Hàn Quốc lo ngại kinh tế hạ nhiệt hơn nữa khi loạt lễ hội bị hủy sau Halloween
Thảm kịch Halloween tại quận Itaewon, thủ đô Seoul (Hàn Quốc) đã khiến hàng loạt các sự kiện âm nhạc, lễ hội lớn nhỏ bị hủy bỏ, ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển kinh tế của đất nước.
Sau quãng thời gian dài đại dịch Covid-19 “đóng băng” tăng trưởng, sức khoẻ kinh tế Hàn Quốc đã yếu đi đáng kể. Chưa kể, từ những tháng đầu năm 2022, xung đột địa chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát, … càng đẩy kinh tế của Seoul và toàn cầu ảm đạm hơn bao giờ hết.
Nhiều cơ sở kinh doanh, chuỗi cung ứng háo hức mong chờ mùa lễ Halloween nhộn nhịp, tấp nập du khách nội địa và thập phương sẽ kích cầu thị trường nội địa, nâng cao sức khoẻ của nền kinh tế lớn trên thế giới. Thảm kịch Itaewon xảy ra trước bao sự tiếc nuối, bàng hoàng của nhiều người.
Nhiều công ty giải trí lớn của xứ sở kim chi đã thông báo huỷ bỏ lịch diễn, cụ thể công ty quản lý K-pop SM Entertainment vừa thông báo bữa tiệc Halloween hàng năm “SMTown Wonderland 2022” được tổ chức trực tiếp vào chủ nhật (31/10), vốn là sự kiện thu hút số lượng người tham gia kỷ lục, buộc phải bỏ lịch.
Bên cạnh đó, hàng loạt các chương trình, lễ hội trực tiếp và diễn trên sóng truyền hình cũng đều phải hoãn lại. Các trường đại học đã hủy bỏ các khóa học cuối tuần được gọi là MT, và sự kiện khai mạc Korea Sale Festa kéo dài hai tuần, phiên bản Black Friday của Hàn Quốc cũng đã bị hoãn lại.
Để tưởng nhớ những người thương vong, nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á đã phải tổ chức quốc tang kéo dài một tuần trên toàn quốc từ 30-10. Tuy nhiên, các nhà phân tích lo ngại sự đau buồn về thảm kịch trong lễ hội Halloween có thể không nhanh chóng phai nhạt và mang lại một tác động lâu dài đến nền kinh tế tương tự như năm 2014, khi vụ chìm phà Sewol khiến hơn 295 người thiệt mạng.
Park Sang-hyun, chuyên gia kinh tế tại HI Investment & Securities cho rằng vụ thảm kịch Halloween tại Itaewon khắc sâu nỗi buồn, sự tiêu cực trong tâm lý người tiêu dùng vốn đã trở nên tồi tệ.
Tại Busan – thành phố lớn thứ hai của Hàn Quốc, một màn bắn pháo hoa lớn dự kiến vào ngày 5/11 đã bị hoãn vô thời hạn, trong khi ba nhà bán lẻ lớn Shinsegae, Lotte Shopping và Hyundai Department Store đã hủy bỏ các sự kiện khuyến mãi trong dịp lễ Halloween. Hòn đảo nghỉ mát phía nam Jeju của Hàn Quốc dự kiến tổ chức Lễ hội Đi bộ Jeju Olle hành tráng, dự kiến từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 11 cũng phải “đóng băng” hoạt động.
Tổ chức Bóng chày Hàn Quốc và Liên đoàn Bóng chuyền Hàn Quốc đều cho biết sẽ không có hoạt náo viên trong chuỗi giải vô địch của tổ chức này.
Tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc đã giảm tốc trong quý trước do xuất khẩu chậm lại và đồng tiền suy yếu. Ngay cả khi tỷ giá cao hơn đã gây căng thẳng cho thị trường tiền tệ ngắn hạn của nước này, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã phát tín hiệu rằng họ vẫn cam kết tăng chi phí đi vay, đặt người tiêu dùng vào một môi trường đầy thách thức.
Hôm 31/10, dữ liệu thống kê Hàn Quốc công bố, nền kinh tế thứ 4 thế giới đang trên đà lao dốc “dữ dội”, với chỉ số hàng đầu đều ghi nhận theo chu kỳ giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 9 xuống 99,2%, mức thấp nhất kể từ tháng 8 năm 2020.
Quay trở lại năm 2014, sau vụ chìm phà Sewol, tâm lý người tiêu dùng đã giảm mạnh, trong khi doanh số bán hàng tại các cửa hàng bách hóa, số lượng khán giả đến rạp chiếu phim và số người đến công viên giải trí đều giảm. Nhiều nhà phân tích lo ngại thảm kịch giẫm đạp Itaewon sẽ tái hiện lại lịch sự kinh hoàng tương tự.
Kim Sun-young, 37 tuổi, một bà nội trợ ở Seoul, chia sẻ: Tôi định đưa bố mẹ và lũ trẻ đến Công viên Quốc gia Naejangsan để ngắm những tán lá mùa thu, tuy nhiên sau biến cố “rúng động” toàn Seoul, mọi dự định trước đó đều đã tan thành mây khói.
Lê Na (Theo CNA)| Nhà báo & Công luận