Tốc độ tăng trưởng kinh tế TP.HCM nằm trong top 10 từ dưới đi lên: Vì sao?
GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của TP.HCM chỉ tăng 0,7% so với năm ngoái, đứng cuối trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có tăng trưởng GRDP thấp nhất cả nước.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2023, GDP cả nước chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn dự báo trước đây.
Trong đó, GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của TP.HCM chỉ tăng 0,7% so với năm ngoái, đứng cuối trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có tăng trưởng GRDP thấp nhất cả nước.
Trong đó, kinh doanh bất động sản sụt giảm 16,2%, kéo theo ngành xây dựng sụt giảm 17%. Riêng tăng trưởng tín dụng quý I/2023 của toàn nền kinh tế tuy tăng 11.7% so với quý 1/2022, nhưng lại chỉ tăng 2,06% so với cuối năm 2022, đạt khá thấp so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 là 14-15%.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoRREA) cho rằng, kết quả tăng trưởng GRDP thấp của TP.HCM có thể nhận định do kết quả giải ngân đầu tư công trong quý 1/2023 chỉ đạt 2% không đáng kể, mà đầu tư công là một động lực dẫn dắt nền kinh tế.
Kế đến là do sự sụt giảm sâu của thị trường bất động sản kéo theo sự sụt giảm mạnh của ngành xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội ngoại thất.
Ông Châu phân tích: Chỉ tính 156 dự án xét bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội của 121 doanh nghiệp chủ đầu tư tại TP.HCM đang bị ách tắc, nếu bình quân giá trị mỗi dự án là 2.000 tỷ đồng thì tổng mức đầu tư lên đến khoảng 312.000 tỷ đồng.
Nếu tháo gỡ được vướng mắc để triển khai thực hiện trở lại bình thường thì Nhà nước có thể thu thuế GTGT 10% được 31.200 tỷ đồng.
“Nếu đạt lợi nhuận 20% thì Nhà nước còn có thể thu thuế thu nhập doanh nghiệp được 12.480 tỷ đồng và các khoản thu thuế phái sinh khác, tạo công ăn việc làm…”, ông Châu nói.
Ông Châu cho rằng, những động thái mới đây trong việc gấp rút hoàn thành Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan sẽ trở thành động lực cho thị trường bứt phá trong thời gian tới. Bởi lẽ, khó khăn lớn nhất của thị trường chính là các nút thắt về pháp lý, chiếm tới 70% khó khăn của doanh nghiệp.
“Tháo gỡ cơ chế, chính là giải pháp ít tốn tiền ngân sách nhà nước nhất, nhưng lại mang lại hiệu quả, có tính lan tỏa rất lớn và để làm được điều này thì phải xây dựng được Luật chuẩn – chỉnh”, ông Châu nói.
Dù vậy, một trong những nút thắt lớn cần được tháo gỡ gấp ở thời điểm này, đó chính là việc cho phép doanh nghiệp được chuyển nhượng dự án bất động sản theo thỏa thuận thí điểm tại Nghị quyết 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
“Nếu được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua sẽ tháo gỡ khó khăn về dòng tiền và thanh khoản khoản cho thị trường bất động sản, tạo điều kiện cho chính các doanh nghiệp bất động sản tự thỏa thuận mua bán, chuyển nhượng dự án bất động sản”, ông Châu nói.
Định Trần | NB&CL