Không đổ được xăng, tài xế công nghệ tắt ứng dụng, mếu máo vì thu nhập giảm

Do rất đông các cây xăng trên địa bàn TP. HCM treo biển tạm ngưng bán hoặc có bán nhưng khách hàng phải chờ rất lâu mới tới lượt đổ, nhiều tài xế công nghệ mệt mỏi, ngao ngán vì công việc bị ảnh hưởng.

Người chạy chục km đổ xăng, người đành… bỏ cuộc

Theo ghi nhận của phóng viên báo Nhà báo & Công luận, sáng 10/10, tại các cây xăng trên địa bàn TP. HCM, có rất đông người dân đến xếp hàng từ sớm để chờ được đổ xăng. Trong số đó, không ít tài xế xe ôm công nghệ vẫn cố gắng chen chúc chờ đổ, có người chờ quá lâu đành bỏ cuộc quay về.

Nhiều tài xế xếp hàng dài từ sớm để chờ đổ xăng, tranh thủ nhận các đơn hàng đầu tiên trong ngày.

Theo anh Hữu Thắng (ngụ quận 8), do đã đọc tin tức từ tối hôm trước, sáng nay anh đã dậy rất sớm để đi đổ xăng. Tuy nhiên, dù đã đi gần 10 cây xăng, anh vẫn không thể đổ được một lít xăng nào trong khi ứng dụng cứ “nổ” đơn liên tục. May mắn, dừng chân lại một cây xăng trên đường Điện Biên Phủ, anh Thắng đã đổ được xăng cho xe máy sau khi chờ hơn 30 phút.

“Biết trước sẽ đông nên 6h sáng là tôi đã ra đường. Vậy mà vẫn không đổ được trong khi giờ này thường ngày là tôi đã đi làm rồi. Nãy giờ chờ lâu lắm, xe của tôi chỉ đổ 30-50.000 đồng là đầy rồi nên không thể đổ thêm được. Với tình trạng này thì phải mất rất nhiều thời gian mới đổ đủ xăng chạy cho nhiều lần chạy trong ngày”, anh Thắng thở dài, nói.

Các cây xăng ở TP. HCM hầu như đều đông nghịt.

Không dừng lại ở đó, tài xế Đức Minh (ngụ TP. Thủ Đức) cho hay anh đã phải chạy xuống tận Đồng Nai để tìm cây xăng. Sau khi mất quá nhiều thời gian, anh Minh quyết định tắt ứng dụng, về nhà nghỉ ngơi.

“Rất tốn công, tốn sức. Tôi sẽ tạm ngưng chạy xe công nghệ cho đến khi mọi chuyện bình thường trở lại, chứ cứ đà này thì một ngày chạy không được bao nhiêu, lại phí thời gian, tiền bạc chỉ để đi đổ xăng”, anh Minh nói.

Tương tự, tài xế Quốc Trung (ngụ quận 8) cho biết, anh đã ghé khoảng 8 cây xăng trên địa bàn, dù chấp nhận chờ hơn 1 tiếng, anh cũng chỉ đổ được tối đa 50.000 đồng. Vì đã đến giờ cao điểm ăn trưa, các đơn hàng tới liên tục khiến anh cảm thấy rất nôn nóng.

“Khách họ gọi điện hối lắm, nhưng xe không còn xăng, phải chờ nên tôi đành xin lỗi, nhờ họ hủy và đặt chuyến khác. Xăng giảm thì tài xế chúng tôi vui lắm, nhưng chưa vui được bao lâu thì lại gặp cảnh này”, anh Trung ngao ngán.

Về phía khách hàng, chị Như Quỳnh (21 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) chia sẻ chị không thể đặt đồ ăn sáng vì đợi quá lâu, không thấy tài xế nhận đơn. Được biết, chị bắt đầu đặt đơn từ 8h, đến gần 9h vẫn chưa có tài xế nào nhận, kiên nhẫn chờ đợi, cuối cùng cũng có tài xế nhận nhưng quãng đường lại quá xa, chị đành hủy vì phí giao hàng cao.

“Lúc đầu có tài xế nhận đơn, nhưng đợi quá lâu nên tôi gọi lại thì anh ấy nhờ hủy vì phải đứng xếp hàng đổ xăng. Cứ nghĩ xăng giảm thì sẽ dễ có nhiều tài xế chạy hơn, thực tế thì ngược lại, tôi đành phải tự đi bộ mua thức ăn”, chị Quỳnh nói.

“Xăng giảm, không ngờ thu nhập cũng giảm theo”

Theo anh Trương Minh Chánh (tài xế xe công nghệ), trong nhóm Facebook có hàng nghìn tài xế tham gia, đã có rất nhiều người phản ánh, than phiền việc không có xăng để chạy, chỉ dám nhận các đơn gần từ 10 km trở xuống vì sợ hết xăng giữa đường. Có không ít cây xăng chỉ cho phép đổ 30.000 đồng/lượt, tối đa cũng chỉ đổ được 50.000 đồng nên tài xế đang gặp rất nhiều khó khăn.

Thu nhập giảm, nhiều tài xế bất lực chờ ngày được… đổ xăng theo cách bình thường.

“Điều này làm ảnh hưởng rất nhiều đến thu thập của anh em tài xế. Vừa phục hồi sau dịch, chúng tôi cũng chỉ muốn tập trung kiếm tiền mà gặp cảnh này thì … ngán quá”, anh Chánh tâm sự.

Được biết, trung bình một ngày anh Chánh cũng như nhiều tài xế khác, có thể kiếm được 700.000-900.000 đồng, nếu cố gắng thêm vài tiếng cũng có thể kiếm được hơn 1 triệu đồng. Song, trước tình hình như hiện nay, thu giảm của các tài xế đã giảm còn 300.000-400.000 đồng.

“Chúng tôi sống nhờ thời gian, nhờ vào số lượng cuốc xe hàng ngày. Vậy mà giờ phải đỏ mắt đi tìm cây xăng, rồi chờ đợi hàng giờ đồng hồ thì thời gian đâu nữa mà kiếm tiền”, tài xế này tâm sự.

Ngoài ra, có không ít tài xế mới vô nghề, cũng tỏ ra rất sốc trước sự khó khăn, vất vả bị “nhân đôi” của nghề. Chị Thu Hoài (ngụ TP. Thủ Đức) vừa nghỉ việc tại một nhà máy ở tỉnh Bình Dương. Thất nghiệp hơn 3 tháng qua, chị quyết định chạy xe ôm công nghệ vì được giới thiệu là dễ kiếm tiền, không quá mất sức. Vừa được phát đồng phục và hoạt động hơn 2 tuần qua, chị Hoài rất vui vì có thu nhập ổn định, có đủ tiền trang trải, mua tã, sữa cho con. Song, niềm vui chưa kéo dài được bao lâu thì khó khăn đã tới.

“Tôi thất nghiệp mấy tháng qua, giờ có công việc mới, lại linh động thời gian để giữ con nên tôi mừng lắm. Nhưng mấy hôm nay lại khác, chỗ nào bán xăng cũng đông, tôi thì chen không nổi nên cứ bồn chồn đi tìm lòng vòng các cây xăng khác xem thử. Lúc trước ở Bình Dương, mới lên đây nên đâu rành đường. Vừa coi bản đồ điện tử, vừa dò đường tìm cây xăng trong vô vọng mà tôi muốn khóc, phải nhờ anh em trong nhóm hỗ trợ thì mới đổ được 50.000 đồng xăng”, chị Hoài mếu máo.

Cùng trong hoàn cảnh của chị Hoài, tình trạng này đã làm ảnh hưởng đến công việc của rất nhiều người, đặc biệt là các tài xế, ngành dịch vụ vận tải. Trước đó, theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường TP. HCM, tính đến tối 9/10, đã có 54 cửa hàng tạm hết xăng. Các cửa hàng này đều cho biết đang trong thời gian chờ nhập hàng, tạm ngưng bán. Nhiều cửa hàng còn treo bảng “hết tiền, không có tiền nhập hàng, mong bà con thông cảm”.

Mặc dù Sở Công thương đã ra văn bản yêu cầu các đơn vị xăng dầu tăng cường nhập hàng, tình trạng thiếu hụt vẫn diễn ra.

Sở Công Thương TP. HCM cũng đã đề nghị các đơn vị có chuỗi cung ứng lớn tăng cường nhập hàng để cung ứng xăng dầu cho doanh nghiệp bán lẻ. Riêng đêm 9/10, Petrolimex TP.HCM đã huy động 80 xe bồn vận chuyển xăng dầu từ kho về nhập cho các hệ thống cửa hàng bán lẻ để tăng cường nguồn cung bù đắp cho các cửa hàng lân cận đóng cửa hoặc bị gián đoạn nguồn cung cục bộ.

Nhà báo & Công luận

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục