Du khách phấn khích với môn thể thao mạo hiểm bay dù lượn trên núi lửa Chư Đăng Ya, Gia Lai

Nằm trong khuôn khổ của Tuần lễ hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đăng Ya năm 2022 còn có hoạt động bay dù lượn. Môn thể thao mạo hiểm này đã thu hút hàng nghìn du khách khi đến núi lửa Chư Đăng Ya.

Trong suốt Tuần lễ hoa dã quỳ – núi lửa Chư Đăng Ya, người dân và du khách không chỉ ngắm hoa dã quỳ, mà còn được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm như leo núi, trò chơi dân gian… xem nghệ nhân trình diễn tạc tượng gỗ, múa xoang, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc và thưởng thức ẩm thực Tây Nguyên như cơm lam gà nướng, rượu cần. Đặc biệt, hàng nghìn du khách đã được tận mắt chiêm ngưỡng từng chiếc dù lượn vi vu trên núi lửa Chư Đăng Ya.

Núi Chư Đăng Ya là một địa điểm khá tiềm năng đối với môn thể thao bay dù lượn khi có thể cất cánh được 3 hướng Đông, Đông Bắc, Nam, thậm chí cả hướng Bắc đối với những phi công điêu luyện và có kỹ thuật tốt

Là ngọn núi dốc đến 70 độ và cao 100 m, Chư Đăng Ya được đánh giá là một địa điểm bay dù lượn lý tưởng bởi sức gió và độ cao dốc giúp cho các phi công không mất nhiều thời gian trong việc cất cánh. Đây là lần thứ 2 môn thể thao mạo hiểm này có mặt tại Gia Lai, song vẫn thu hút đông đảo du khách khi đến với cao nguyên Gia Lai.

Khâu chuẩn bị của các phi công trên đỉnh núi lửa Chư Đăng Ya

Trước đó, câu lạc bộ dù lượn Sơn Trà (thuộc Công ty cổ phần Dù lượn Đà Nẵng) đã khảo sát vị trí bay dù lượn tại khu vực núi lửa Chư Đang Ya. Theo câu lạc bộ dù lượn Sơn Trà, để phục vụ cho lễ hội năm nay có 15-20 phi công bay biểu diễn. Trong đó, phi công bay phục vụ du khách khoảng 7-8 người. Đây là đội ngũ được đào tạo đạt chuẩn và được cấp bằng, đủ điều kiện phục vụ du khách bay trải nghiệm.

Theo đó, hoạt động bay dù lượn từ đỉnh núi lửa với chủ đề “Bay trên sắc màu đại ngàn” đã giúp du khách có thể tận hưởng cảm giác mạnh và ngắm toàn cảnh vẻ đẹp núi lửa Chư Đăng Ya từ trên cao. Hoạt động này được Ban tổ chức phối hợp với câu lạc bộ Dù lượn Sơn Trà (Đà Nẵng) tổ chức.

Để có thể bay lượn thuần thục trên không các phi công phải tập luyện hàng năm với những huấn luyện viên chuyên nghiệp. Một bộ dù và một số đồ bảo hộ có chi phí lên đến 50-60 triệu đồng

Khá hào hứng về hoạt động này, chị Trần Thị Lan Phương – du khách đến từ TP Đà Nẵng cho hay: “Đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt chiêm ngưỡng những phi công bay lượn trên bầu trời. Nhiều phi công đã thực hiện những pha cất cánh, bay lượn và hạ cánh rất đẹp mắt. Tôi rất hài lòng khi đến với lễ hội hoa dã quỳ năm nay, nếu được trải nghiệm vào năm tới tôi sẽ trải nghiệm bay dù lượn để thử cảm giác mạnh và ngắm toàn cảnh núi lửa trên cao”.

Những pha dù lượn trên không khá đẹp mắt của các phi công

Ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Chư Păh, cho biết: “Lễ hội năm nay rất phong phú, đa dạng hơn so với các năm trước. Ban tổ chức đã bố trí nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn diễn ra trong suốt tuần lễ với các điểm nhấn, như: Chinh phục núi Chư Đăng Ya, trình diễn cồng chiêng, tạc tượng. Trong đó, có hoạt động mới lạ, hấp dẫn là bay dù lượn từ đỉnh núi, người tham gia được trải nghiệm an toàn, đóng bảo hiểm đầy đủ”.

Hưởng lợi theo mùa lễ hội, nhiều hộ dân làng Ia Gri, xã Chư Đăng Ya cũng tổ chức nhiều điểm ăn uống theo cách truyền thống, dân dã thu hút nhiều du khách. Thậm chí, những bông hoa dã quỳ cũng được bà con kết thành vòng bán cho du khách chụp hình lưu niệm.

Đây là lần thứ 2 môn thể thao mạo hiểm này có mặt tại Gia Lai, song vẫn thu hút đông đảo du khách

Trong khuôn khổ lễ hội, Ban tổ chức còn đặt không gian trưng bày sách về văn hoá, lịch sử Gia Lai; hình ảnh về các lễ hội, cuộc sống thường ngày… giúp du khách hiểu sâu hơn con người, văn hóa Tây Nguyên. Bên cạnh đó, UBND huyện Chư Păh còn tổ chức trưng bày 30 gian gian hàng đặc sản địa phương, giới thiệu nhiều sản phẩm chủ đạo như: Cà phê, hồ tiêu, chuối rừng, rượu ghè, măng khô, mật ong… cùng nhiều bản thu nhỏ về tượng gỗ dân gian, nhạc cụ dân tộc cho khách mua làm quà tặng.

Trần Hiền | Nhà báo & Công luận

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục