Năm 2023, bất động sản sẽ “xé nháp” và sang “trang mới”

Thị trường bất động sản năm 2022 diễn ra trầm lắng, nguồn cung sụt giảm mạnh, lực cầu và sức thanh khoản của thị trường cũng bị “đuối” so với các năm trước. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn lac quan, sang năm 2023, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ bước sang “trang mới”.

Năm 2023, bất động sản sẽ sang “trang mới”

Trong diễn đàn “Dự báo thị trường bất động sản 2023”, diễn ra vào sáng nay (23/12), ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Sau thời điểm tăng nóng ở một số khu vực vào thời điểm nửa đầu năm 2022, thị trường bất động sản bắt đầu chững lại và sụt giảm mạnh giao dịch.

Các chuyên gia vẫn lac quan, sang năm 2023, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ bước sang “trang mới”

“Thị trường bất động sản đang khó khăn nên một số doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện các giải pháp cấp thời “tự cứu mình” để “tồn tại” trước và chờ cơ hội đầu tư kinh doanh mới”, ông Hoàng Quang Phòng nhận định.

PGS.TS Trần Kim Chung – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết: Thị trường bất động sản là một trong 4 thị trường trọng tâm được Thủ tướng chỉ đạo trong thời gian gần đây.

“Năm 2023, thị trường bất động sản sang trang mới khi nhiều Luật liên quan dự kiến được sửa đổi và thông qua như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai; trong đó, rất quan trọng là Luật Đất đai sửa đổi”, ông Chung nói.

Theo PGS.TS Trần Kim Chung, một số “điểm nghẽn” của thị trường trong năm 2022 đã được Chính phủ bàn và đưa ra hướng giải quyết. Đơn cử như việc thị trường nhà ở từ tình trạng mất cân đối cung cầu trong năm 2022 sẽ có thay đổi khi Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chú trọng phát triển nhà ở xã hội góp phần đưa ra thị trường sản phẩm hàng hoá phù hợp kèm theo những cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính.

PGS.TS Trần Kim Chung – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản công nghiệp chưa khi nào có cơ hội tốt như hiện nay. Nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh dịch chuyển luồng vốn trên thế giới. Kết thúc năm 2022, dù chịu nhiều tác động của tình hình thế giới nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 8%, lạm phát kiểm soát ở mức 3%.

Đặc biệt, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã bắt đầu tăng trở lại sau khi du lịch Việt Nam mở cửa và khởi sắc.

Nhân diện tiềm năng

Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam dự báo: Phân khúc bất động sản cao cấp dự kiến sẽ là một trong những kênh đầu tư trung và dài hạn đầy tiềm năng. Bởi tốc độ tăng trưởng tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang thuộc hàng cao nhất Đông Nam Á với 1,4 triệu người tăng thêm mỗi năm.

Ông Thanh cũng dự báo, thị trường bất động sản tháng cuối năm và nửa đầu năm 2023 sẽ vẫn ghi nhận xu hướng tăng giá bán với loại hình bất động sản nhà ở. Tại Hà Nội, điểm sáng là khu vực phía Đông khi quy hoạch hạ tầng ngày càng phát triển, các dự án nhà ở được đầu tư đồng bộ, nhiều tiện ích, all in one… đáp ứng nhu cầu của người dân. Ở góc độ ngắn hạn, phân khúc bình dân và trung cấp sẽ được quan tâm và phát triển mạnh mẽ bởi đây là phân khúc vẫn luôn có nhu cầu cao trên thị trường.

Ở khía cạnh thị trường Hà Nội, bà Trang Bùi – Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam đánh giá: Thị trường bất động sản đang tăng trưởng về chất, đặc biệt người mua cao cấp quan tâm đến môi trường sống cân bằng, bền vững hơn là một không gian sống đơn thuần.

Bà Trang Bùi – Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam

Vì thế, những đại đô thị hay bất động sản “all in one” có quy mô lớn, được quy hoạch tốt với nhiều tiện ích, trải nghiệm sống độc đáo hấp dẫn khách mua, đặc biệt đối với những khách mua để ở. Trong đó, khu vực phía Đông và khu vực ngoại đô đóng góp chính vào lượng cung mới qua các năm chủ yếu nhờ vào hạ tầng kết nối với các quận nội đô dần được cải thiện.

Theo bà Trang, người mua để ở và người mua đầu tư dài hạn chiếm phần lớn trong bối cảnh hạn chế tín dụng.

“Theo chúng tôi nghiên cứu, các chủ đầu tư ở thị trường bất động sản rất đặc thù, đòi hỏi tầm nhìn dài hạn và nguồn vốn lớn, vậy cấu trúc phải nằm ở vốn chủ sở hữu ít nhất phải từ 30 – 40 %, nợ ngân hàng, các loại nợ dưới 50% và phải có nhà đầu tư chiến lược. Đạt được các điều kiện đó thì thị trường mới đảm bảo cân bằng”, bà Trang Bùi phân tích.

Việt Vũ | NB&CL

Nguồn Nhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục