Thế nào là một thương vụ M&A thành công?
Thương hiệu là yếu tố chiến lược nhất khi nói đến M&A, vì vậy nếu không hiểu được thương hiệu, không xác định được giá trị thương hiệu, sẽ không thực hiện thành công M&A.
Theo ông Masahiro Kotaka, Giám đốc điều hành KPMG Nhật Bản, M&A không mang nghĩa hẹp là giao dịch định giá – bán – mua, mà thách thức thực sự là khi kết thúc giao dịch – hội nhập hậu mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A). “Điều này không chỉ là vấn đề riêng của các thương vụ ở Việt Nam, bởi sự hội nhập không mặc nhiên diễn ra, M&A cũng không đơn giản là sáp nhập các cổ đông lại với nhau mà thực sự phải nỗ lực tạo ra ‘cơ thể’ mới, đáp ứng những yêu cầu tối thiểu về quản trị”, ông Masahiro cho biết.
Muốn vậy, chủ đầu tư phải hình dung được tầm nhìn 3 – 5 năm sau M&A, xác định mục tiêu thương vụ. Các cuộc thảo luận giữa hai bên là nền tảng chủ yếu dẫn tới thành công của một hoạt động M&A.
Còn theo ông Samir Dixit, Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á Thái Bình Dương, thương hiệu là yếu tố chiến lược nhất khi nói đến M&A, vì vậy nếu không hiểu được thương hiệu, không xác định được giá trị thương hiệu, sẽ không thực hiện thành công M&A. Tuy nhiên, trong thực tế, rất nhiều doanh nghiệp chưa ý thức được tầm quan trọng của thương hiệu mà chỉ quan tâm tới các tài sản hữu hình.
“Hiện các doanh nghiệp Việt chưa có thói quen đánh giá thương hiệu của mình, cũng chưa có cơ quan hỗ trợ định giá, ngay cả các quản lý cấp cao cũng chưa hiểu nhiều về vấn đề thương hiệu. Mỗi công ty cần có đội ngũ chuyên môn hiểu về vấn đề thương hiệu, nếu không doanh nghiệp Việt vẫn sẽ bị đánh giá thấp và ‘bán rẻ’ trong 5 – 10 năm tới”, ông Samir cho biết.
Từ thực tiễn tư vấn cho khách hàng, Luật sư Nguyễn Lan Phương, Công ty Luật Baker & Mckenzie cho biết, có sự khác biệt khá lớn giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước trong vấn đề thương hiệu. Nhà đầu tư ngoại khi thành lập doanh nghiệp mới ở Việt Nam, thương hiệu là yếu tố quan trọng hàng đầu, và phải ngay lập tức đăng ký với cơ quan chức năng để bảo vệ. Sau thời gian hoạt động, nếu có M&A, thương hiệu cũng là tài sản đầu tiên họ bảo vệ.
“Với doanh nghiệp trong nước, chỉ một số ít có nhận thức về giá trị thương hiệu, việc sử dụng lợi thế thương hiệu khi làm việc với đối tác là không thường thấy. Trong các thương vụ M&A, bên bán hầu như đều đặt mục tiêu nhận được giá chuyển nhượng cao nhất, ít ai quan tâm đến bên mua định giá thương hiệu ra sao, có kinh nghiệm với lĩnh vực ngành nghề của mình không, và có chiến lược phát triển thương hiệu hậu M&A hay không?”, bà Phương chia sẻ.
Bà Phương cho biết, các nước đang xác định giá trị thương hiệu của doanh nghiệp bằng cách lấy giá trị thị trường của doanh nghiệp trừ đi các yếu tố tác động, với nhiều doanh nghiệp lớn như Apple, Microsoft… giá trị thương hiệu có thể xấp xỉ giá trị thị trường. “Trong câu chuyện M&A, thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp, chúng ta đang loay hoay với vấn đề định giá đất đai, tài sản, nhưng đôi khi giá trị lớn nhất của doanh nghiệp nằm ở thương hiệu lại không được tính đến, dẫn tới đánh giá thấp doanh nghiệp, lựa chọn nhà đầu tư chưa phù hợp hoặc không biết trân trọng thương hiệu, đưa ra những quyết sách sai lầm hậu M&A”, bà Phương nhấn mạnh.
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch U&I Group cho biết, đã thực hiện nhiều thương vụ và mỗi lần đều xác định giá trị thương hiệu cho đối tác. “Với thương hiệu được đánh giá là tốt thì sự tự tin khi thực hiện sẽ lớn hơn cũng như sẵn sàng đầu tư mạnh hơn”.
Thông thường, khi mua một doanh nghiệp, U&I Group sẽ không đưa ra mức vượt qua khung bình quân của ngành. Tuy nhiên vẫn có ngoại lệ như với thương vụ mua lại bồn nước Toàn Mỹ.
“PE lúc đó với ngành sản xuất cơ khí khoảng 7-8, nhưng chúng tôi trả lên 11, vì Toàn Mỹ có giá trị thương hiệu tốt nhất trong ngành lúc đó. Đến nay, tôi vẫn tin là quyết định chính xác, Toàn Mỹ vẫn là thương hiệu số 1 về chất lượng trong thị trường bồn nước”, Chủ tịch U&I cho biết.
Được vinh danh là một trong 10 doanh nghiệp có thương vụ M&A tiêu biểu năm 2018-2019, tuy nhiên theo ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Thường trực Saigon Coop, Công ty không coi thương vụ với Auchan là M&A mà tạm gọi là chuyển giao hoạt động của Auchan tại Việt Nam.
Ông Đức cho biết, với thương vụ này cách tiếp cận hợp tác cũng khác với các đơn vị khác khi giá trị thương hiệu Auchan trên thị trường toàn cầu rất lớn, nhưng ở Việt Nam thì không. Tuy nhiên, cái mà Saigon Coop nhìn ra và muốn giữ lại là những điều cấu thành nên thương hiệu đó.
“Chúng tôi thừa hưởng, học tập các giá trị tích cực từ một thương hiệu lớn, có giá trị hàng trăm năm với mô hình bán lẻ rất tốt, chỉ là chưa áp dụng thành công với thị trường Việt Nam. Chúng tôi mong muốn kết hợp mô hình đó với kinh nghiệm địa phương từ đó hoàn thiện để thay đổi tạo nên tác động lớn hơn về mặt giá trị thương hiệu. Đây mới chính là cách Auchan sẽ cộng thêm giá trị cho Saigon Coop”, ông Đức khẳng định.
Trong số các doanh nghiệp nhà nước đang trong tiến trình cổ phần hoá, thoái vốn, Luật sư Nguyễn Lan Phương cho biết có nhiều thương hiệu rất có giá trị, vì vậy Nhà nước muốn “rút chân” ra nhưng vẫn giữ được giá trị, bên cạnh xem xét giá mua, còn cần lựa chọn những đối tác có hiểu biết về văn hoá, giàu kinh nghiệm phù hợp với từng lĩnh vực và có chiến lược cụ thể phát triển thương hiệu sau M&A.
Theo Thu Lê/ Chinhphu.vn