Tài xế Grab ‘đình công’ ba ngày liên tiếp để phản đối Grab thu thuế 60.000 đồng/ngày

Mặc dù Grab ra thông báo ngưng thu thuế 60.000 đồng/ngày, nhưng ngày 28/8 vẫn có rất đông tài xế Grabbike kéo tới trụ sở hãng này bày tỏ bức xúc về chính sách truy thu thuế.

Grab ngưng thu thuế, tài xế vẫn ‘đình công’

Grab áp dụng chính sách thu thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) 60.000 đồng/ngày thông qua ví tài khoản, bất kể tài xế có chạy xe hay không. Chỉ sau 1 ngày áp dụng triển khai chính sách mới, Grab liên tục nhận được phản ứng tiêu cực từ đối tác xe ôm công nghệ của hãng.

Theo thông báo phát đi từ hãng này, tỷ lệ phần trăm để tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) trên doanh thu từ cước phí vận tải được chia sẻ là 3%, với thuế TNCN là 1,5%. Đối với các khoản tiền thưởng theo doanh thu, cá nhân nộp thuế TNCN theo tỷ lệ 1% trên tiền thưởng.

Mặc dù mới đây, Grab đã tiến hành đối thoại và điều chỉnh tạm ngưng chính sách này tuy nhiên vẫn không xoa dịu được sự bất bình từ các tài xế.

Nhiều tài xế tập trung về Tô Hiến Thành ngày 28/8 để bày tỏ bức xúc trước việc Grab truy thu những khoản được cho là vô lý

“Bắt đầu từ ngày 27/8, chúng tôi tạm dừng thu hộ thuế đối với các đối tác tài xế có mức thu nhập chưa đạt đến 100 triệu đồng/năm (tính tới nay) và sẽ hoàn trả số tiền đã thu vào ví điện tử của đối tác tài xế”, đại diện Grab thông tin đến báo chí.

Theo thông báo này, hãng sẽ không truy thu thuế các đối tác có khả năng cao/cận mức doanh thu 100 triệu đồng trong năm 2019. Tuy nhiên vẫn giữ nguyên chính sách thu thuế với những tài xế đã đạt doanh thu trên 100 triệu đồng tính từ đầu năm, theo hướng dẫn của cơ quan thuế.

Tài xế Grab kêu gọi nhau tắt app, lên trụ sở hãng phản đối từ hôm 26/8, đúng ngày mà Grab thông báo sẽ truy thu thuế hộ cho cơ quan thuế, mức thu này áp dụng với các tài xế có khả năng đạt doanh thu 100 triệu đồng/năm. Rất nhiều tài xế dù đã biết thông báo nhưng vẫn bất ngờ khi bị trừ 60.000 đồng. Nhiều người đặt nghi vấn việc thu hộ không đảm bảo tính minh bạch.

Tài xế tố Grab chèn ép

Đã 3 ngày liên tiếp, rất nhiều tài xế Grab “bao vây” văn phòng của hãng tại đường Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10 để “đình công” và yêu cầu hãng làm rõ việc thu thuế.

Theo ghi nhận của Phóng viên, không khí xung quanh văn phòng Grab ngày 28/8 khá căng thẳng. Rất nhiều tài xế bày tỏ sự bức xúc cho rằng cách Grab ra thông báo và áp dụng rất mập mờ. Họ cho rằng, hãng đang cố tình thu thuế mà không khấu trừ tiền thiệt hại xăng xe. Về bản chất, họ là đối tác chứ không phải nhân viên của Grab, có thu nhập nhưng không phải do Grab chi trả.

Điều đáng nói, việc khấu trừ 60.000 đồng/ngày của hãng gây bức xúc vì không giới hạn ở những tài xế có doanh thu 100 triệu đồng/năm mà một số tài xế khác, với mức doanh thu thấp hơn cũng nằm trong diện bị khấu trừ tiền.

Anh Hưng, một tài xế Grabbike cho biết, thu nhập trung bình mỗi tháng của anh dao động từ 6,5–7 triệu đồng. Tính ra mỗi năm chưa cán nổi mốc 100 triệu đồng, mà hãng vẫn trừ.

Tài xế kéo nhau tới Tô Hiến Thành tắt app (ứng dụng), đình công vì chính sách truy thu thuế

Theo anh Hưng, anh và các đồng nghiệp muốn chất vấn phía Grab cần rõ ràng vì sau khi thông báo ngừng truy thu, hãng vẫn chưa có giải thích nào thỏa đáng với giới tài xế. “Nếu chúng tôi thỏa hiệp lần này, biết đâu sau này con số không phải là 60.000 đồng/ngày mà lên đến cả trăm nghìn đồng?”, tài xế Hưng bức xúc.

Các tài xế cho biết, họ sẽ còn tắt app kêu gọi đồng nghiệp đồng lòng đấu tranh vì quyền lợi. Họ sẵn sàng đóng thuế nhưng hình thức đóng phải minh bạch, tiền đó phải được vào ngân sách nhà nước. Hiện nhiều tài xế còn kêu gọi trên các diễn đàn do họ lập ra cùng nhau làm đơn kiến nghị và kí đơn tập thể để gửi Cục thuế.

“Bao nhiêu chi phí hao mòn về xe, xăng… sao Grab không khấu trừ mà lại thu trọn thế. Chạy nhiều đóng thuế hết thì sống sao nổi. Tại sao họ không tính đến việc đã tính thuế TNCN thì phái tính tới các trường hợp khấu trừ gia cảnh. Chúng tôi chạy xe là nuôi cả gia đình chứ đâu cho riêng bản thân”, một tài xế Grab nói.

Trong dịp trả lời báo chí cách đây chưa lâu, ông Nguyễn Trung Thành – Giám đốc GrabBike và GrabExpress cho biết, việc kê khai, thu hộ và nộp các nghĩa vụ thuế chỉ áp dụng với những đối tác GrabBike và GrabExpress có mức doanh thu bắt buộc phải nộp thuế là trên 100.000.000 đồng/năm, khoảng 8,3 triệu đồng/tháng.

“Nghĩa vụ thuế này sẽ được Grab Việt Nam thu hộ và nộp vào Ngân sách Nhà nước đúng theo quy định của pháp luật. Đến nay, Grab là công ty đầu tiên và duy nhất giúp thu hộ và nộp hộ thuế cho dịch vụ mô tô 2 bánh, cùng phối hợp với các đối tác để thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế đối với Ngân sách Nhà nước”, ông Thành cho hay.

Tạ Chi/ Phunuonline

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục