Tết của những người làm nghề quan trắc khí tượng

Tết là dịp để mỗi gia đình sum vầy, mọi người dành thời gian thăm, chúc tết nhau sau một năm làm việc vất vả, tuy nhiên với những người làm trong ngành khí tượng thủy văn thì họ vẫn miệt mài với công việc thầm lặng để để đảm bảo việc ứng trực thời tiết.

Làm việc 365 ngày

Như đã thành thói quen, dù ngày Tết hay ngày thường, mùa đông dù lạnh giá đến mức nào, kể cả có băng tuyết thì cứ đến mốc giờ là các cán bộ đều thức dậy, ra ngoài quan trắc, ghi số liệu và kiểm tra xem máy móc để báo cáo lên trung tâm.

Những người làm nghề quan trắc khí tượng thuỷ văn vẫn phải làm việc cả những ngày lễ

Với những người làm ngành khí tượng, Tết cũng không khác ngày thường. Ngay cả đêm giao thừa, thời khắc chuyển giao năm mới, họ vẫn thay nhau làm việc, vẫn trực ca, lặng lẽ với công việc để người dân có thông tin thời tiết chính xác nhất.

Khí tượng thủy văn là ngành tương đối đặc thù, không có biên giới, vùng địa lý nên việc quan trắc khí tượng cũng không có giới hạn về thời gian. Theo quy định của ngành khí tượng, một ngày các trạm phải thực hiện đủ 4 kỳ quan trắc vào các khung giờ: 1h, 7h, 13h và 19h. Mỗi kỳ được gọi là 1 “ốp”. Ca trực của quan trắc viên kéo dài trọn 24 giờ: Từ 7h sáng hôm nay đến 7h sáng hôm sau, với 4 lần đi “ốp”, kể cả lễ Tết hay thứ Bảy, Chủ nhật.

Chia sẻ thêm về công việc đặc thù của ngành khí tượng thủy văn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Văn Dũng cho rằng, với người làm công tác khí tượng thủy văn, công việc là “một vòng quay không thể dừng”.

Ngay như ngày này, không khí đón Tết rộn ràng nơi nơi nhưng những “người lính” quan trắc khí thượng thủy văn vẫn thay nhau làm việc, vẫn trực ca, lặng lẽ với công việc để người dân có thông tin thời tiết chính xác nhất.

Theo quy định của ngành khí tượng, một ngày các trạm phải thực hiện đủ 4 kỳ quan trắc vào các khung giờ quy định

Tết của những người quan trắc viên cũng có bánh chưng, có thịt, có giò như mọi nơi nhưng khác là không có sự náo nhiệt, đầm ấm. Xung quanh chỉ có máy móc, thiết bị, có mây, gió và mưa, nắng… khi buồn quá thì lại cắm cúi vào công việc để quên đi nỗi nhớ gia đình.

Hàng năm, tại Thanh Hoá chịu ảnh hưởng của nhiều dạng thiên tai khắc nghiệt, khó lường, khó dự báo. Số lượng trạm khí tượng thuỷ văn tại Thanh Hoá tương đối nhiều, địa bàn phân tán, nhiều trạm ở vùng núi nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, nhiều trạm thiên văn ảnh hưởng mạnh của các hồ chứa thuỷ lợi thuỷ điện dẫn đến khó khăn trong quan trắc đo đạc.

Nghề “đo nắng, đếm mưa”

Gian khổ của những người hành nghề khí tượng thủy văn không thể đo đếm được, song những dự báo về thời tiết thiếu “chuẩn” xác thì ai cũng biết. Nhưng nó lại phụ thuộc vào toàn bộ hệ thống đặt từ biển đến đồng bằng và rừng núi, trong khi còn quá mỏng so với yêu cầu.

Phụ thuộc vào kinh nghiệm, trình độ của từng quan trắc viên, dự báo viên nhưng đang rất thiếu về số lượng cũng như về chất và phụ thuộc cả vào máy móc, công nghệ vẫn chưa ngang tầm với khu vực.

Vườn khí tượng thuỷ văn tỉnh Thanh Hoá

Trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào, kể cả mưa bão, nắng nóng gay gắt đến thời tiết dị thường, các quan trắc viên vẫn miệt mài thực hiện công việc của mình để mang đến những số liệu chính xác nhất cho công tác dự báo. Những thông tin, số liệu mà các quan trắc viên gửi về góp làm nên bản tin dự báo thời tiết cho người dân, phục vụ xã hội, giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Công tác trong ngành gần 30 năm, chị Nguyễn Thị Hoài, Trưởng trạm khí tượng thuỷ văn tỉnh Thanh Hoá không dấu được nét buồn mỗi khi nhắc đến Tết. Với người phụ nữ Tết phải chăm lo cho gia đình nhưng khi đã lựa chọn công việc làm 365 ngày thì phải cố gắng cân đối thời gian để hoàn thành mọi công việc.

Công việc dự báo đơn điệu, nặng nhọc lại đòi hỏi chất lượng, hiệu quả cao, chị Hoài cho biết, ngày này qua ngày khác, chỉ đối diện với những con số nên dễ buồn chán, nản lòng. Do vậy, để gắn bó được với nghề này lâu dài, những cán bộ khí tượng đặc biệt là chị em phải rất yêu nghề.

Với nghề quan trắc khí tượng, quy định về giờ đi “ốp” là bắt buộc, tất cả các quan trắc viên phải tuân thủ một cách chính xác. Máy móc đã mặc định các khung giờ, mọi người đi “ốp” và báo cáo số liệu không được nhanh hay chậm một phút. Bởi chỉ cần một sai lầm nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.

Công việc dự báo đơn điệu, nặng nhọc lại đòi hỏi chất lượng, hiệu quả cao

Những bản tin dự báo khí tượng thủy văn mà ngành đưa ra hàng ngày, thậm chí hàng giờ là minh chứng sống động nhất, chứng tỏ đội ngũ quan trắc viên luôn biết cách vượt lên mọi trở ngại gian khó trong cuộc sống và công tác, thực hiện các hoạt động dự báo, thông tin khí tượng thủy văn, quan trắc, giám sát biến đổi khí hậu phục vụ phòng, chống thiên tai ngày một cách chính xác và hiệu quả.

Dù có vai trò đặc biệt quan trọng nhưng không phải ai cũng biết đến sự cống hiến thầm lặng của những người làm nghề “trông nắng, trông mưa”.

Anh Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hoá chia sẻ, hiểu được những khó khăn, vất vả của cán bộ, nhân viên trong ngành, vào những ngày lễ, ngày Tết, lãnh đạo các cấp cũng tham gia vào ca trực; trực tiếp gọi điện thăm hỏi, động viên các cán bộ, nhân viên đang công tác xa nhà tại các vùng núi, biển để họ vững tâm vượt qua khó khăn, tận tụy, tâm huyết với nghề.

Hà Anh | NB&CL

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục