Nhà đầu tư đua nhau ‘cắt lỗ’, bất động sản còn động lực trong dài hạn?
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản Việt Nam có nhiều động lực lớn về dài hạn. Đáng kể nhất là nhu cầu ở thực rất cao do dân số trẻ và tốc độ đô thị hoá nhanh chóng, trong khi nguồn cung hạn chế.
Hiện, các hội nhóm về bất động sản trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt thông tin rao vặt cắt lỗ nhà đất. “Shophouse 2 mặt tiền, 3 tầng, trục chính xuyên tâm, đường 20 m, vỉa hè 8 m… giá chỉ hơn 7 tỷ đồng, ưu đãi đến 50% so với giá niêm yết 15,3 tỷ đồng khi thanh toán 95%… Ưu đãi cho 5 khách hàng đầu tiên nhanh chân”, mức chiết khấu “khủng” khiến người xem ngỡ ngàng.
Thực tế, từ quý 3/2022, xu hướng giảm giá, cắt lỗ bất động sản đã xuất hiện và ngày càng gia tăng. Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, tỷ lệ hấp thụ bất động sản trong quý III chỉ đạt 33,5%, giảm mạnh so với đầu năm 2022 và giảm tới 50% so cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân được chỉ ra chủ yếu đến từ dòng vốn trên thị trường đang gặp khó, lãi suất tăng khiến nhà đầu tư không xuống tiền. Một số dự án phải sử dụng chính sách bán hàng linh hoạt, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết cho vay để kích thích nhu cầu của thị trường nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả.
Cho rằng nắm giữ tiền mặt trong giai đoạn khó khăn hiện nay là “vua”, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Bất độn sản Việt An Hòa đánh giá, việc nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp hay chủ đầu tư lớn cần tiền đáo hạn trái phiếu đã chủ động bán rẻ, giảm giá, chiết khấu cao các sản phẩm của mình để bán được hàng, thu tiền về càng nhiều càng tốt là điều dễ hiểu. Thế nhưng, việc giảm giá chưa hẳn là bán lỗ mà chỉ là hạ bớt kỳ vọng so với giai đoạn trước.
Song, bà Lê Thị Thanh Hằng, CEO VietnamGroove tin rằng, thị trường bất động sản Việt Nam có nhiều động lực lớn về dài hạn. Trong đó, đáng kể nhất là nhu cầu ở thực rất cao do dân số trẻ và tốc độ đô thị hoá nhanh chóng trong khi nguồn cung hạn chế. Kế đến, do thành quả của đà tăng trưởng kinh tế, tầng lớp trung lưu tiếp tục gia tăng nhanh chóng, tạo nên sức cầu lớn cho phân khúc bất động sản nhà ở trung và cao cấp.
“Vậy nên, trong giai đoạn này, nhà đầu tư cũng nên hướng đến các mục tiêu dài hạn. Ngoài những động lực cho đà tăng giá về lâu dài, bất động sản vẫn là kênh bảo toàn vốn hiệu quả hàng đầu khi mà nhiều kênh khác như chứng khoán, vàng… có nhiều diễn biến không dễ đoán. Việc phân tích khách quan nhất có thể về tiềm năng của khu vực mà mình muốn đầu tư sẽ là vô cùng cần thiết. Đánh giá đúng về các vùng kinh tế trọng điểm, các khu vực phát triển công nghiệp, dịch vụ sôi động, các địa phương hưởng lợi lớn từ các dự án cơ sở hạ tầng trong tương lai…sẽ giúp nhà đầu tư ‘xuống tiền’ một cách phù hợp”, bà Hằng nêu.
Thị trường bất động sản đang phải đương đầu với một số khó khăn, thanh khoản không cao trong khi tình hình địa chính trị phức tạp ở một số khu vực trên thế giới có ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu. Vì thế, nhà đầu tư nên thận trọng, tốt nhất là hạn chế tối đa việc sử dụng đòn bẩy tài chính. Các nguyên tắc “kinh điển” được chỉ ra là “không bỏ hết trứng vào một giỏ” và tìm hiểu pháp lý kỹ càng sẽ giúp phân tán, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.
“Điều đặc biệt quan trọng là nhà đầu tư cần giữ được ‘cái đầu lạnh’ trong mọi tình huống, tránh đầu tư dưới sự ảnh hưởng của ‘tâm lý đám đông’ đẫn đến nguy cơ bị thao túng tâm lý, ra quyết định đầu tư một cách cảm tính.
Với những nhà đầu tư F0 (mới gia nhập thị trường), nếu chưa có đủ dữ liệu cần thiết, hãy kiên nhẫn bỏ thời gian tìm hiểu thị trường và học hỏi từ những người thành công hơn. ‘Thao trường càng đổ nhiều mồ hôi thì chiến trường càng ít đổ máu'”, CEO VietnamGroove nhấn mạnh.
Kỳ Hoa | Nhà báo & Công luận