HoREA kiến nghị bổ sung 100.000 tỷ đồng vốn tín dụng trước Tết Quý Mão

Hiệp hội Bất động sản TP HCM đề nghị Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ xem xét nới trần tín dụng thêm 1% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng hơn 100 ngàn tỷ đồng hỗ trợ cho nền kinh tế và sản xuất kinh doanh trước Tết Quý Mão 2023.

Giải pháp không phải để “giải cứu” thị trường bất động sản

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho biết, đơn vị đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nới trần tín dụng thêm 1% tại thời điểm then chốt hiện nay để bổ sung thêm nguồn vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm tháng 12/2022 và trước Tết Quý Mão 2023.

HoREA nhận định nếu không có giải pháp xử lý hiệu quả thì thị trường BĐS có thể trượt vào suy thoái, kéo theo nền kinh tế khó khăn. Ảnh: Lê Giang.

Theo HoREA, hiện nay thị trường bất động sản (BĐS), doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư đang rất khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Trong đó có nhiều doanh nghiệp thiếu thanh khoản hoặc mất thanh khoản do thiếu dòng tiền hoặc âm dòng tiền. Nếu không khẩn trương có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả thì thị trường BĐS có thể trượt vào suy thoái, có thể kéo theo khủng hoảng kinh tế, tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.

“Các giải pháp xử lý không phải là để “giải cứu” thị trường, doanh nghiệp BĐS mà Nhà nước chỉ hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách, pháp luật tạo điều kiện để thị trường BĐS tự điều chỉnh, tự điều tiết, đi đôi với một số giải pháp kích cầu trực tiếp hỗ trợ cho người mua nhà để ở, người mua nhà lần đầu với lãi suất hợp lý”, ông Châu cho biết.

Do đó, doanh nghiệp BĐS phải thấy rõ trách nhiệm của mình để nỗ lực, chủ động tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm hướng về nhu cầu thực và thực hiện giảm giá nhà tương đối, thực chất để thị trường và doanh nghiệp BĐS, người mua nhà, nhà đầu tư vượt qua khó khăn, phục hồi, tăng trưởng, phát triển minh bạch, bền vững.

Nới trần tín dụng để thêm 100.000 tỷ hỗ trợ nền kinh tế

Theo Chủ tịch HoREA, 11 tháng đầu năm 2022, chỉ số CPI chỉ tăng 3,02%, khả năng cả năm tăng dưới 4% như mục tiêu đề ra, thu ngân sách nhà nước đạt 116% kế hoạch cả năm cho thấy nền kinh tế nước ta có sức chống chịu khá vững chắc và đang trong quá trình phục hồi, tăng trưởng trở lại.

Một trong các giải pháp có tác động lan tỏa nhanh nhất, hiệu quả nhất chính là giải pháp tăng nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế, cho sản xuất kinh doanh, trong đó có doanh nghiệp BĐS, người mua nhà từ nay đến Tết Quý Mão 2023.

HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ xem xét nới trần tín dụng thêm 1% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng hơn 100.000 tỷ đồng hỗ trợ cho nền kinh tế. Ảnh: Lê Giang

Tuy nhiên, mà năm nay thì Tết dương lịch và Tết Nguyên đán liền kề nhau, hầu như mọi hoạt động đầu tư kinh doanh trên thị trường BĐS chỉ còn tập trung trong tháng 12/2022 đến ngày 6/1/2023, tổng cộng 36 ngày tới đây.

“Do vậy, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ xem xét nới trần tín dụng thêm 1% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng hơn 100.000 tỷ đồng hỗ trợ cho nền kinh tế và sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm tháng 12/2022 đến trước Tết Quý Mão 2023”, HoREA kiến nghị trong văn bản.

Hiệp hội cũng đề nghị các tiêu chí để các doanh nghiệpBĐS, người mua nhà và nhà đầu tư có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng là các dự án có đầy đủ pháp lý, có tính khả thi hoặc đang xây dựng dở dang, nhất là các dự án sắp hoàn thành xây dựng, các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở giá vừa túi tiền của các doanh nghiệp có uy tín thương hiệu, thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho người lao động, có nhiều hoạt động xã hội thiện nguyện.

Chủ tịch HoREA nhận định nguồn vốn tín dụng bổ sung này sẽ còn tác động tích cực, lan tỏa đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp để vượt qua khó khăn hiện nay, dần trở thành kênh huy động vốn xã hội hóa quan trọng nhằm chia sẻ, làm giảm bớt áp lực cho các tổ chức tín dụng.

Điều này cũng giúp các tổ chức tín dụng thực hiện chức năng chủ yếu là cung ứng vốn lưu động cho nền kinh tế và chỉ nên sử dụng tối đa không quá 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn cho vay trung hạn, dài hạn theo lộ trình hạn chế dần tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, BĐS của Ngân hàng Nhà nước.

Lê Giang | Nhà báo & Công luận

Nguồn Nhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục