/kg, mức giá này chưa bao gồm tiền giao hàng tới các tỉnh thành khác.

“Ốc có thể chế biến theo những cách thông thường như luộc sả, hấp tiêu, nướng. Hoặc muốn ngon hơn thì ngâm ốc vào hỗn hợp sữa tươi và lòng đỏ trứng gà khoảng từ 2 – 3 giờ. Sau đó đem ốc đi chế biến, khi ngâm theo cách này ốc sẽ rất thơm ngon vì sữa và trứng gà được ốc hút đã ngấm vào thịt ốc”, chị Mơ nói.

Ốc gác bếp thường được chế biến thành các món hấp, xào, luộc…

Không như suy nghĩ của nhiều người, ốc bắt lên khỏi nước để lâu ngày sẽ chết vì đói, ốc gác bếp ngày ngày bị hun khói từ bếp củi, không chết do hơi nóng bốc lên, mà vẫn béo ngậy, khi đem chế biến món ăn vẫn giữ mùi vị ngọt, cộng thêm mùi thơm đặc biệt của khói bếp.

Bán đặc sản ốc gác bếp tại TP HCM, anh Nguyễn Văn Vinh cho biết: “Sở dĩ, ốc gác bếp có giá cao hơn các loại ốc thông thường khác bởi vì từ lúc bắt lên tới khi gác bếp thành công mất nhiều thời gian, tỉ lệ hao hụt cũng nhiều. Một đầu mối cung cấp ốc cho tôi cho biết rằng cứ 10kg ốc tươi mới ra được 3kg ốc thành phẩm loại 1”.

Chị Phạm Thị Ly (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Trên các trang mạng xã hội dạo này thấy rất nhiều bài đăng về món ốc gác bếp, thấy cũng lạ nên tò mò đặt về ăn thử. Lúc mua về cũng làm theo hướng dẫn đổ sữa và trứng cho ốc ăn, cũng bất ngờ vì nghe nói treo ốc 4 – 5 tháng trên bếp mà vẫn còn sống. Ốc gác bếp thực sự rất mềm và ngon, ngọt, tuy đắt hơn nhiều so với các loại ốc thường nhưng rất đáng tiền”, .

Cũng chính vì thời gian để ăn được ốc treo gác bếp khá lâu, nên giá thành của ốc gác bếp cũng cao hơn gấp 8 – 10 lần so với các loại ốc thông thường. Với mức giá dao động từ 250.000 – 300.000 đồng/kg, ốc gác bếp đang trở thành một loại đặc sản “hái ra tiền” của người dân miền Tây.

Bài và ảnh:Lê Trang | Nhà báo & Công luận

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục