Công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ tiếp tục là lực đẩy của nền kinh tế

Các ngành chế biến chế tạo tiếp tục là ngành công nghiệp trọng điểm, tạo ra lực đẩy cho nền kinh tế Việt Nam với mức tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO), trong tháng 10/2022, chỉ số sản xuất công nghiệp trong nước (IIP) tiếp tục tăng trưởng mạnh. Theo đó, IIP tháng 10/2022 ước tăng 3% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nếu tính chung 10 tháng năm 2022, IIP ước tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, các ngành chế biến chế tạo tiếp tục là ngành công nghiệp trọng điểm, tạo ra lực đẩy cho nền kinh tế Việt Nam với mức tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành này cũng đóng góp 7,4% vào bức tranh chung.

Các ngành chế biến chế tạo tiếp tục là ngành công nghiệp trọng điểm, tạo ra lực đẩy cho nền kinh tế Việt Nam.

Trong đó, một số ngành công nghiệp hỗ trợ có mức tăng mạnh, như sản xuất trang phục tăng 19,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 17,7%, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 17,3%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 16,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 12,8%, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 10,8%;…

Ngoài ra, một số ngành công nghiệp khác cũng có mức tăng mạnh như: Sản xuất đồ uống tăng 31,5%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 11%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu tăng 10,2%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 9,7%;…

Một số ngành công nghiệp hỗ trợ có mức tăng mạnh, như ngành sản xuất trang phục tăng 19,2%.

Cũng theo báo cáo của GSO, chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương và giảm ở 2 địa phương trên cả nước là Trà Vinh giảm 25% và Hà Tĩnh giảm 15,6%.

Trong đó, một số địa phương có mức tăng ấn tượng như: Bắc Giang tăng 41,8%; Cần Thơ tăng 38,4%; Vĩnh Long tăng 30,8%; Kiên Giang tăng 27%; Quảng Nam tăng 25,2%; Khánh Hòa tăng 24,9%; Bình Phước tăng 22,9%; Sơn La tăng 11,5%. Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao: Đắk Lắk tăng 38,8%; Lai Châu tăng 29,8%; Sơn La tăng 27,8% do thủy điện tăng cao.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/10/2022 tăng 0,8% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 10,2% so với cùng thời điểm năm trước.

Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,1% và giảm 6,9%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,5% và tăng 4,8%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,1% và tăng 13,2%.

Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng tăng 0,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,5% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 0,9% và tăng 10,9%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí không đổi và tăng 1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,1% và tăng 3,6%.

Định Trần | Nhà báo & Công luận

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục