Lãi suất giảm hỗ trợ cho bất động sản: Đã có nhưng chưa đáng kể

Lãi suất huy động giảm đồng loạt tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, từ đó hỗ trợ nền kinh tế, trong đó có bất động sản. Tuy nhiên, hỗ trợ của lãi suất với ngành này được đánh giá là đã có nhưng chưa đáng kể.

Lãi suất đồng loạt giảm, bất động sản được hưởng lợi

Trong hơn 1 tháng trở lại, lãi suất huy động liên tục được các ngân hàng liên tục điều chỉnh giảm. Theo thông tin được Ngân hàng Nhà nước công bố trong ngày 63, lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm; đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân.

Chưa dừng lại ở đó, tới ngày 15/3, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất điều hành khiến lãi suất huy động trên thị trường được đưa xuống một mặt bằng mới.

Lãi suất huy động giảm đồng loạt tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, từ đó hỗ trợ nền kinh tế, trong đó có bất động sản. Tuy nhiên, hỗ trợ của lãi suất với ngành này được đánh giá là đã có nhưng chưa đámng kể. Ảnh minh họa

Sau quyết định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng quốc doanh (Big 4 gồm Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank) giảm 0,2% khiến mức cao nhất chỉ còn 7,2%/năm; các ngân hàng thương mại cổ phần cắt giảm khoảng 0,5% khiến lãi suất huy động mất “mốc” 9%/năm. Hiện tại, trên thị trường, còn rất ít đơn vị có lãi suất huy động từ 9% trở lên.

Lãi suất cho vay giảm đã hỗ trợ rất nhiều cho các ngành kinh tế, trong đó có bất động sản.

Bình luận về vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho biết lãi suất giảm là chi phí tiền bạc của các doanh nghiệp sử dụng vốn vay giảm, tạo điều kiện cho dòng vốn đến được với các doanh nghiệp nhiều hơn với giá rẻ hơn.

Trong các ngành kinh tế, theo TS Lê Đăng Doanh, bất động sản cũng được hưởng lợi. Các vướng mắc cho cả hai bên (chủ đầu tư và người mua nhà) đều được tháo gỡ. Ngân hàng cho vay cả 2 bên, qua đó từng bước tháo gỡ dần các vướng mắc của ngành bất động sản.

Đã có hỗ trợ nhưng chưa đáng kể

TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cũng cho rằng việc giảm lãi suất huy động tất nhiên sẽ hạ mặt bằng cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay.

Theo ông Đính, việc lãi suất huy động giảm từ 1% đến 1,5% cũng có nhiều tích cực như giúp chi phí của các khoản vay giảm đi, đỡ gánh nặng cho các nhà phát triển, nhà đâu tư cũng như người mua nhà. Các bên có thể mua nhà với các khoản vay rẻ hơn.

Tuy nhiên, hiện nay, việc giảm lãi suất đã có đóng góp cho ngành bất động sản nhưng chưa nhiều và chưa đủ. Ông Đính cho rằng thực tế hiện nay, thị trường chưa cảm nhận được nhiều lắm về việc giảm lãi suất cho các gói vay. Các gói cũ vẫn chưa điều chỉnh.

“Tôi có tham khảo một số đơn vị xem lãi suất cho vay có điều chỉnh chưa thì thấy chưa có hiện tượng gì”, ông Đính khẳng định.

Ông Đính cho biết số lượng các đơn vị được hưởng giảm lãi suất chưa đáng kể, nhất là đối với những dự án có tính thiết yếu cho xã hội như nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội. Ông Đính đánh giá mức giảm lãi suất như hiện nay là không hợp lý.

“Cần có chính sách cho nhà ở xã hội. Nếu không thì căng vì phân khúc nhà ở xã hội bị khá nhiều vấn đề như: Định mức xây dựng trong nhà ở xã hội thấp. Khi chủ đầu tư làm thì phải gánh chi phí cao hơn định mức ấy. Chủ đầu tư lại phải đi lo vốn mà vốn vay theo lãi suất hiện tại thì lại gây ra câu chuyện càng tính thì càng thấy lỗ. Doanh nghiệp thấy lỗ thì không làm. Đấy chính là vấn đề trả lời tại sao cho tới nay các chủ đầu tư đăng ký nhưng chưa làm. Đăng ký là một chuyện, việc thực hiện lại không quá khả quan”, ông Đính nhấn mạnh vào vấn đề nhà ở xã hội.

“Rất hoan nghênh cũng như chia sẻ với hệ thống ngân hàng vì hiện nay họ còn e dè trước áp lực của lạm phát, tỷ giá. Nhưng câu chuyện ở đây là nếu không mạnh dạn hơn thì có thể không kích thích nhiều lắm cho thị trường”, ông Đính chia sẻ quan điểm.

Theo ông Đính, với mức lãi suất như hiện tại, các hoạt động sản xuất, đầu tư sẽ e dè khi tiếp cận vốn tín dụng, lãi suất như vậy là không khuyến khích đầu tư, sản xuất kinh doanh trên thị trường chưa thể sôi động và vẫn mang tính cầm chừng.

Ông Đính phân tích thế giới cạnh tranh đang trở lại đường đua. Trung Quốc đã mở cửa thị trường. Một số quốc gia đã kiểm soát tốt lạm phát. Mặc dù thế giới vẫn có những vùng khó khăn nhưng đa phần đều kiểm soát tốt. Ông Đính đánh giá Việt Nam đang quá e dè.

Theo ông Đính, mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà đang tiếp cận mức khoảng trên dưới 12%/năm. Con số đó vẫn là cao. Phải dưới 10%/năm mới kích thích được thị trường nhiều hơn.

Hoàng Tú | NB&CL

Nguồn Nhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục