Phạt 200 ngàn đồng: Thêm một chuyện bi hài!

Sàm sỡ nữ sinh trong thang máy: Phạt 200 ngàn. Biến thái thủ dâm trên xe buýt công cộng: Phạt 200 ngàn. Và giờ, vừa gây rối trật tự công cộng, vừa làm nhục người khác cũng lại phạt 200 ngàn. Chúng ta đang nói về hình thức xử lý nữ hành khách chửi bới xối xả tại Tân Sơn Nhất đang gây bão dư luận.

Sau nỗi bức xúc trước clip nữ hành khách chửi mắng xối xả nhân viên hàng không, dư luận lại như bị xúc phạm khi hành vi này chỉ bị xử phạt 200 ngàn đồng

 

Đồn công an Tân Sơn Nhất xác nhận đã ra quyết định xử phạt 200.000 đồng với hành vi gây rối đối với nữ hành khách Lê Thị Hiền, người đã chửi mắng xối xả vào mặt nhân viên hàng không với lời lẽ và từ ngữ không thể chép lại.

Mỗi công dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hành động của mình. Nhưng nếu xử phạt 200 ngàn đồng là cách thức chúng ta nhân danh pháp luật xử lý thì đúng là một trò đùa, đúng là đã xúc phạm toàn bộ nhân viên ngành hàng không, xúc phạm dư luận xã hội.

Và không chỉ xúc phạm, việc xử lý 200 ngàn còn chứa đựng trong đó sự vô lý, sự bất lực của pháp luật nữa.

Còn nhớ sau vụ xử phạt 200 ngàn trong vụ “cưỡng hôn trong thang máy”, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền nhìn nhận “đó thực sự là một câu chuyện bi hài”. Và “Bi hài ở chỗ nó như cái nhếch mép vào cái gọi là sự ngay thẳng của cơ quan công quyền, sức mạnh công lý”.

Những vụ quấy rối, tấn công tình dục, khiêu dâm nơi công cộng, và giờ, vừa gây rối trật tự công cộng, vừa làm nhục người khác liên tiếp xảy ra, và hình thức xử phạt vẫn là 200 ngàn cho thấy một khoảng trống pháp lý, một sự lỗi thời, lạc hậu đến ngây ngô và hoàn toàn không còn phù hợp với thực tế của pháp luật khiến luật có minh mà không có nghiêm.

Trong khoa học pháp lý có một thuật ngữ gọi là nhờn luật, cho tình trạng pháp luật không thể thực thi, hoặc thiếu tương xứng, hoặc chẳng có tác dụng răn đe. Và 200 ngàn tiền phạt cho những trường hợp trên chính là những ví dụ điển hình.

Từ sau quyết định phạt 200 ngàn với đối tượng “cưỡng hôn trong thang máy” đến hôm nay, chưa dài cho khoảng thời gian pháp luật kịp thời điều chỉnh, nhưng lại quá lâu, quá dài cho sức chịu đựng của dư luận.

Và nếu pháp luật không có sự điều chỉnh kịp thời rồi đến lúc chính chúng ta phải trả giá khi người dân tự xử, khi lò xo chịu đựng đã vượt mọi giới hạn.

Theo Anh Đào/ LĐO

 

 

 

Bài cùng chuyên mục