Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo giảm lãi suất, có nơi giảm tới 3%

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước hôm nay đã có chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng đều phải giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay.

NHNN chỉ đạo giảm lãi suất

Ngày 15/12, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức Hội nghị bàn thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Tại Hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước hôm nay đã có chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng đều phải giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay”.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: “Đây là chỉ đạo chứ không phải kêu gọi”.

Theo Phó Thống đốc, ngân hàng nào khó khăn không làm được thì báo cáo Ngân hàng Nhà nước. Đơn vị nào khó khăn về thanh khoản thì Ngân hàng Nhà nước sẽ có giải pháp hỗ trợ thông qua các công cụ như OMO, cho vay tái cấp vốn, Swap ngoại tệ.

Ngân hàng Nhà nước hôm nay đã có chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng đều phải giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay. Ảnh minh họa.

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế. Thủ tướng giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy nhanh giải ngân chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã
và hộ kinh doanh.

Các ngân hàng được yêu cầu phải tiết giảm chi phí, thủ tục hành chính để có dư địa giảm thêm lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, và góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tín dụng phải rót vào các lĩnh vưc ưu tiên, động lực tăng trưởng kinh tế như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; xây dựng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Công điện của lãnh đạo Chính phủ đưa ra một tuần sau khi Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng 1,5-2%. Như vậy, sẽ có khoảng 240.000 tỷ đồng được cung ứng cho nền kinh tế. Ngày 7/12, Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) đã họp các tổ chức tín dụng bàn về lãi suất và giải pháp hỗ trợ thanh khoản.

Có nơi giảm tới 3% lãi suất cho vay

Tại Hội nghị bàn thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh diễn ra trong sáng 15/12, Hiệp hội Ngân hàng cho biết đến nay, có 16 ngân hàng đã cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, với mức lãi suất giảm từ 0,5% – 3%/năm.

Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) dẫn đầu đà giảm khi cam kết giảm 120 tỷ đồng với mức lãi suất giảm lên đến 3,5%/năm đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ở các nhóm ngành nghề khác nhau. Chương trình này được áp dụng từ 01/11 đến 31/12/2022.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng mạnh tay cắt giảm lãi suất. Lãi suất tại ngân hàng này giảm 0,5%- 2,5%/năm cho Khách hàng vay vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên; khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; khách hàng có hoạt động xuất nhập khẩu; khách hàng doanh nghiệp nước ngoài, khách hàng cá nhân…

Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã triển khai chương trình hỗ trợ giảm lãi suất từ 1,5-2%/năm cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

Theo đó, SHB ưu tiên hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự án xanh; doanh nghiệp, người dân sản xuất các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu cuối năm,…

Nhiều ngân hàng áp dụng mức cắt giảm lãi suất 1% như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB),…

Có thể thấy, rất nhiều ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay. Dù vậy, Hiệp hội Ngân hàng cho biết theo báo chí và doanh nghiệp phản ảnh, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng hiện nay vẫn còn ở mức tương đối cao.

Lãi suất cho vay trung bình tại các ngân hàng thường dao động từ 10 – 16%/năm (cho vay tín chấp), còn đối với vay thế chấp thì lãi suất dao động từ 10 – 14%/năm. Thậm chí, tại một số ngân hàng, lãi suất cho vay mua nhà có thể lên đến 15%-16%/năm.

Nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh gặp khó khi tiếp cận với dòng vốn tín dụng từ ngân hàng.

Nhà báo & Công luận

Nguồn Nhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục