Công ty Ximăng Vicem Hải Phòng ngang nhiên mở mỏ đá “thổ phỉ”

Mặc dù chưa được cấp phép khai thác đá âm tại núi Áng Thị và các núi lân cận (mỏ Tràng Kênh, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng), nhưng Công ty TNHH MTV ximăng Vicem Hải Phòng (Công ty ximăng Hải Phòng) nhiều năm qua vẫn cố tình nổ mìn, khai thác đá âm theo kiểu “thổ phỉ”, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Thâm nhập khai trường đá “thổ phỉ”

Theo chân Giang – một người dân sinh sống ở thị trấn Minh Đức (huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) – nhóm PV tiếp cận khu vực mỏ đá Tràng Kênh thuộc vị trí khai thác đá của Công ty ximăng Hải Phòng. Tuyến đường vào khu khai trường mỏ đá hết sức gian nan, bụi bay mù mịt, bên trong là những chòi canh gác, bảo vệ nghiêm ngặt, cứ vài chục mét chúng tôi lại thấy một tấm biển báo với nội dung “khu vực khai thác, không nhiệm vụ miễn vào…”.

Theo lời Giang, Công ty ximăng Hải Phòng đã tổ chức nổ mìn, khai thác đá âm trái phép từ năm 2016 đến nay nhưng không ai dám đụng vào, họ ngày đêm nổ mìn gây không ít phiền toái cho người dân, nhưng để tiếp cận được mỏ đá đó không phải chuyện dễ. “Đấy các anh có đi mới biết, ở đây người dân chúng tôi có muốn cũng không bén mảng được vào nơi này, chỉ cần thấy người lạ là họ ra đuổi. Còn nếu cố tình không đi, họ sẵn sàng “xử đẹp” ngay” – Giang nói.

Khai trường khai thác đá “thổ phỉ” của Ximăng Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên. Ảnh: TN

Quả đúng như vậy, khu vực núi Áng Thị và các núi lân cận như Áng Mỡ, Áng Son (mỏ Tràng Kênh) là một “lô cốt” thực thụ, bởi nó được bảo vệ nghiêm ngặt phục vụ nổ mìn, khai thác đá “thổ phỉ” của Công ty ximăng Hải Phòng.

Theo tìm hiểu, Công ty ximăng Hải Phòng được cấp giấy phép khai thác đá vôi số 134 ngày 8/4/1993 tại núi Áng Thị (mỏ Tràng Kênh), với diện tích 81 ha, trữ lượng 41.275.000 tấn và công suất khai thác 500.000 tấn/năm. Tuy vậy, nhiều năm nay, Công ty này đã tổ chức khai thác vượt công suất so với giấy phép khai thác. Vì vậy, ximăng Hải Phòng đã tổ chức nổ mìn, khai thác đá xuống sâu từ -10 đến -30m trên một diện tích rộng khoảng 3ha tại khu vực núi Áng Thị, Áng Mỡ, Áng Son mà không cần tới sự đồng ý của các cơ quan chức năng.

Để tận thấy việc khai thác đá “thổ phỉ” của Công ty ximăng Hải Phòng, chúng tôi quyết định cùng Giang đột nhập vào mỏ đá qua khu vực chân núi Bò. Men theo chân núi, chúng tôi tiến gần hơn tới con đường đất đá bụi mù ở khai trường khai thác đá âm trái phép. Sau đó, chủ động ém mình trong những tảng đá to ở đây để quan sát hoạt động khoan nổ mìn trái phép của Công ty ximăng Hải Phòng. Tại đây, bảo vệ Công ty liên tục lượn quanh khu vực mỏ đá. Đến gần trưa, sau khi những mũi khoan đã hoàn tất, những công nhân ở đây bắt đầu tra thuốc nổ và kíp nổ vào các lỗ khoan, sau đó kích nổ. Khu vực khai trường rung lắc và bụi mù bởi bụi đá.

Quan sát tại hiện trường, Công ty ximăng Hải Phòng tổ chức nổ mìn, khai thác đá “thổ phỉ”, tạo ra những hồ nước rộng thênh thang ngay giữa thủ phủ đá vôi Tràng Kênh. Hàng chục phương tiện bao gồm máy xúc, máy khoan nổ mìn, máy phá đá và những chiếc xe “Cat” có trọng tải lên tới gần 100 tấn hoạt động ngang nhiên ngày đêm. Mỏ đá trái phép trở thành một công trường khổng lồ.

Ban ngày, tiếng mìn nổ kết hợp với tiếng phương tiện rầm rầm khiến những người lần đầu đến nơi đây không khỏi rùng mình. Còn ban đêm, khai trường tĩnh lặng nhưng vẫn được canh gác hết sức cẩn trọng. Đá sau khi nổ mìn sẽ được máy phá đá giọt nhỏ ra và máy xúc múc lên những chiếc xe “Cat” chở về máng xay, qua băng tải chuyển tới nhà máy. Cứ như vậy, hàng triệu tấn đá khai thác “thổ phỉ” đã được chuyển thành ximăng mà các cơ quan chức năng, cũng như chính quyền địa phương đều trở thành “bù nhìn”.

Không biết hay nhắm mắt làm ngơ?

Theo như lời của Giang, mặc dù Công ty ximăng Hải Phòng đã tổ chức khai thác đá âm trái phép từ năm 2016 đến nay nhưng đây là khai trường “bất khả xâm phạm”, không chỉ đối với người dân mà ngay cả chính quyền địa phương cũng phải “bó tay” không dám “sờ gáy”.

Để chứng minh lời mình nói, Giang chỉ cho chúng tôi, từ mỏ đá trái phép của Công ty ximăng Hải phòng đến UBND thị trấn Minh Đức (Thủy Nguyên) chưa đầy 1km. Mỗi khi nổ mìn, toàn bộ khu vực đều bị chấn động mạnh bởi tiếng nổ lớn. Ấy thế nhưng, địa phương lại không hề biết. Thêm vào đó, mỗi năm, có hàng chục đoàn kiểm tra, việc khai thác và chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến khoáng sản, nhưng hàng triệu tấn đá khai thác âm trái phép thì các đoàn này đều “nhắm mắt làm ngơ”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Công ty ximăng Hải Phòng là đơn vị duy nhất tại TP.Hải Phòng được phép khai thác đá đến cos0, còn các Công ty khác bắt buộc phải khai thác đến +5. Tuy nhiên, lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp nhà nước, Công ty này đã bỏ qua các quy định pháp luật, đặc biệt là Luật Khoáng sản, thực hiện việc khai thác đá âm trái phép, không khác gì các đơn vị, cá nhân khai thác “thổ phỉ”, gây thất thoát tài nguyên và tài sản Nhà nước. Thế nhưng, đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa bị bất kỳ cơ quan chức năng nào của TP.Hải Phòng cũng như Trung ương xử lý về hành vi của mình. Dư luận đặt câu hỏi, liệu có “lợi ích nhóm” trong việc khai thác đá trái phép của Công ty ximăng Hải Phòng (!?).

Công ty ximăng Hải Phòng tiền thân là Nhà máy ximăng Hải Phòng, được người Pháp khởi công xây dựng ngày 25/12/1899 tại ngã ba sông Cấm và kênh đào Hạ Lý. Đây là nhà máy sản xuất ximăng đầu tiên tại Việt Nam và Đông Dương, với nhãn hiệu “Con Rồng” truyền thống. Theo Quyết định số 1019 ngày 29/11/1997 của Thủ tướng Chính phủ, ximăng Hải Phòng được chuyển về địa điểm mới ở Tràng Kênh (Minh Đức, Thủy Nguyên).

NguồnTiến Nguyễn/ Báo điện tử Lao Động
Bài cùng chuyên mục