Vì sao Thủ Thiêm hiện nay ít công trình công cộng, nhiều nhà ở thương mại?
Sau gần 20 năm quy hoạch và xây dựng, khu đô thị Thủ Thiêm (TP.HCM) hiện nay được thấy phần lớn là những dự án bất động sản, công trình thương mại và nhà ở. Trong khi, theo quy hoạch khu đô thị này dành tới 71% diện tích đất cho các công trình công cộng phục vụ người dân.
Chưa thấy công trình công cộng nào hoàn thành
Theo quy hoạch, việc phát triển khu đô thị Thủ Thiêm không nhằm mục tiêu kinh doanh bất động sản và đạt được lợi nhuận từ việc khai thác đất. Thay vào đó, phần lớn diện tích đất được ưu tiên để xây dựng các công trình công cộng, dịch vụ mà trung tâm thành phố hiện hữu còn thiếu hoặc hạn chế phát triển.
Cụ thể, diện tích đất quy hoạch khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm là 657 ha. Trong đó phần diện tích đất khai thác thương mại chỉ 194 ha (chiếm tỉ lệ 29%) còn lại là đất dịch vụ cho các công trình công cộng lên đến 71%.
Các công trình công cộng điển hình được quy hoạch xây dựng trong khu đô thị Thủ Thiêm như: Quảng trường trung tâm, Công viên bờ sông, Trung tâm tài chính, Trung tâm Hội nghị triển lãm quốc tế, Cung Thiếu nhi, Lâm viên sinh thái,…với diện tích lên đến hàng trăm hecta.
Quy hoạch là thế, nhưng gần 20 năm xây dựng và phát triển, đến thời điểm hiện tại chưa có công trình công cộng nào được hoàn thành. Thay vào đó, người dân chỉ thấy phần lớn là các khu đô thị thương mại, chung cư cao tầng và các dự án bất động sản kinh doanh.
Theo ghi nhận của PV, các công trình công cộng có trong quy hoạch nêu trên chưa được triển khai xây dựng và hoàn thành tại khu đô thị Thủ Thiêm. Duy nhất một công trình là Trung tâm triển lãm quy hoạch thành phố được khởi công xây dựng vào năm 2013.
Công trình này được đầu tư hơn 800 tỉ đồng, kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2015. Tuy nhiên, đến nay công trình vẫn còn đang dang dở, ngổn ngang.
Nhà phố thương mại nhiều vì doanh nghiệp có lợi nên làm trước
Chiều 14/8, trao đổi với PV , ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM xác nhận, trong quy hoạch Thủ Thiêm, các công trình công cộng chiếm đến 71%, nhưng đến nay chưa có công trình nào hoàn thành là do nhiều nguyên nhân.
Theo ông Hoan, khu đô thị Thủ Thiêm chỉ dành 29% là đất thương mại, còn lại là đất các công trình công cộng như: Công viên, quảng trường, nhà hát, trung tâm triển lãm, trụ sở, trường học,…Tuy nhiên, hiện nay khu đô thị Thủ Thiêm chỉ thấy phần lớn là khu thương mại, mà chưa thấy khu công cộng là vì doanh nghiệp làm thì họ tính đến cái lợi cho doanh nghiệp trước.
“Trong thực tế, khi doanh nghiệp làm thì họ làm đường ưu tiên vào các khu đô thị cho mình. Họ làm cái gì để được phát triển và có lợi cho họ nhiều hơn, cho nên họ ưu tiên vừa làm đường vừa phát triển các khu đô thị thương mại. Còn ta đường thì chưa có, tiền thì chưa xong, dự án thì chưa có gì nên đất vẫn còn trống mênh mông” – ông Hoan nói.
Theo ông Hoan, hiện thành phố đang tích cực chuẩn bị các nguồn lực để triển khai các công trình công cộng này, những công trình quan trọng sẽ ưu tiên làm trước.
“Ngay từ trước đây thành phố đã đặt mục tiêu là đến ngày 30/4/2020, kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước sẽ có quảng trường để duyệt binh, nhưng giờ chưa thấy đâu hết. Sau này, tôi đề nghị Thủ Thiêm phải chú trọng vào các công trình công cộng, đặc biệt là những công trình lớn như quảng trường Hồ Chí Minh” – ông Hoan nói.
Ông Hoan cũng cung cấp thêm thông tin, sau hàng chục năm phát triển Thủ Thiêm chưa có công trình công cộng vì còn liên quan đến cơ chế, chính sách đầu tư.
“Đến nay chúng ta chỉ thấy nhà ở nhiều lên, còn công trình công cộng thì chưa thấy gì. Tiền có rồi nhưng cũng không thể dễ dàng triển khai dự án đầu tư công. Cho nên mình thấy sao doanh nghiệp làm 1 – 2 năm là lên hết, còn mình làm 5 năm quay lại cũng chưa có gì, nên một dự án làm 5 năm, 10 năm là việc bình thường” – ông Hoan nói.
Ông Nguyễn Thế Minh – Trưởng Ban quản lý Khu Đô thị Thủ Thiêm thì cho rằng, việc chậm triển khai dự án đầu tư công, còn liên quan đến việc thi tuyển các phương án thiết kế.
“Nhà hát Thủ Thiêm đã có chủ trương từ rất lâu, nhưng đến giờ vẫn trong giai đoạn thi tuyển về thiết kế kiến trúc. Hay như dự án quảng trường, công viên trung tâm,… từ khâu tuyển chọn đến tư vấn, lập thiết kế và làm dự án phải thuê tư vấn nước ngoài nên chi phí cao. Để xin được chi phí này là cả một vấn đề, mất gần 2 năm trời chỉ để chọn được đơn vị làm quy hoạch, thiết kế dự án” – ông Minh chia sẻ thêm.
Theo Huân Cao – Minh Quân/ LĐO