Từ 7% đến 8% tổng tín dụng bị ‘mắc kẹt’ do ảnh hưởng của thị trường địa ốc
Hiện nay, thanh khoản đang bị mắc kẹt ở các khoản vay của công ty bất động sản, các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và các khoản phải thu. Để thu hút thêm nguồn vốn từ tiền gửi của khách hàng, việc tiếp tục tăng thêm lãi suất dường như là khó tránh khỏi.
Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, tình trạng trì trệ của thị trường bất động sản đã khiến khoảng 7% – 8% tổng tín dụng bị mắc kẹt. Đặc biệt, bối cảnh hạn mức tăng trưởng tín dụng tương đối hạn chế đã dẫn đến dư địa để các ngân hàng giải ngân cho các lĩnh vực phi bất động sản không còn dư dả.
Theo đó, một phần lượng tiền mặt bị đóng băng hoặc quay vòng chậm đã ảnh hưởng đến tình trạng thanh khoản chung của các ngân hàng.
Trên thị trường 1, chênh lệch giữa số dư huy động vốn và dư nợ đã chuyển sang trạng thái âm kể từ tháng 7 khi tăng trưởng tín dụng (11,4% so với đầu năm) vượt xa đáng kể so với tăng trưởng tiền gửi (4,8% so với đầu năm).
Điều này diễn ra ngay cả trong bối cảnh các ngân hàng tăng mạnh lãi suất tiền gửi ở mức 3-4 điểm % so với đầu năm. Hiện tại, mức lãi suất huy động phổ biến của kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng lần lượt dao động trong khoảng 8-9% và 10-10,5% tại các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần.
Theo SSI, tình trạng này có thể được giải thích một phần do vòng quay tiền mặt tại khách hàng doanh nghiệp giảm đi đáng kể cùng với những thách thức trong việc huy động vốn/vay vốn. Đồng thời VND mất giá (giảm 8,6% so với đầu năm so với USD) cũng khiến việc nắm giữ USD và các tài sản khác trở nên hấp dẫn hơn.
Nhóm phân tích đánh giá, thị trường liên ngân hàng là kênh hỗ trợ thanh khoản ngắn hạn cho các ngân hàng. Agribank và Vietcombank là những ngân hàng cho vay ròng lớn nhất trên thị trường này.
Bên cạnh đó đã có sự gia tăng đầu tư vào trái phiếu ngân hàng tại một số ngân hàng (BIDV, VietinBank, MB, Sacombank, OCB và Techcombank) trong quý III/2022. Điều này cũng là một nguồn hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng khác.
Các ngân hàng lớn hiện đã giảm khẩu vị rủi ro. Theo đó, thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng cũng bị suy giảm và gây ảnh hưởng đến thanh khoản tại các ngân hàng nhỏ, vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường này.
SSI cho rằng, các tỷ lệ thanh khoản sẽ được củng cố trong ngắn hạn, với việc tăng cường huy động vốn và tăng cường phân bổ cho các tài sản có tính thanh khoản cao… Trở ngại lớn nhất đối với quá trình này đến từ thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.
Hiện nay, thanh khoản đang bị mắc kẹt ở cả các khoản cho vay nhóm ngành này, các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và các khoản phải thu. Để thu hút thêm nguồn vốn từ tiền gửi của khách hàng, việc tiếp tục tăng thêm lãi suất dường như là khó tránh khỏi.
“Mặc dù ghi nhận kết quả tích cực trong quý III/2022, nhưng NIM (biên lãi ròng) đã đạt đỉnh và dự kiến sẽ sớm chịu áp lực. Chúng tôi lo ngại nhiều hơn về những ngân hàng vay nhiều trên thị trường liên ngân hàng như Techcombank, VIB, OCB và TPBank”, SSI nêu.
Ngoài ra, bộ phận nghiên cứu cho rằng, tác động từ việc tăng lãi suất cho vay và sự suy yếu gần đây của thị trường bất động sản chưa được phản ánh trong kết quả kinh doanh quý III/2022. Do việc ghi nhận nợ xấu ở Việt Nam chưa phản ánh đầy đủ các tác động có thể xảy ra trong tương lai, các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tín dụng có thể chưa bị ảnh hưởng mạnh cho đến năm 2023.
Ngoài chủ đầu tư bất động sản và các hãng hàng không, SSI cũng xem xét tình hình tài chính của các công ty niêm yết và nhận thấy tình hình của các công ty này đang xấu đi sau quý I/2022. Thực trạng này sẽ dần được phản ánh vào chất lượng tín dụng, đặc biệt với diễn biến của lãi suất cho vay.
Kỳ Hoa | Nhà báo & Công luận