Đất nền, nhà riêng lẻ đang giảm giá, nhà đầu tư cẩn trọng kẻo “đứt tay”
Sau 2 năm dịch bệnh, giá đất nền tại Hà Nội, TP HCM và nhiều tỉnh thành không chỉ không giảm mà còn liên tục bị đẩy lên quá cao, khiến mặt bằng giá không tương xứng với tiềm năng. Dù vậy, thời điểm hiện tại, giá đất nền đang hạ nhiệt.
Trước đây, ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, đất nền và nhà ở riêng lẻ là một trong những phân khúc bất động sản có tốc độ tăng giá mạnh nhất. Trong đó, đất nền ven các thành phố lớn có mức tăng rất mạnh, có thời điểm tăng bình quân 15% – 20%/năm. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, giá đất nền đang hạ nhiệt.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quý III/2022, giá giao dịch thứ cấp nhà ở riêng lẻ và đất nền có xu hướng giảm nhẹ, khoảng 2 – 3% so với quý trước.
Một số khu vực có mức giá giao dịch giảm nhiều trong quý như: quận Hà Đông, huyện Thanh Trì, Hoài Đức (Hà Nội); quận 12, huyện Củ Chi (TP HCM); huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu); quận Sơn Trà, Liên Chiểu (Đà Nẵng); TP Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, tại một số điểm nóng đất nền ven Hà Nội như Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì, Nam Từ Liêm,… giá đất được chào bán đã rẻ hơn từ 10 – 20% so với thị trường. Còn theo báo cáo mới nhất của DKRA, nhìn chung sức cầu trên thị trường ở mức thấp.
Thực tế cho thấy, các cơn sốt đất liên tục trong 3 năm gần đây đã khiến giá đất ở nhiều tỉnh thành bị đẩy lên quá cao, khiến mặt bằng giá không tương xứng với tiềm năng. Nhiều nhà đầu tư và môi giới chia sẻ, sau 2 năm dịch bệnh, giá đất nền tại Hà Nội, TP HCM và nhiều tỉnh thành không chỉ không giảm mà còn liên tục bị đẩy lên quá cao, khiến mặt bằng giá không tương xứng với tiềm năng. Thậm chí có khu vực đất nông nghiệp bị đẩy tăng 200 – 300% trong khi giá trị khai thác nông nghiệp không tương xứng.
Bên cạnh đó, việc ngân hàng siết tín dụng cũng khiến không ít nhà đầu tư đất nền rơi vào thế khó, khi lựa chọn các đòn bẩy tài chính mua đất lúc này.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng, từ đầu năm tới nay, từ các động thái từ vĩ mô, dòng tiền có tâm lý dè chừng. Do đó, dòng tiền vào bất động sản đang cẩn trọng hơn giai đoạn trước. Theo đó, tình trạng lệch pha cung – cầu càng lớn, người bán nhiều nhưng người mua ít, đất nền cũng không nằm ngoài diễn biến này.
“Về diễn biến chung, thị trường bất động sản nói chung và đất nền nói riêng giai đoạn này có thể đi ngang hoặc điều chỉnh phải tùy vào diễn biến tiếp theo của dòng vốn. Nhưng sẽ lập tức sôi động mạnh khi dòng tiền được nới và quay trở lại, tức tình hình lạm phát được kiểm soát, lãi suất ngân hàng giữ mức ổn định và việc giải ngân dễ dàng hơn”, ông Điệp nhận định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết: Hiện giá bất động sản đã chững lại. Các hiện tượng đầu cơ, sốt đất không còn xuất hiện. Thậm chí, để có thanh khoản, nhiều dự án phải áp dụng các chính sách bán hàng linh hoạt, tăng chiết khấu, cam kết lợi nhuận, cam kết mua lại, đẩy mạnh hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc. Tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường là nghe ngóng và do dự khi tín dụng bị siết và lãi suất tăng.
Do đó, ông Đính cảnh báo nhà đầu tư, hay người mua nhà nếu sử dụng đòn bẩy tài chính mua nhà hoặc đầu tư phải được tính toán một cách thận trọng, hướng vào những sản phẩm phục vụ nhu cầu thực trên nền tảng phải cân nhắc kỹ càng những biến số vĩ mô, địa chính trị xung quanh, đề phòng thị trường sẽ có những diễn biến tiêu cực.
Định Trần | Nhà báo & Công luận