Bị ‘khủng bố’ điện thoại nhận là nhân viên tư vấn chứng khoán: Cẩn trọng lừa đảo
Trong một năm trở lại đây, anh Đức Tuấn (Hà Nội) liên tục nhận được cuộc gọi từ các số máy lạ, giới thiệu là nhân viên của các sàn chứng khoán trong nước để tư vấn cách đầu tư vào các mã cổ phiếu tiềm năng.
Anh Tuấn cho biết, bản thân chưa từng đầu tư chứng khoán, nên thấy rất lạ khi có nhân viên của các sàn chứng khoán đến tư vấn.
“Có lần tôi đồng ý kết bạn qua zalo với một đối tượng tự nhận là nhân viên của một sàn chứng khoán. Sau đó, họ đưa tôi vào một nhóm đầu tư trên zalo, một nhóm khác trên telegram và họ giới thiệu tôi một app đầu tư chứng khoán”, ông Tuấn nói.
Có cảm giác không lành, anh Tuấn đã liên hệ trực tiếp qua tổng đài của sàn giao dịch chứng khoán đó và nhận được câu trả lời đó là trò mạo danh, lừa đảo.
Trước thực trạng này, các sàn giao dịch chứng khoán đã lên tiếng cảnh báo đây là hành vi mạo danh, lừa đảo các nhà đầu tư.
Vào năm ngoái, Công ty CP Chứng khoán SSI cho biết liên tục ghi nhận trường hợp bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn giả mạo nhân viên SSI. Đối tượng lừa đảo tiếp cận người bị hại qua Zalo và lôi kéo giao dịch tại website TeraFXpro.com, tự cho là thuộc SSI.
Vì vậy, SSI khuyến cáo nhà đầu tư đề cao cảnh giác trước một số hành vi giả mạo nhân viên SSI và SSIAM để lừa đảo tương tự.
Thứ nhất, đối tượng lừa đảo sử dụng hình ảnh và tên tuổi của chuyên gia SSI để tạo các nhóm khuyến nghị và khóa học đầu tư chứng khoán đóng tiền.
Thứ hai, đối tượng lừa đảo sử dụng các văn bản hợp đồng giả mạo, thông tin lãnh đạo SSI và SSIAM để tạo lòng tin, lừa khách hàng ký và chuyển tiền.
Ngoài ra, đối tượng lừa đảo tạo lập các website, fanpage với hình thức đầu tư forex, tiền ảo, hỗ trợ vay vốn tài chính,.. sử dụng trái phép tên gọi, logo, hình ảnh, thông tin copy từ các nguồn thông tin chính thống của SSI.
Đối tượng lừa đảo sử dụng hình thức tổng đài tự động khảo sát thị trường, khảo sát nhu cầu đầu tư và lôi kéo khách hàng tham gia vào các hội nhóm qua zalo, telegram không thuộc SSI.
Vì vậy, SSI khuyến không chuyển tiền đến các tài khoản các nhân tự xưng là nhân viên công ty, tổ chức chứng khoán khi chưa xác định được chính xác các thông tin.
Đồng thời, không truy cập các đường link, liên kết trong SMS, ứng dụng lạ, không rõ nguồn gốc để phòng tránh các hình thức lừa đảo; không cung cấp số tài khoản, mã OTP, mã PIN cho bất cứ cá nhân, đơn vị hoặc tổ chức nào qua website, email, số điện thoại.
Tương tự, Công ty CP chứng khoán VNDirect cho biết: Các chiêu thức lừa đảo trên mạng xã hội có khả năng thu hút và tác động khách hàng giao dịch nhanh chóng để từ đó đánh cắp thông tin tài khoản, dữ liệu thanh toán và gần đây nhất là thúc đẩy khách hàng đầu tư vào tiền ảo chỉ với các thủ thuật đơn giản là sao chép logo ở hình ảnh nhận diện tài khoản mạng xã hội, một vài trường hợp tinh vi được thiết kế cùng với dấu tích xanh mô phỏng tài khoản thật chính danh của thương hiệu.
Theo đó, các tài khoản mạng xã hội mạo danh nhằm mục đích lừa đảo thường đăng các bài viết (post) chào mời khách hàng nhận các phần quà, ưu đãi hấp dẫn, các giá trị tặng thưởng bất ngờ và nhiều chương trình đầu tư sinh lợi hứa hẹn khác.
Dưới bài viết thường mời chào Khách hàng click vào một đường dẫn (link) để nhận thưởng hoặc để nộp một khoản đầu tư nhỏ.
Khi khách hàng click vào link này, họ sẽ được điều hướng đến một trang web giả mạo và có thể được yêu cầu cung cấp các thông tin mật như mật khẩu tài khoản ngân hàng. Hoặc đơn giản hơn là chỉ cần click vào link này, các phần mềm độc hại sẽ ngay lập tức được cài đặt trên thiết bị của khách hàng – từ đó, tiền bạc, thông tin giao dịch, thanh toán của Khách hàng bị đánh cắp ngay lập tức.
Tinh vi hơn, tội phạm mạng xã hội còn tìm đến các tài khoản mạng xã hội cá nhân, chia sẻ các bài đăng công khai của các cá nhân này kèm nội dung lừa đảo như đã nói ở trên. Với chiêu thức này, các tài khoản mạng xã hội cá nhân khác trong danh mục bạn bè của cá nhân bị lợi dụng, sẽ lầm tưởng về sự liên quan và dễ dàng sập bẫy, click vào các đường dẫn độc hại.
VNDIRECT khuyến nghị khách hàng không truy cập các đường link, liên kết trong SMS, email lạ, không rõ nguồn gốc để phòng tránh các hình thức lừa đảo và đảm bảo an toàn.
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tiếp tục phát đi cảnh báo về các trò lừa đảo liên quan tới đầu tư chứng khoán.
UBCKNN cho biết: Trong thời gian qua, trên thị trường có hiện tượng một số cá nhân tự nhận là nhân viên của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ gọi điện thoại để mời chào người dân đầu tư chứng khoán thông qua việc tham gia vào các diễn đàn, hội nhóm trên các mạng xã hội như facebook, zalo…hoặc tải, cài đặt, sử dụng các ứng dụng (app) giao dịch.
Theo đó, các đối tượng này giới thiệu cho người dân về cơ hội đầu tư chứng khoán, đồng thời mời gọi tham gia vào các diễn đàn, hội nhóm trên mạng xã hội để nhận được tư vấn đầu tư chứng khoán, giao dịch chứng khoán hoặc thực hiện tải, cài đặt, sử dụng các ứng dụng (app) giao dịch.
Trước tình hình trên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khuyến cáo người dân nâng cao ý thức cảnh giác khi nhận cuộc gọi điện thoại của người lạ; cẩn trọng, cân nhắc tránh bị lôi kéo, tham gia các ứng dụng (app), diễn đàn, hội nhóm trên không gian mạng với mục đích đầu tư chứng khoán.
Nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán cần trang bị cho mình kiến thức về chứng khoán, thị trường chứng khoán và tìm hiểu thông tin liên quan đến thị trường chứng khoán tại các kênh chính thống của cơ quan quản lý, đơn vị vận hành thị trường và các tổ chức kinh doanh chứng khoán có chức năng tư vấn, môi giới chứng khoán đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Trường hợp có nghi ngờ hoặc phát hiện các cá nhân mạo danh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ cung cấp thông tin sai sự thật và các hành vi lừa đảo khác, đề nghị người dân thông báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.