Đổ tiền xây trường đại học, tuổi 70 đại gia nhận bằng quốc tế
Hàng loạt tỷ phú, doanh nhân đổ tiền xây dựng trường học, trong khi đó có đại gia cuối đời mới nhận tấm bằng danh dự.
Đua nhau xây trường
Tập đoàn FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết vừa khởi công Trường Đại học FLC tại tỉnh Quảng Ninh. Hoạt động theo mô hình đào tạo tư thục không vì lợi nhuận, trường đại học này có tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, diện tích dự kiến hơn 700 ha.
Trong lĩnh vực hàng không, FLC cũng đã đầu tư xây dựng viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways có quy mô 10 hecta, tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng cho giai đoạn thành lập và phát triển.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng không bỏ qua lĩnh vực này. Vingroup của ông Vượng đã mở đại học VinUni với hiệu trưởng đầu tiên là bậc thầy diễn giảng tại trường đại học hàng đầu nước Mỹ. Vingroup cũng mở học viện đào tạo phi công để phục vụ cho lĩnh vực hàng không.
Hệ thống Vinschool của ông Phạm Nhật Vượng năm 2018 đã trở thành hệ thống giáo dục lớn nhất Việt Nam 26 cơ sở, 23 ngàn học sinh, doanh thu đạt gần 1,5 ngàn tỷ đồng.
Ông Trương Gia Bình thì gắn với cái tên Đại học FPT. Đầu năm 2006, sau hơn 2 tháng Luật Giáo dục 2005 có hiệu lực, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương thành lập Đại học FPT tại Hà Nội. Sáu tháng sau, vào ngày 8/9/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 208 cho phép chính thức thành lập Đại học FPT – trường đại học tư thục đầu tiên do doanh nghiệp thành lập.
Tập đoàn TH của bài Thái Hương cũng lấn sân sang mảng giáo dục khi đầu tư hệ thống trường TH tại Hà Nội. Đây là cơ sở đầu tiên trong Hệ thống trường TH School liên thông từ mầm non đến hết trung học phổ thông và chuyển tiếp lên Đại học, Cao đẳng, Dạy nghề kết hợp trao đổi sinh viên cuối khóa.
Đại học Tân Tạo chính là thành giấc mơ trọn đời của bà Đặng Thị Hoàng Yến. Năm 2014, Đại học Tân Tạo khởi công xây dựng cơ sở hạ tầng, đường nội bộ, tiện ích, từng bước biến vùng đất phèn chua thành một ngôi trường đại học tư thục phi lợi nhuận theo tiêu chuẩn của Mỹ đầu tiên tại Việt Nam.
TTC của nhà ông Đặng Văn Thành cũng đầu tư xây dựng hệ thống giáo dục. TTCE ra đời năm 2007 với tiền thân là công ty MTV Giáo dục Toàn Thịnh Phát đã đổi tên thành CTCP Giáo dục Thành Thành Công vào tháng 1/2016.
Theo bà Đặng Huỳnh Ức My, thị trường giáo dục Việt Nam đầy tiềm năng và TTCE không chỉ coi giáo dục là một hoạt động của doanh nghiệp mà đi theo tôn chỉ “không vì lợi nhuận bằng mọi giá”.
Không chỉ đầu tư, mà xu hướng mua bán các hệ thống giáo dục cũng đang khá phát triển. Tập đoàn Nguyễn Hoàng mua được Trường ĐH Hoa Sen, trở thành chủ sở hữu của ĐH Hồng Bàng, ĐH Hoa Sen, ĐH Gia Định, ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu và rất nhiều trường mầm non và phổ thông khác, là một ví dụ điển hình.
Gia đình ông Đặng Văn Thành bán lại mảng giáo dục cho quỹ đầu tư quy mô 5 tỷ USD đến từ Malaysia. Cụ thể, Navis Capital Partners, quỹ đặt trụ sở tại Kuala Lumpur, đang quản lý danh mục 5 tỷ USD tập trung tại khu vực châu Á, đã công bố hoàn tất việc mua lại công ty giáo dục Thành Thành Công (TTC Edu – TTCE). Công ty này do bà Đặng Huỳnh Ức My, con gái ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, làm chủ tịch.
Tập đoàn Hùng Hậu Holdings sở hữu Trường ĐH Văn Hiến cách đây 2 năm cũng hoàn tất mua hàng loạt trường CĐ Vạn Xuân, Trung cấp Vạn Hạnh, Trung cấp Vạn Tường, Trung cấp Âu Lạc (Huế).
Cuối đời mới có bằng
Tập trung vào lĩnh vực giáo dục cho thấy các đại gia luôn coi trọng nguồn chất xám. Cũng chính vì thế, nhiều người trong số họ đã có tấm bằng danh dự ở tuổi xế chiều. Vợ chồng ông ‘Dũng Lò Vôi’ nhận bằng tiến sĩ danh dự và chứng nhận giáo sư danh dự của Đại Học Apollos, Mỹ.
Danh hiệu ông Dũng được nhận là “Doctor and master of business Administration” (Tiến sĩ và danh dự về quản trị kinh doanh). Trong khi bà Hằng được vinh danh “Certificates for honorary visiting professor” (Giáo sư danh dự). Đây được xem là những danh hiệu danh giá nhất mà trường Apollos trao tặng cho những doanh nhân có những cống hiến trong sự nghiệp kinh doanh và hoạt động vì cộng đồng tại châu Á.
Ở tuổi 73, ông Lê Thanh Thản, hay còn gọi là đại gia điếu cày, cũng được nhận bằng cử nhân danh dự của Viện Đại học Kỷ lục Thế giới. Viện Đại học Kỷ lục Thế giới (WRU) không phải là trường đại học hàn lâm bình thường nhằm đào tạo sinh viên, các nghiên cứu sinh về các lĩnh vực khác nhau, có phân khoa đào tạo như trên thế giới hiện nay mà hoạt động theo mô hình đặc thù tinh gọn như một Viện tư liệu và nghiên cứu tổng hợp về những giá trị sáng tạo và nội dung kỷ lục của cộng đồng kỷ lục gia trên thế giới.
Theo Đông Sơn/ VietnamNet