Nhà du khảo U70, đạp xe xuyên Việt hơn 1.800 km

Mê cảnh đẹp Việt Nam, thích trải nghiệm cuộc sống và yêu môi trường, nhà du khảo 60 tuổi Đào Kim Trang vừa hoàn thành hành trình đạp xe 1800 km từ Hà Nội về TP. HCM.

Tìm lại ký ức xưa

Ngược về 29 năm trước, ông Đào Kim Trang (60 tuổi, ngụ TP. HCM) từng là người sáng lập Hội du khảo trẻ, tổ chức các chuyến đi bằng xe đạp để trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống.

Nhà du khảo Đào Kim Trang với chiếc xe đạp và hành lí gọn nhẹ, chinh phục hành trình xuyên Việt. Ảnh: NVCC

Khi còn trẻ, ông Trang đã thử sức với nhiều chuyến đi ở khắp các tỉnh, thành như vượt đèo Lò Xo (Kon Tum), chinh phục đỉnh Phanxipăng, băng rừng Trường Sơn… để góp nhặt những trải nghiệm, được hòa mình với thiên nhiên. Trong một lần đạp xe đi khám phá miền Tây Nam Bộ, đến thăm Nghệ An, ông liền nảy ra ý tưởng có thể một mình chinh phục đoạn đường từ Bắc vào Nam.

Mãi sau này, ông tiếp tục thành lập một công ty du lịch, thường xuyên dẫn các đoàn phượt đi xuyên Việt bằng xe máy. Đi nhiều đến mức, ông hay nói đùa là có thể thuộc hết “ổ gà” trên quốc lộ QL 1A.

Ông Trang quyết định mua con xe đạp với giá 3 triệu, dùng làm “chiến mã” cho hành trình hàng nghìn km. Ảnh: NVCC

Nhân dịp bước sang tuổi 60, ông quyết định thử sức, chinh phục ước mơ ngày xưa. Sau gần 30 năm, ông liền mua vé từ TP. HCM ra Hà Nội, đến chơi ở Lạng Sơn, Hà Giang trong 15 ngày rồi về lại Hà Nội, mua chiếc xe đạp Thống Nhất với giá 3 triệu đồng để nung nấu ý định bắt đầu hành trình.

Sáng 10/7, ông chính thức bắt đầu hành trình đạp xe xuyên Việt. Từ Hà Nội, ông bắt đầu đạp xe hướng ra Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An… rồi tiến về phía miền Trung.

Với hành trang là 4 bộ quần áo mỏng, vật dụng cá nhân nặng chưa đến 3 kg, ông mua thêm 2 chiếc ruột xe dự phòng lúc hư hỏng có thể tự thay. Ông chỉ trang bị thêm đôi giày sandal, nón kết và khăn rằn để chống nắng. Ngoài ra, ông không chuẩn bị bản đồ hay bất kỳ dụng cụ sửa xe nào.

“Nếu có lỡ hư thì tôi dẫn bộ, nhờ người đi đường chở đến tìm chỗ sửa”, ông Trang nói. Ảnh: NVCC

Vậy mà, ông khẳng định 4 bộ đồ ấy “mặc hoài không hết”. Cứ tới tỉnh thành nào, ông đều dừng lại ngắm cảnh, tìm hiểu đời sống của người địa phương rồi ghé nhà nghỉ giặt đồ.

Mỗi ngày, ông sẽ xuất phát lúc 5h, ghé mua 2 ổ bánh mì treo trước xe rồi bắt đầu lăn bánh. Ngày đầu tiên, ông đã di chuyển được 80 km đến Ninh Bình. Hễ thấy mệt, ông liền dừng lại ghé vào quán nước nghỉ ngơi.

“Để không bị mất sức, tôi thường giữ vận tốc trung bình khoảng 12 km/h thôi. Lúc nào gặp dốc cao thì dẫn bộ, rồi thả dốc để giữ năng lượng. Tôi cũng luôn uống chanh muối để đảm bảo vừa no, vừa bổ sung vitamin, chất khoáng”, ông Trang cho biết.

Không để tuổi tác ngăn cản

Dù di chuyển đoạn đường dài, ông Trang chưa từng cảm thấy cô đơn. Nhiều người dân địa phương khi biết câu chuyện của ông, liền chủ động đến hỏi han, rồi mời vào nhà ăn cơm, uống nước. Không ít người còn gửi tặng ông đèn pin, máy nghe nhạc để dọc đường sử dụng. Thế nhưng ông Trang đều từ chối nhận vì muốn chuyến đi diễn ra tự nhiên nhất.

Theo ông, nhớ nhất có lẽ là lúc qua khu vực miền Trung, ông Trang dễ dàng lướt qua ba con đèo lớn nhất cả nước là Đèo Ngang, Đèo Hải Vân, đèo Cả. Ảnh: NVCC

Cứ đến địa điểm nào, ông lại dừng xe chụp ảnh làm kỷ niệm, rồi gửi về gia đình hoặc đăng tải lên mạng xã hội.

Trên đường đi, ký ức và những lần ra Bắc bằng con đường Quốc lộ 1, lần viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, dừng chân bên chùa Cầu (Hội An) khi xưa tái hiện trước mắt ông.

“Nhiều lúc tôi còn đạp xe tới 22h để có thời gian ngắm trăng, thưởng thức cảnh đẹp của đất nước. Trái tim tôi không ít lần thổn thức trước những bãi biển xanh rì, làn nước cứ thế ôm lấy bãi cát trắng, tựa như bức tranh vậy”, ông Trang bôc bạch.

Ông Trang chia sẻ, xem chuyến đi là một bài kiểm tra thể lực ở tuổi 60. Khó khăn nhất, có lẽ là cung đường ven biển miền Trung đầy nắng và gió. Có lúc nhiệt độ lên đến 38 độ C, gió và nắng chiếu thẳng vào mặt khiến ông phải đạp chậm rãi, liên tục dừng lại nghỉ ngơi. Nhiều đêm, hai chân bị chuột rút khiến ông phải bò từ trên giường nhà nghỉ xuống, tìm chai dầu nhanh chóng xa bóp.

Chặng đường cuối để về đến TP. HCM được xem là đoạn vất vả không kém. Ảnh: NVCC

Ngoài ra, chặng đường cuối dài 142 km từ Đồng Nai vào TP. HCM cũng vất vả không kém. Người đàn ông U70 này phải đạp xe liên tục, dường như không dừng sửa xe lần nào.

Sau 23 ngày đạp xe, đúng 19h ngày 11/8, ông chính thức đặt chân tới TP. HCM. Người đàn ông U70 mừng rỡ hét lớn: “Tôi làm được rồi”.

Hoàn thành chuyến đi dài 1.800 km, ông Trang vẫn tiếp tục rảo quanh trường đoàn Lý Tự Trọng ngày xưa từng làm việc, uống ly cà phê hồi tưởng chuyện xưa rồi mới đạp về nhà.

Hoàn thành chặng đường dài, ông Trang đã góp nhặt được vô vàn kiến thức mới, những cảnh đẹp của đất nước in hằn trong tâm trí ông. Ảnh: NVCC

Qua những trải nghiệm đáng nhớ ấy, ông Trang xem đó như một bài học cuộc sống, dùng nó để truyền tải những thông điệp về sức khoẻ, về việc bảo vệ môi trường cho mọi người. Ông quan niệm, thời gian có thể làm sức khỏe yếu đi, nhưng không thể là mất đi ý chí chinh phục. Hơn hết, sau chuyến đi ấy, sức khỏe của ông dường như tốt hơn, những ký ức về quê hương, đất nước ngày càng “dày” hơn.

Thúy Vy | Nhà báo & Công luận

Nguồn Nhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục