Thị trường cà phê sôi động với sự “trình làng” của nhiều thương hiệu mới

Mặc dù giá các sàn kỳ hạn cà phê giảm, giá cà phê nội địa vẫn ở mức cao, dao động trong khoảng 33,5-34 triệu đồng mỗi tấn. Không chỉ vậy, thị trường cà phê trong nước thời gian qua cũng rất sôi động với sự trình làng của nhiều thương hiệu mới.

Giá cà phê nội địa vẫn cao

Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia (NCIF) – Bộ Kế hoạch & Đầu tư, thị trường tài chính thế giới vừa có một phen hoảng loạn khi Ngân hàng nhà nước Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (CNY) để 1 USD ăn trên 7 CNY lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ tính từ 2008. Dòng vốn trên thị trường đổ về sàn kim loại vàng và một số đồng tiền mạnh để tìm đường trú ẩn, giá cổ phiếu và nhiều sàn phái sinh nông sản rớt mạnh, hai sàn cà phê không được hưởng biệt lệ.

Theo NCIF, giá các sàn kỳ hạn cà phê sụt giảm trong tuần trước

Cụ thể, hai sàn kỳ hạn cà phê robusta London và arabica New York tuần trước đều mất giá. Trong đó, giá robusta “tụt dốc” 12 USD chốt tại 1.296 và lập đáy tại 1.289. Đây cũng là mức thấp nhất tính từ gần 3 tháng nay.

Cùng lúc đó đồng nội tệ Reais Brazil (BRL) rớt mạnh so với USD, từ 3,7 BRL ăn 1 USD xuống gần 4 BRL. Đồng BRL mất giá giữa lúc cà phê Brazil đang vào chính vụ, thúc đẩy lực bán xuất khẩu tăng nhất là khi cà phê vụ mới đang đầy kho. Trong khi đó, Safras&Mercado, hãng phân tích thị trường cà phê Brazil (quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới) ước niên vụ 2019-2020 của nước này đạt trên 3,53 triệu tấn cà phê, trong đó có 1,1 triệu tấn robusta.

Còn tại Việt Nam (quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Brazil), dù giá các sàn kỳ hạn cà phê giảm, giá cà phê nội địa vẫn ở mức cao, dao động trong khoảng 33,5-34 triệu đồng mỗi tấn. Trong đó, giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ được chào bán xuất khẩu ở mức cộng bình quân 150 USD/tấn vào giá niêm yết sàn London. Đây là mức cao hiếm thấy từ trước tới nay cho loại cà phê robusta chất lượng trung bình của Việt Nam.

“Tuần trước, giá cà phê trong nước đứng vững trong vùng 33,5-34 triệu đồng mỗi tấn. Có được vậy là nhờ giá xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ được bán rất cao, giá niêm yết.sàn Lon Don cộng thêm 150 USD/tấn. Nhu cầu bán không mạnh, nhất là khi giá kỳ hạn quá thấp, cộng với giá đầu vào cao, nên giá kỳ hạn càng thấp càng không có hàng ra. Tình trạng ấy có thể vẫn tiếp tục xảy ra trên thị trường cà phê trong nước tuần này”, NCIF dẫn chứng và nhận định.

Ngày 10/8 vừa qua, tại TPHCM, Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã ra mắt chuỗi cà phê bán lẻ E-Coffee.

Thị trường trong nước sôi động

Trong khi giá các sàn kỳ hạn cà phê giảm, thị trường cà phê trong nước vẫn rất sôi động với sự “trình làng” thương hiệu mới. Điển hình, mới đây, tại TP HCM, Tập đoàn Trung Nguyên Legend vừa ra mắt chuỗi cà phê bán lẻ E-Coffee.

Bà Võ Thị Hà Giang, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Trung Nguyên cho biết: “E là chữ viết tắt của Energy (năng lượng), với khao khát mang đến cho bạn trẻ, người yêu thích cà phê nguồn năng lượng sáng tạo, tư duy đổi mới hơn. Chuỗi cửa hàng “E-Coffee” xây dựng dành cho nhiều lứa tuổi có khát vọng khởi nghiệp bằng cà phê, các chủ tiệm tạp hóa, quán cà phê truyền thống, nhà bán lẻ… hoặc khách hàng nhượng quyền”.

Theo đó, với đầu tư ban đầu chỉ từ 65 đến 175 triệu đồng, các đối tác được nhượng quyền từ E-Coffee có thể sở hữu ngay một quán cà phê có diện tích từ 4 đến 40 m2, phù hợp cho nhiều địa điểm, vị trí như: cao ốc văn phòng, trạm xe buýt, chợ, cửa hàng tiện lợi. Đồng thời, Trung Nguyên Legend sẽ thực hiện đào tạo, tư vấn, hướng dẫn kinh doanh, vận hành mô hình tối ưu và chính sách hỗ trợ cho các đối tác đồng hành, bao gồm cả việc hỗ trợ tìm mặt bằng kinh doanh.

Hiện Trung Nguyên ‘E-Coffee’ đã có gần 100 cửa hàng hợp tác và nhượng quyền, dự kiến đến cuối năm sẽ tăng gấp ba so với hiện tại và sau một năm sẽ đạt 3.000 cửa hàng tại 63 tỉnh/thành trên cả nước.

Thương hiệu Cà phê Meet and More lần đầu tiên được “trình làng” tại Việt Nam trong Lễ hội Cà phê Ban Mê Thuột 2019.

Chưa hết, ngành cà phê ở Việt Nam không chỉ sôi động với sự ra mắt chuỗi cà phê bán lẻ E-Coffee của Tập đoàn Trung Nguyên Legend mà trước đó, tại Lễ hội Cà phê Ban Mê Thuột 2019, thương hiệu cà phê Meet and More của Công ty TNHH Liên kết Toàn Cầu cũng lần đầu tiên được “trình làng”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Toàn Cầu, cà phê Meet and More được tạo thành từ quy trình của công nghệ chiết tách hiện đại theo tiêu chuẩn của Hàn Quốc: thanh khiết, chọn lọc những thành phần quý giá nhất của cà phê, đậm đà mà vẫn giữ trọn vẹn hương vị tự nhiên của cà phê.

Hiện thương hiệu này có hai dòng sản phẩm chính là cà phê hòa tan trái cây 4IN1, và cà phê hòa tan 3IN1. Cà phê Meet and More không chỉ “hòa nhịp” vào làng cà phê Việt Nam mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước như Australia, Hàn Quốc… và được rất nhiều người tiêu dùng nước ngoài ưa thích.

Theo Vĩnh Linh/

Bài cùng chuyên mục