Doanh nghiệp nhà nước bị lỗ có nhà nước bù, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu lại “gồng” lỗ

Lãnh đạo một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết, trong khi các doanh nghiệp nhà nước trong ngành năng lượng bị lỗ hàng chục tỷ đồng được Chính phủ tìm chính sách hỗ trợ, thì các doanh nghiệp bán lẻ bị ép bán lỗ trong thời gian dài.

Liên quan tới câu chuyện một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nói đang bị kinh doanh “cưỡng bức”, khi biết lỗ nhưng vẫn phải bán, bà Nguyễn Thị Rim, Giám đốc Công ty TNHH Giang Chấn Hưng cho biết: Trong khi các doanh nghiệp nhà nước trong ngành năng lượng bị lỗ hàng chục tỷ đồng được Chính phủ tìm chính sách hỗ trợ, thì các doanh nghiệp bán lẻ bị ép bán lỗ trong thời gian dài.

Ảnh minh họa. (Nguồn: VV)

“Chính vì bị ép lỗ trong thời gian dài nên nhiều doanh nghiệp bị lỗ cả nghìn tỷ đồng, chúng tôi lại không được bù lỗ. Nếu không bù lỗ, thì dựa vào đâu để buộc doanh nghiệp bán lẻ phải hy sinh, trong khi doanh nghiệp nhà nước lại được cân đối bù lỗ”, bà Rim nói.

Bên cạnh đó, bà Rim yêu cầu Bộ Công Thương giải thích lý do vì sao không cho doanh nghiệp bán lẻ lấy hàng ở nhiều nơi và có thể nhận hàng ở nhiều nơi về đổ vào chung 1 bồn như thương nhân phân phối đang làm.

Bà Rim phân tích: Việc quản lý xăng dầu ở các kho là theo quy chuẩn chất lượng. Từ trước đến nay xảy ra xăng lậu và kém chất lượng là lỗi do khâu bán buôn, chứ không phải khâu bán lẻ vì khâu bán lẻ làm gì có kho để pha chế.

“Nếu xăng dầu không đảm bảo chất lượng là lỗi thuộc về phần quản lý của Bộ Công Thương chứ sao lại quy trách nhiệm cho doanh nghiệp bán lẻ mà Bộ Công Thương lại lo khâu bán lẻ không cho chúng tôi lấy hàng nhiều nơi”, lãnh đạo doanh nghiệp này nhấn mạnh.

Doanh nghiệp đầu mối cùng ngành nghề kinh doanh, cùng cạnh tranh trên thị trường với doanh nghiệp bán lẻ nhưng đang được hưởng đặc quyền về chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, họ dùng đặc quyền đó để tước đi quyền được kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát mong muốn Đảng, Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm, chia sẻ, sớm ban hành các quy định xác định chính xác lợi nhuận trong chuỗi kinh doanh cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.

“Là một tế bào của nền kinh tế thị trường, hoạt động dựa trên các chính sách, chịu sự quản lý của Nhà nước; doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cần được đảm bảo các quyền lợi hợp pháp và chính đáng về cạnh tranh thương mại, về lợi nhuận và được hưởng các ưu đãi từ chính sách Nhà nước mang lại”, ông Thắng nói.

Trong khi đó, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam chưa có thị trường xăng dầu, hiện mới chỉ là kinh doanh xăng dầu dầu, tuy nhiên cơ quan chức năng lại đặt ra các vấn đề dựa trên cơ sở đã có của thị trường.

TS Vũ Đình Ánh giải thích: Sở dĩ Việt Nam chưa có thị trường xăng dầu là do cơ quan chức năng can thiệp rất nhiều.

“Chúng ta xác định giá cơ sở, từ đó xác định giá bán lẻ, đầu mối nắm quyền quyết định, còn lại bao nhiêu phía dưới điều chỉnh. Điều này mang tính độc quyền nhóm – chưa phù hợp với luật cạnh tranh”, ông Ánh nói.

Do đó, cơ quan có thẩm quyền phải xem xét thêm quyền ra khỏi thị trường đối với bên phân phối. Doanh nghiệp lỗ thì có quyền được ra khỏi thị trường.

Định Trần | NB&CL

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục