Cần nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt
Thị trường thời hội nhập, nhất là khi Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại, bên cạnh những thuận lợi còn là khó khăn với những câu hỏi đang đặt ra ở phía trước: Sức cạnh tranh nào sẽ mang đến cho hàng Việt, không chỉ đối với thị trường thế giới mà còn ngay trên sân nhà?
Cạnh tranh gay gắt trên “sân nhà”
Câu chuyện gần đây từ Big C – do ông chủ người Thái Lan mua lại năm 2016 tuyên bố tạm ngừng ký hợp đồng với hàng may mặc Việt đã dấy lên lo ngại việc thâu tóm thị trường bán lẻ trong nước của các doanh nghiệp ngoại. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là hàng Việt phải nâng cao chất lượng, tổ chức hiệu quả các chuỗi khép kín từ sản xuất đến phân phối để tăng sức cạnh tranh, khẳng định vị trí của mình.
Thời gian gần đây thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến làn sóng đổ bộ mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp ngoại qua các thương vụ mua bán, sáp nhập các chuỗi bán lẻ lớn. Với việc ký các hiệp định thương mại tự do như Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam – EU (EVFTA), hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), đi kèm là các cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối… được dự báo thị trường này tới đây càng trở nên sôi động hơn.
Một thực tế đang diễn ra trong những năm gần đây, từ khi các doanh nghiệp (DN) ngoại nhảy vào thị trường bán lẻ, DN sản xuất trong nước đã phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn so với trước. Cụ thể, ngay sau khi Tập đoàn Central Group từ Thái Lan mua lại chuỗi siêu thị Big C, 22 cửa hàng của Công ty cổ phần đầu tư Thế giới Di động đã bị yêu cầu rời khỏi hệ thống này.
Bên cạnh đó, những hàng rào kỹ thuật như tăng chiết khấu, phí hỗ trợ chương trình khuyến mại, bảo hành… cũng được siêu thị của ông chủ nước ngoài liên tục đưa ra. Một DN có hàng bày bán tại Big C từng liệt kê gần 15 loại phí mà Big C quy định để đưa hàng vào, như chi phí cho dùng thử sản phẩm, phí hỗ trợ sinh nhật siêu thị, phí hỗ trợ khai trương siêu thị mới…
Cụ thể, muốn vào hệ thống siêu thị này, xuất phát điểm chiết khấu cho siêu thị 5%, mỗi năm tăng thêm 1% và hiện có DN phải chịu mức chiết khấu đến 30%. Nhiều DN sản xuất nội than phiền, họ không điều chỉnh được bất kỳ điều khoản nào trong hợp đồng cung ứng.
Về mặt hàng thủy sản, theo phản ánh của doanh nghiệp, chính sách chiết khấu mặt hàng này khi vào Big C cũng đã bị thay đổi, từ 15% lên 17-20%, cá biệt có DN phải chịu mức phí lên 30%. Trước tình hình đó, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã phải gửi công văn cho ban lãnh đạo hệ thống Big C đề nghị không tăng chiết khấu, vì ở mức tăng rất cao này, DN thủy sản chắc chắn lỗ, không thể tái đầu tư.
Mới đây nhất, Central Group Việt Nam, đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Big C, gửi thông báo tới các nhà cung cấp Việt Nam cho biết sẽ tạm ngừng đặt hàng may mặc của các nhà cung cấp theo hợp đồng hợp tác thương mại đã được ký kết giữa 2 bên. Quyết định này có hiệu lực đã khiến nhiều doanh nghiệp trong nước hoang mang, lo lắng.
Thay đổi để khẳng định chất lượng
Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội hiện nay cứ 10 nhà sản xuất Việt Nam thì chỉ có một nhà sản xuất có khả năng đưa được hàng vào siêu thị ngoại. Nguyên nhân do chi phí hàng hóa quá cao, bị ép giá, chiếm dụng vốn, ngoài ra chi phí bán hàng lên tới 30%. Điều này khiến hàng Việt lép vế, bị “đẩy” ra khỏi hệ thống để hàng nước ngoài thế chỗ.
Nhiều ý kiến lo ngại cho rằng, với khoảng cách địa lý gần cùng những chính sách cởi mở về thuế quan của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ làm cho hàng Thái nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh trong thời gian tới. Đó là chưa kể trên kệ hàng của siêu thị, hàng Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan đang xuất hiện ngày một nhiều hơn. Điều này đồng nghĩa với việc hàng hóa trong nước vốn đã lép vế lại càng khó có chỗ đứng trong hệ thống phân phối của họ.
Hiện nay cả nước có khoảng 750 siêu thị, 150 trung tâm thương mại nhưng các thương hiệu bán lẻ nội như Hapro, Fivimart… đã co cụm hoặc bán bớt rất nhiều. Hiện nay chỉ có hai doanh nghiệp Việt đang trụ vững là Co.opmart và Vingroup. Trong khi bán lẻ nội dè dặt, yếu thế thì doanh nghiệp ngoại ngày càng lấn lướt. Các điểm bán lẻ của DN nước ngoài tuy mới chiếm một lượng khiêm tốn là 90 điểm trên tổng số siêu thị cả nước, song doanh số bán ra 1 điểm của họ gấp 3 – 4 lần, thậm chí 7-8 lần so với 1 điểm của các siêu thị nội do quy mô lớn hơn.
Ở một góc độ nhìn nhận khác về những diễn biến của thị trường bán lẻ trong nước thời gian qua, nhiều chuyên gia kinh tế lại tỏ ra lạc quan hơn khi cho rằng, hàng Việt có bị lấn lướt, bị loại khỏi hệ thống bán lẻ hay không phụ thuộc phần lớn vào tính cạnh tranh của hàng Việt, yếu tố thay đổi chủ mới của hệ thống bán lẻ không mang tính quyết định. Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN cho rằng: “Giải pháp quan trọng nhất để cạnh tranh với hàng ngoại nói chung, là DN nội phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức hiệu quả các chuỗi khép kín từ sản xuất đến phân phối”.
Điều này cũng dễ hiểu, bởi sự cạnh tranh trên thị trường là điều tất yếu, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập mở cửa ngày càng mạnh mẽ thì chính sự cạnh tranh lại thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Doanh nghiệp Việt chắc chắn cũng phải nằm trong guồng quay đó.
Vì vậy, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu không chỉ với hàng xuất khẩu mà ngay cả trong thị trường nội địa cũng cần được chú trọng. Tất nhiên, ở mặt vĩ mô, chính sách của Nhà nước cũng cần có những thay đổi để đảm bảo sự công bằng nhất có thể giữa doanh nghiệp ngoại và doanh nghiệp nội.
Theo Đức Minh/ CLO