Một thương vụ kín tiếng của cựu Chủ tịch Sacombank Kiều Hữu Dũng

Sau khi rời khỏi Sacombank, ông Kiều Hữu Dũng "dứt tình" với nghề ngân hàng và tham gia sâu vào lĩnh vực địa ốc, với loạt thương vụ có giá trị hàng nghìn tỷ đồng.

 

Cựu Chủ tịch Sacombank Kiều Hữu Dũng

 

Thành Hưng Land

Như đã đề cập ở kỳ trước thương vụ trái phiếu 6.200 tỷ đồng của CTCP Bất động sản Thành Hưng Land. Giá trị rất lớn của lô trái phiếu phần nào khắc họa chân dung đại gia đứng sau thương vụ này. Tại Việt Nam, số lượng các nhóm doanh nghiệp đủ “tầm” để huy động khoản vay (mỗi lần) lên tới 6.000 tỷ đồng là không nhiều, chỉ tập trung ở 1 tập đoàn đa ngành ở Hà Nội và 1 tập đoàn bất động sản ở Sài Gòn.

Trở lại với Thành Hưng Land, pháp nhân này được thành lập ngày 30/8/2018, đóng trụ sở tại số 2 Tôn Đức Thắng, Quận 1 (TP.HCM) với vốn điều lệ 2.243 tỷ đồng.

Mức vốn quy đổi cả trăm triệu USD không phải dễ tìm với một thành viên non trẻ trên thị trường địa ốc. Dù vậy, con số này vẫn là khiêm tốn khi đặt cạnh lô trái phiếu Thành Hưng đi vay, và cũng chỉ bằng 1/4 khoản đầu tư vào Công ty TNHH Đầu tư DPV Hà Nội, với giá trị tính đến cuối tháng 7/2019 là 7.817 tỷ đồng.

Trước khi được chuyển giao cho Thành Hưng Land tháng 9/2018, DPV Hà Nội là công ty con 100% vốn của CTCP Phát triển Bất động sản DPV (DPV Group) – doanh nghiệp được thành lập trên cơ sở hợp tác giữa hai đại gia hàng đầu Việt Nam – cựu Chủ tịch HĐQT Sacombank Kiều Hữu Dũng và Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú, trong đó mỗi bên góp 50%. Giai đoạn đầu hoạt động, cả DPV Hà Nội và công ty mẹ DPV Group đều đặt trụ sở tại Opera View Building 161 Đồng Khởi (Quận 1, TP.HCM) – một bất động sản từng thuộc sở hữu của ông Đỗ Minh Phú, đã được đề cập trong bài viết “Artex Sài Gòn đổi chủ”.

DPV Hà Nội từng gây xôn xao giới đầu tư với màn tăng vốn ngoạn mục từ 800 tỷ đồng lên hơn 7.800 tỷ đồng vào ngày 10/3/2017. Nhiều khả năng, chủ mới của DPV Hà Nội – Thành Hưng Land hoặc được chia tách từ DPV Group, hoặc thừa hưởng quyền và nghĩa vụ của DPV Group trong DPV Hà Nội. Điều này giải thích vì sao Thành Hưng Land được thành lập tháng 6/2018, song lại “đứng tên” 6.200 tỷ đồng trái phiếu được phát hành từ ngày 28/3/2017, với mã trái phiếu là DPV_BOND2017.

Giả thiết trên có thêm cơ sở khi biết rằng ngày phát hành trái phiếu chỉ sau hơn 2 tuần thời điểm DPV Hà Nội tăng vốn từ 800 tỷ đồng lên 7.800 tỷ đồng. Hay nói cách khác, nhiều khả năng DPV Group đã phát hành 6.200 tỷ đồng trái phiếu để tăng vốn cho công ty con là DPV Hà Nội, sau đó chia tách/ hoặc chuyển giao quyền và nghĩa vụ trong DPV Hà Nội cho Thành Hưng Land.

Vai trò “trung gian” của ông Kiều Hữu Dũng trong thương vụ Ba Son gắn liền với dòng tín dụng tính bằng đơn vị chục nghìn tỷ đồng của hai ngân hàng tư nhân lớn có trụ sở ở Hà Nội.

Tới lúc này, băn khoăn lớn là DPV Hà Nội có gì với mức vốn khổng lồ gần 8.000 tỷ đồng, lớn hơn các tập đoàn bất động sản hàng đầu hiện nay như BRG Group (3.700 tỷ đồng), Bitexco (6.260 tỷ), Eurowindow Holding (3.000 tỷ)…

Hình bóng doanh nhân họ Kiều ở Ba Son

Diễn biến sau đây có thể là lời lý giải hợp lý nhất cho câu hỏi trên. Cụ thể, đầu tháng 5/2018, DPV Hà Nội tiến hành hợp nhất với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đô thị Phương Nam – chủ đầu tư dự án thương mại trên lô đất chức năng hỗn hợp có ở mang ký hiệu HH1 (Khu phức hợp Ba Son, Quận 1, TP.HCM). HH1 là khu đất thành phần khá lớn trong khu Ba Son, theo quy hoạch 1/500 được triển khai cao ốc 47 tầng với chiều cao tối đa 188m, hệ số sử dụng đất 16,25 lần, mật độ xây dựng khối đế và mật độ xây dựng trung bình khối tháp đạt 36,1%; Tổng diện tích sàn là 116.626 m2.

Hay nói tóm gọn, DPV Hà Nội hiện chính là chủ đầu tư dự án gần 9.000 m2 đắc địa bậc nhất TP.HCM nhìn ra Sông Sài Gòn.

Tuy nhiên không ít dấu hiệu cho thấy DPV của đại gia Kiều Hữu Dũng không có ý định gắn bó lâu dài với lô đất “kim cương” này. Dữ liệu thể hiện ngay sau khi tất toán lô trái phiếu 6.200 tỷ đồng, Thành Hưng Land ngày 31/7/2019 đã không còn là công ty mẹ của DPV Hà Nội nữa, mà vai trò này được chuyển giao cho CTCP Đầu tư Bất động sản Supreme – một doanh nghiệp mới được thành lập trước đó 3 tuần với 4 cổ đông cá nhân. Chủ tịch HĐQT Supreme hiện là bà Bùi Thị Hải Hà – một mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái chằng chịt của ông Kiều Hữu Dũng.

Việc chuyển giao DPV Hà Nội cho một doanh nghiệp mới thành lập không loại trừ khả năng là bước trung gian để tiến hành chuyển nhượng dự án.

Ngoài 2 lô đất có tổng diện tích 6.459 m2 mua từ nhóm ông Kiều Hữu Dũng, nhóm Alpha King cũng đã mua lại lô VP2 có chức năng văn phòng – khách sạn rộng 6.042 m2 từ Capitaland.

Sau khi “dứt tình” với Sacombank, ông Kiều Hữu Dũng cùng các doanh nghiệp của mình (DPV Group, CTCP Đầu tư KD…) nổi lên với vai trò “trung gian” trong các thương vụ mua bán “khủng” trong giới địa ốc.

Ở khu Ba Son, nhóm nhà đầu tư của ông Kiều Hữu Dũng còn sở hữu 6 lô đất khác, trong đó 2 lô đất chức năng hỗn hợp đã chuyển nhượng cho nhóm Alpha King là HH3 rộng 2.899 m2 vào tháng 1/2017 và HH5-1 rộng 3.558 m2 vào tháng 3/2019; 4 lô khác nhiều khả năng đang thuộc diện “chờ bán” hoặc đang trong quá trình đổi chủ tương tự lô HH1 của DPV Hà Nội là lô HH4-1 và HH4-2 (rộng 6.167,2 m2), lô HH2 (3.825,5 m2) và lô HH4-3 (7.141,3 m2). Tổng diện tích (tính cả lô HH1) là gần 32.600 m2.

Với giá đất trên đường Tôn Đức Thắng hiện dao động từ 500-800 triệu đồng/m2, khối tài sản khổng lồ của nhóm nhà đầu tư ông Kiều Hữu Dũng theo đó không dưới 16.000 tỷ đồng.

Ông Kiều Hữu Dũng sinh năm 1967. Sau khi tốt nghiệp Học viện Quan hệ Quốc tế, ông công tác tại Nhà máy Dệt kim Hoàng Thị Loan (Nghệ An) với cương vị trợ lý Tổng giám đốc, trước khi trở thành cán bộ Vụ Hợp tác Quốc tế Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 1992-1998. Từ 1998-2001, ông là Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (NHNN). Từ năm 2001-2003 là đại diện cho NHNN tại Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Từ năm 2004-2007, ông Dũng đảm trách vị trí Vụ trưởng Vụ các Ngân hàng – một trong những vụ quan trọng nhất của NHNN.

Tuy nhiên đang ở đỉnh cao trong sự nghiệp công chức, ông Dũng quyết định nghỉ tại NHNN và chuyển ra khối tư nhân, lần lượt đảm nhận Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán ACB, rồi Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Sacombank, Chủ tịch Sacombank từ 3/2014-6/2017. Tháng 3/2018, ông Kiều Hữu Dũng rút khỏi HĐQT Sacombank và tập trung toàn bộ tâm lực cho công việc kinh doanh riêng của mình.

Theo nhadautu.vn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục