Môi giới “bạo gan” giả mạo là người của Hiệp hội BĐS TP.HCM để rao bán dự án

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã phát đi cảnh báo cho thấy có nhiều cá nhân, tổ chức đã giả mạo HoREA để đi lừa bán đất nền tại TP.HCM cũng như các tỉnh thành lân cận.

Ngày 18/8, thông tin từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM ( HoREA ), cho biết thời gian qua trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện các trang giả mạo HoREA, tự mạo nhận là HoREA để môi giới, chào bán bất động sản, nhất là đất nền tại TP.HCM và một số tỉnh lân cận, có dấu hiệu lừa dối khách hàng và có thể dẫn đến hậu quả là khách hàng bị lừa đảo hoặc bị thiệt hại.

Do đó HoREA đề nghị các doanh nghiệp và người dân cảnh giác với các trang Facebook giả mạo HoREA, để tránh bị lừa đảo hoặc bị thiệt hại. HoREA cũng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông xem xét xử lý các trang Facebook giả mạo HoREA theo quy định của pháp luật.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, tổ chức này được thành lập và hoạt động theo Quyết định số 292 ngày 20.1.2005 của UBND TP.HCM, là tổ chức xã hội – nghề nghiệp phi lợi nhuận của những cá nhân, tổ chức thuộc các thành phần kinh tế hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và liên quan đến bất động sản.

Tổ chức này có nghĩa vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản, kinh doanh bất động sản; của người tiêu dùng bất động sản; của nhà đầu tư bất động sản và bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng xã hội, vì sự phát triển minh bạch, lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản. HoREA hoàn toàn không hoạt động kinh doanh, kể cả kinh doanh bất động sản, môi giới bất động sản.

Tại TP.HCM, thời gian qua, chính quyền các quận như Thủ Đức, Tân Phú, Quận 12, Quận 7… liên tiếp cảnh báo về tình trạng phân lô đất nền trái phép, chuyển nhượng nhà đất thông qua lập vi bằng, rao bán dự án không có thực…

Chẳng hạn, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, TP.HCM cho biết quận đã đặt biển cảnh báo người dân về các dự án mua bán đất nền không có thật nhưng có những đối tượng xịt sơn, tháo dỡ biển. Quận Bình Tân đã thống kê được 10 trường hợp rao bán các dự án đất nền ảo trên địa bàn quận. Một số doanh nghiệp tự quy hoạch rồi công bố trên mạng với giá bán rất rẻ vì dự án không có thật. Có người dân đăng ký mua vì nhu cầu nhà ở, cũng có trường hợp mua vì lợi nhuận do thấy giá đất rẻ.

Rất nhiều khu vực tại TP.HCM và các tỉnh lân cận gắn bảng thông báo cảnh giác người dân về các dự án “ma” . Ảnh: PNO

Trước đó, UBND quận 12 đã ban hành văn bản cảnh báo về việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay thông qua hình thức lập vi bằng tại các văn phòng Thừa phát lại. UBND quận 12 nhận định việc này nhằm mua, bán những căn nhà “ba chung” (chung giấy phép xây dựng, chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung số nhà).

Việc mua bán những căn nhà “ba chung” này cũng được thực hiện nhiều lần, chuyển nhượng qua nhiều người; chuyển nhượng hồ sơ, giấy tờ chưa đúng quy định, chưa đầy đủ cơ sở pháp lý.

Không chỉ quận 12, mới đây, UBND quận Thủ Đức cũng lên tiếng về việc bán đất không phép tại bãi đất trống thuộc tổ 5, khu phố 6 của phường, thuộc khu quy hoạch Đại học Quốc gia TP.HCM.

Trước nạn “cò đất” giăng bẫy lừa đảo khắp nơi, mới đây, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Sở Xây dựng, Thanh tra Thành phố và UBND quận, huyện về tăng cường kiểm tra, giám sát đối với công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

Theo Trí thức trẻ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục