Chứng khoán 13/2: Cổ phiếu bất động sản “nhấn chìm” thị trường
Chứng khoán 13/2 chìm trong sắc đỏ khi cổ phiếu bất động sản bị bán tháo và đồng loạt giảm sàn.
Cổ phiếu bất động sản “nhấn chìm” chứng khoán 13/2
Chứng khoán 13/2 chào tuần mới theo đúng dự báo của giới đầu tư. Ngay từ đầu phiên, sự bi quan đã bao trùm toàn sàn. Tuy nhiên, phải đến gần trưa, hoạt động bán tháo mới diễn ra khiến các chỉ số chìm trong sắc đỏ.
Trước phiên ATC, VN-Index có nhiều thời điểm giảm hơn 20 điểm. Tuy nhiên, tới giờ đóng cửa, đà giảm được hạn chế một nửa nhưng thiệt hại vẫn là rất lớn.
Đóng cửa phiên chứng khoán 13/2, VN-Index giảm 11,6 điểm, tương đương 1,1% xuống 1.043,7 điểm. Trước đó, có thời điểm VN-Index giảm hơn 2%. Mặc dù “khơi mào” cho sắc đỏ hôm nay nhưng kết phiên, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn lại “lao dốc” chậm hơn. VN30- Index giảm 8,34 điểm, tương đương 0,8% xuống 1.040,4 điểm.
Số lượng mã giảm giá chiếm ưu thế so với mã tăng giá. Toàn sàn ghi nhận chỉ có 71 cổ phiếu đóng cửa phiên chứng khoán 13/2 trong sắc xanh, 39 mã đứng giá và có tới 367 mã giảm điểm (47 mã giảm sàn).
Thanh khoản tăng mạnh so với cuối tuần trước. Đã có 681 triệu cổ phiếu, tương đương 10.459 tỷ đồng được giao dịch thành công. Nhóm VN30 ghi nhận có 171 triệu cổ phiếu, tương đương 3.769 tỷ đồng được chuyển nhượng. Các con số này cho thấy chứng khoán 13/2 ghi nhận giao dịch tập trung nhiều vào nhóm cổ phiếu vốn hóa thấp.
Cổ phiếu bất động sản tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt thị trường chứng khoán 13/2… đi lùi. Cặp đôi NVL và PDR cùng nhau giảm sàn. NVL giảm 950 đồng/CP xuống 12.800 đồng/CP. PDR giảm 800 đồng/CP xuống 11.250 đồng/CP.
Trong nhóm VN30, NVL và PDR là hai mã giảm sàn. Cùng với NVL, nhiều cổ phiếu bất động
sản quy mô nhỏ hơn cũng chốt phiên chứng khoán 13/2 trong sắc xanh hòa bình. DIG giảm
950 đồng/CP xuống 13.250 đồng/CP. DRG giảm 340 đồng/CP xuống 4.520 đồng/CP. DXG
giảm 800 đồng/CP xuống 10.800 đồng/CP,…
Cổ phiếu ngành xây dựng cũng “tăm tối” như cổ phiếu bất động sản khi đua nhau giảm sàn. Cuối tuần trước, Tập đoàn Hòa Bình gây chú ý khi thua lỗ trong quý 4/2022. Vì vậy, việc HBC giảm 630 đồng/CP xuống 8.380 đồng/CP là điều được dự báo trước. Cùng với HBC, CTD giảm 2.450 đồng/CP xuống 33.000 đồng/CP. MCG giảm 180 đồng/CP xuống 2.460 đồng/CP,…
Cuối tuần trước, cổ phiếu thủy sản gây tượng khi đồng loạt tăng trần. Và trong phiên chứng khoán 13/2, cổ phiếu thủy sản tiếp tục gây chú ý khi đồng loạt… giảm sàn. ACL giảm 900 đồng/CP xuống 12.100 đồng/CP. ANV giảm 2.350 đồng/CP xuống 31.600 đồng/CP.
Trên sàn Hà Nội, chứng khoán 13/2 ghi nhận đà giảm mạnh mẽ hơn rất nhiều. HNX-Index giảm 4,01 điểm, tương đương 1,92% xuống 204,49 điểm. HNX30-Index giảm 8,99 điểm, tương đương 2,54% xuống 344,67 điểm. Thanh khoản đứng ở mức rất thấp. Toàn sàn chỉ có 82,7 triệu cổ phiếu, tương đương 1.109 tỷ đồng được chuyển nhượng thành công.
HNX30-Index giảm vượt trội so với các thị trường chính ở châu Á
Chứng khoán 13/2 trên thị trường châu Á-Thái Bình Dương đồng giảm suy giảm mạnh nhưng vẫn khiêm tốn hơn rất nhiều so với HNX30-Index.
Các cổ phiếu ở Châu Á-Thái Bình Dương đã giảm vào thứ Hai khi nhà đầu tư chờ đợi một tuần công bố dữ liệu kinh tế quan trọng, bao gồm cả chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ. Dữ liệu này sẽ xác định con đường phía trước của Cục Dự trữ Liên bang (FED).
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đóng cửa giảm 0,88% xuống 27.427,92 và Topix giảm 0,47% xuống 1.977,67 do đồng Yên Nhật tiếp tục biến động sau báo cáo rằng Nhật Bản sẽ đề cử Kazuo Ueda làm Thống đốc ngân hàng trung ương tiếp theo.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm ở mức 0,5%, dao động quanh mức trần trên của BOJ trong phạm vi chịu đựng của nó. Tại Hàn Quốc, Kospi giảm 0,69% xuống mức 2452,7, trong khi Kosdaq tăng nhẹ, kết thúc ngày ở mức 772,55.
Tại Úc, S&P/ASX 200 giảm 0,21% và đóng phiên ở mức 7.417,8; S&P/NZX 50 kết thúc phiên thấp hơn 0,85% ở mức 12.075,18 khi New Zealand chuẩn bị cho tác động tiếp theo từ cơn bão nhiệt đới Gabrielle.
Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng tăng nhẹ và chỉ số Hang Seng Tech có mức tăng lớn hơn 0,58%. Tại Trung Quốc đại lục, Shanghai Composite tăng 0,72% và Shenzhen Component tăng 1,14%.
Chứng khoán Phố Wall kết thúc tuần vào thứ Sáu với S&P 500 tăng 0,2% và Nasdaq Composite giảm 0,61%. Cả hai chỉ số đều có tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 12 sau khi một loạt báo cáo thu nhập của công ty và các diễn giả của FED nhắc lại thông điệp diều hâu của họ rằng còn nhiều việc phải làm để chế ngự lạm phát. Chỉ số Dow đóng cửa cao hơn gần 170 điểm.
Hoàng Tú | NB&CL