TP.HCM cam kết tháo gỡ khó khăn cho bất động sản: Đừng chỉ là lời hứa của “người cầm trịch”

TP.HCM đang có những cam kết mạnh mẽ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng các giải pháp này sẽ nhanh chóng được thực hiện.

Tại sao phải chờ Thủ tướng chỉ đạo, TP.HCM mới đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn?

Hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản đang gặp vướng mắc về vốn, vướng mắc liên quan tới pháp luật về đất đai, khó khăn vướng mắc trong xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất…

Trong đó, vướng mắc pháp lý của thị trường bất động sản hiện nay là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản. Dù vậy, dù gặp phải vướng mắc nào, cộng đồng doanh nghiệp vẫn là đối tượng phải gánh chịu thiệt hại. Nhiều doanh nghiệp, ngay cả những “ông lớn” trong ngành cũng đang đứng trên bờ vực phá sản.

Nếu điều này xảy ra, thì đây là một tổn thất rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam và sẽ để lại một hậu quả rất nghiêm trọng nếu không được “giải cứu”. Bởi lẽ, bất động sản đóng góp trực tiếp vào GDP Việt Nam khoảng 4,5%/năm vào tổng thu ngân sách. Đây cũng là ngành nghề có tác động cộng hưởng với nhiều ngành nghề khác, như xây dựng, dịch vụ du lịch, lưu trú, vật liệu xây dựng,…

Bất động sản TP.HCM vẫn đang trong tình trạng đóng băng. Ảnh: S.T

Đến tháng 9/2022, giá trị vốn hóa ngành bất động sản ước tính khoảng 1,7 – 1,8 triệu tỷ đồng và cũng là “cần câu” cơm của hàng triệu lao động trên cả nước. Chưa kể, dư nợ tín dụng của ngành bất động sản rất lớn, tính đến cuối năm 2022 đã lên tới 2,58 triệu tỷ đồng.

Như vậy, trong kịch bản xấu nhất, khi các doanh nghiệp bất động sản phá sản hàng loạt sẽ tạo tác động xấu tới các ngân hàng và cả hệ thống tiền tệ trong nước.

Trước tình thế này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và các địa phương phải có giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho bất động sản, tạo ra xung lực để thị trường phát triển bền vững, lành mạnh.

Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra loạt đề xuất mạnh mẽ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường.

Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng đang xây dựng gói tín dụng 120.000 đồng cho nhà ở xã hội. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng lên tiếng cam kết triển khai các giải pháp để ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp công khai, minh bạch, an toàn, bền vững nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư và phát triển, tập trung vào một số nhóm giải pháp.

Về phía các địa phương, TP.HCM đang có nhiều động thái rõ nét nhất để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản. Có thể, TP.HCM là một trong những địa phương có nhiều dự án đang gặp vướng mắc nhất.

Báo cáo của Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho thấy, toàn thành phố có khoảng 116 dự án đang gặp khó khăn, nên lãnh đạo thành phố đã rất sốt sắng, liên tục tổ chức các cuộc với doanh nghiệp, hiệp hội bất động sản để bàn về giải pháp tháo gỡ.

Mới đây nhất, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đã có kết luận về các khó khăn vướng mắc tại các dự án bất động sản trên địa bàn thành phố. Trong đó, với những dự án thuộc thẩm quyền, UBND TP.HCM đã thống nhất chủ trương xử lý, có quá trình họp nhiều lần để xem xét và đã giải quyết cho một số dự án có vướng mắc tương tự.

Với những dự án vượt thẩm quyền, UBND TP.HCM cũng đã gửi công văn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét và đưa ra phương án giải quyết.

Trên thực tế, các vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản TP.HCM đã tồn tại từ rất lâu. Nhiều dự án vì có vướng mắc về pháp lý, nên đã nằm chờ cả thập kỷ vẫn chưa triển khai được. Và chỉ khi có sự chỉ đạo quyết liệt từ Thủ tướng Chính phủ, các dự án này mới có lối thoát cho riêng mình.

Đừng chỉ là lời hứa của “người cầm trịch”

Trong một cuộc họp mới đây, ông Mai Thanh Tùng – Phó trưởng phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng TP.HCM khẳng định: Đơn vị này đang là “người cầm trịch” cam kết sẽ nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo ông Tùng, trong thời gian qua, thành phố cũng đã nỗ lực để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư trên địa bàn TP.HCM, thúc đẩy nhanh các thủ tục đầu tư, xây dựng để các doanh nghiệp sớm triển khai dự án.

“Tuy nhiên, cũng phải chia sẻ rằng, Sở Xây dựng dù là cơ quan cầm trịch trong chương trình phát triển nhà ở nhưng chỉ tham gia một khâu, một phần phía sau trong quá trình đầu tư xây dựng, từ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt đầu tư xây dựng, nghiệm thu công trình, cấp giấy chứng nhận…”, ông Tùng nói.

Song với vai trò là “người cầm trịch”, Sở Xây dựng cũng xin tiếp nhận hết tất cả những thông tin phản ánh về khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp.

“Nếu là khó khăn liên quan đến Sở Xây dựng, chúng tôi sẽ tập trung giải quyết. Còn nếu khó khăn liên quan đến các khâu thuộc quản lý của sở ngành khác, chúng tôi thống kê lại, từ đó, báo cáo UBND thành phố tháo gỡ cho doanh nghiệp”, ông Tùng nhấn mạnh.

Sở Xây dựng cũng đã phối hợp với các sở ngành và UBND quận, huyện để xây dựng một trình tự thủ tục đầu tư, xây dựng, cải tạo đối với chung cư hư hỏng nặng và nhà ở xã hội, được UBND TP.HCM chấp thuận tại Công văn số 3013.

Theo đó, đây là một quy trình lý tưởng, giúp các doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện về quy hoạch, đất đai giảm thiểu thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp rất nhiều.

Cụ thể, đối với doanh nghiệp có quyền sử dụng đất theo đúng quy định thì tổng thời gian thực hiện các thủ tục còn 153 ngày, giảm 213 ngày so với các quy định pháp luật hiện hành.

“Tuy nhiên, cũng phải nhắc lại, đây là trình tự lý tưởng khi và chỉ khi các doanh nghiệp đã đáp ứng các điều kiện, còn nếu thiếu đi yếu tố nào, ví dụ như quy hoạch thì ngay từ bước đầu tiên đã gặp vấn đề”, ông Tùng nói thêm.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) hoan nghênh các động thái mạnh mẽ từ UBND TP.HCM khi chỉ đạo và trực tiếp xem xét giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản trên địa bàn thành phố cùng với sự vào cuộc rất trách nhiệm của các Sở,
ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức.

Ông Châu nhận thấy, từ các cấp có thẩm quyền của Trung ương, đặc biệt là Chính phủ, các Bộ, ngành cho đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã vào cuộc mạnh mẽ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, trong đó có thị trường bất động sản.

“Nhờ đó, cộng đồng doanh nghiệp bất động sản thấy rõ trách nhiệm và đang nỗ lực tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, tái cấu trúc sản phẩm và thực hiện nhiều giải pháp để giảm giá bán nhà một cách thực chất và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng, nhà đầu tư và nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp”, ông Châu nhấn mạnh.

Trước đó, trong một cuộc trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Châu từng cho rằng để thúc đẩy việc triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp, bên cạnh việc tháo gỡ vướng mắc về pháp lý thì rất cần sớm khắc phục tâm lý “sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý” trong một số cán bộ công chức dẫn đến đùn đẩy hồ sơ lòng vòng, không dám quyết định.

“Đi đôi với tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính thì rất cần sớm khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý trong một số cán bộ công chức dẫn đến đùn đẩy hồ sơ lòng vòng, không dám đề xuất, không dám quyết định” – ông Châu nhấn mạnh.

Đồng tình với nhận định này, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM xin giấu tên cho rằng: Lời hứa của lãnh đạo TP.HCM phải đi đôi với làm, đừng để chỉ là lời hứa suông. Bởi lẽ, các vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp đã tồn tại rất lâu, các doanh nghiệp cũng đã quen trong sự chờ đợi cách thành phố giải quyết vụ việc.

“Chúng tôi mong rằng thành phố sẽ dứt điểm giải quyết các vấn đề tồn đọng để doanh nghiệp có đường để sống”, vị này nói.

Việt Vũ | NB&CL

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục