Trên 24 triệu học sinh-sinh viên bước vào năm học mới

Sáng 5/9, hơn 24 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước khai giảng năm học mới 2019-2020. Trong ngày khai giảng, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tới dự lễ khai giảng, chung vui cùng học sinh, sinh viên trên toàn quốc.

Học sinh lớp 1 háo hức vào năm học mới

Cụ thể, giáo dục Mầm non là 5.517.000 em (nhà trẻ 932.000; mẫu giáo 4.585.000); giáo dục phổ thông 17.055.000 em (tiểu học 8.660.000; trung học cơ sở 5.550.000; trung học phổ thông 2.599.000); hệ đại học (chính quy) là 1.518.986 sinh viên.

Năm học 2019 – 2020, ngành giáo dục tiếp tục triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản, trong đó tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm là: Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; rà soát sắp xếp các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học; Giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên, chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông, đổi mới tự chủ đại học; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu, tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế; Đẩy mạnh giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.

Năm học 2019 – 2020 cũng được coi là năm bản lề triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Theo lộ trình, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai theo hình thức cuốn chiếu từ năm học 2020 – 2021, bắt đầu từ lớp 1.

Bộ GD-ĐT cho hay, trước khi vào năm học 2020 – 2021, tất cả giáo viên lớp 1 và hiệu trưởng các trường tiểu học sẽ được bồi dưỡng về chương trình giáo dục phổ thông mới và các chuyên đề cốt lõi của chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông để sẵn sàng cho việc triển khai chương trình bắt đầu từ năm học 2020 – 2021 với lớp 1. Song song với đó, việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới cũng được Bộ GD – ĐT tích cực thực hiện…

Học sinh lớp 12 chỉ còn 1 năm học cuối ở bậc trường phổ thông

Trong không khí cả nước chào đón hơn 24 triệu học sinh, sinh viên bước vào năm học mới, sáng 5/9, tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự lễ khai giảng của Trường THPT Sơn Tây. Đây cũng là năm học thứ 60 của trường.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khai giảng của Trường THPT Sơn Tây

Gióng hồi trống khai giảng năm học mới, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng chuyển lời thăm hỏi ân cần đến các thầy giáo, cô giáo, học sinh và lời chúc Trường THPT Sơn Tây có một năm học mới thành công.

Thủ tướng khẳng định, giáo dục và đào tạo luôn nhận được sự quan tâm, sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và thời gian qua, ngành đã đạt nhiều thành tích, không ngừng đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh trống khai giảng năm học mới sáng 5/9

Thủ tướng mong muốn trong năm học mới, toàn ngành tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, hạn chế tồn tại mà “chúng ta đã chỉ ra để có nhiều thành công hơn nữa, đóng góp trực tiếp, quan trọng vào sự nghiệp xây dựng đất nước”.

Theo Thủ tướng, năm học mới, bên cạnh tiếp tục dạy, học hiệu quả các môn văn hóa, tức dạy chữ, các thầy cô cần quan tâm hơn đến giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, tức là dạy người, để các em học sinh phát triển toàn diện, phát huy năng lực sáng tạo. “Con người phải có đức có tài mới đóng góp được cho đất nước, cho gia đình ấm no, hạnh phúc. Dạy chữ đã quan trọng rồi, dạy người, dạy đức, dạy lối sống văn hóa càng quan trọng hơn trong thời kỳ chúng ta hội nhập sâu rộng” – Thủ tướng nhắc nhở.

Thủ tướng gửi lời chúc và cũng là mong muốn các thầy giáo, cô giáo của Trường THPT Sơn Tây nói riêng, thầy cô cả nước tâm huyết hơn nữa với nghề nghiệp, giữ vững phẩm chất đạo đức nhà giáo, không ngừng nỗ lực rèn luyện vươn lên thực hiện tốt sự nghiệp đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trồng cây tại Trường THPT Sơn Tây

Trường có 1.558 học sinh, trong đó có 806 học sinh giỏi toàn diện, chiếm tỷ lệ 51,7%. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, trường có 99,79% học sinh đỗ tốt nghiệp. Trường có 2 cô giáo đang theo học tiến sĩ, gần 50 thầy cô giáo có tình độ thạc sĩ. Nhiều năm qua, nhà trường giữ vững an ninh, trật tự, không có tệ nạn xã hội, không có học sinh vi phạm pháp luật, tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt, khá là 100%.

Cũng trong sáng 5/9, tại Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã đến chúc mừng và chia sẻ niềm vui cùng tập thể thầy và trò Trường THPT Lê Quý Đôn trong niềm hân hoan chào đón năm học mới. Ngay từ khi xuất hiện, đồng chí Bí thư đã ân cần bắt tay, thăm hỏi sức khỏe giáo viên và học sinh.

Phát biểu tại lễ khai giảng, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ sự trân trọng với bề dày truyền thống của ngôi trường có lịch sử hình thành lâu đời nhất TP. Năm học 2019-2020, trường đón nhận 1.238 học sinh cùng đội ngũ 95 thầy, cô giáo. Đặc biệt, đây là một trong 5 trường THPT được chọn thực hiện mô hình “Trường học thông minh” trong năm học này, trên cơ sở kế thừa và phát huy những kết quả xuất sắc đã đạt được khi thực hiện mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế.

Dẫn chứng kinh nghiệm phát triển đất nước của Singapore, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Singapore là đất nước có diện tích và dân số xếp thứ hạng hơn 100 trên thế giới, tuy nhiên nền kinh tế lại đứng thứ 37 thế giới, và đáng nói hơn, thu nhập bình quân trên đầu người đứng thứ 9 trên thế giới.

“Có được kết quả đáng ngưỡng mộ này là do đất nước họ quan tâm chỉ số phát triển con người. Từ đó, bài học rút ra cho Việt Nam là muốn phát triển đất nước không chỉ trông cậy vào điều kiện đất đai, dân số mà phải quan tâm chất lượng con người, cần đào tạo cho được đội ngũ nhân lực có chất lượng cao, chú trọng phát triển con người bền vững”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phân tích.

Bên cạnh đó, đồng chí Bí thư cũng gửi lời nhắn nhủ đến các em học sinh, những mầm non tương lai của đất nước, dù tình hình đất nước còn nhiều khó khăn nhưng các em có thể tự hào về bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa nghĩa tình của dân tộc. Qua đó, đồng chí dặn dò các em phải xác định mục tiêu học để làm người công dân Việt Nam tốt, có khả năng hội nhập quốc tế; học để làm người con hiếu thảo, có trách nhiệm, biết xây dựng gia đình hạnh phúc; học để có nghề hiệu quả, nuôi mình và gia đình; học để đóng góp xây dựng TP và đất nước.

Bày tỏ sự xúc động trước lời dặn dò của đồng chí Bí thư, em Trần Hoàng Hải Ngân, học sinh lớp 10B2, một trong 12 học sinh có điểm xét tuyển đầu vào lớp 10 cao nhất của Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết, em rất tự hào khi được trở thành học sinh của ngôi trường có truyền thống và bề dày lịch sử. Nhận thức được vai trò và sứ mệnh đất nước đặt lên vai thế hệ trẻ, Hải Ngân cho biết sẽ tiếp tục phấn đấu, cố gắng học tập giỏi, trở thành công dân có ích, đóng góp xây dựng TP.HCM nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.

Riêng với em Lê Minh, học sinh lớp 12A2, năm học 2019-2020 được xem là bước ngoặt quan trọng, có dấu ấn đặc biệt trong quá trình nỗ lực 12 năm đèn sách của em. “Em biết mình cần phải làm gì trong năm học cuối cấp. Ngoài ra, bên cạnh việc học tập, em cũng xác định cho mình tư duy sống mới và hiện đại, biết kết hợp nhịp nhàng kỹ năng học tập và các kỹ năng xã hội để phát triển tương lai sau này”, Minh chia sẻ.

Dịp này, Trường THPT Lê Quý Đôn vinh dự đón nhận cờ tuyên dương đơn vị có thành tích tiêu biểu xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy và học do Bộ GD-ĐT trao tặng. Năm học 2019-2020, nhà trường đón nhận 435 học sinh lớp 10 cùng với việc đầu tư, xây mới và mở rộng khối công trình chức năng, đáp ứng mục tiêu hội nhập, nâng cao chất lượng các hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học và câu lạc bộ phát triển năng khiếu cho học sinh.

Sáng 5/9, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM cùng đại diện các sở, ban ngành đã đến dự lễ khai giảng năm học mới 2019-2020, tặng hoa chúc mừng thầy, trò Trường TH, THCS, THPT Tân Phú, Quận Tân Phú, TP.HCM.

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ tặng hoa chúc mừng trường tại lễ khai giảng

Tại lễ khai giảng, đồng chí Nguyễn Thị Lệ được vinh dự mời chứng kiến nghi thức ký kết giao ước thi đua thực hiện chỉ thị số 19-CT/TU của Ban thường vụ Thành ủy về thực hiện cuộc vận động “Người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và không ngập nước”. Theo đó, nội dung được nhà trường cam kết là lớp học không rác, trường học không rác, lễ hội không rác, chung tau đẩy lùi ô nhiễm do chất thải nhựa, nói không với túi ni lông, xây dựng trường học xanh.

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ chứng kiến nghi thức ký kết thực hiện chỉ thị 19 của Ban thường vụ Thành ủy

Không chỉ thực hiện cam kết, lễ khai giảng của Trường TH, THCS, THPT Tân Phú cũng hết sức ngắn gọn, không bóng bay không rác thải. Những thông điệp về môi trường, giới thiệu về trường đều không phải là những báo cáo dài dòng mà đều thể hiện bằng những đoạn video clip với những hình ảnh ấn tượng, khiến học sinh và đại biểu dự lễ đều thấy thích thú.

Theo Phan Thảo – Thu Tâm – Thanh Hùng/ SGGPO

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục