Vụ Lotus Center: Mập mờ pháp lý, trách nhiệm của cơ quan chức năng ở đâu?

Như báo chí đã đề cập: “Quá bức xúc vì cho rằng CTCP Địa ốc Nam Phong Sài Gòn (Nam Phong Sài Gòn) có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tại dự án Lotus Center (Cần Đước, Long An), ông Phan Quang Thu (ngụ Nhà Bè, TP.HCM) đã gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến Bộ Công an, Công an TP.HCM và Công an tỉnh Long An”. Trong diễn biến mới nhất, đại diện UBND huyện Cần Đước cho rằng không có dự án nào mang tên Lotus Center trên địa bàn huyện và cũng không có chủ đầu tư mang tên Nam Phong Sài Gòn được chấp thuận đầu tư dự án?!

Khu đất dự án cỏ mọc um tùm, chủ đầu tư đã ngang nhiên mở bán, nhận cọc.

Cụ thể, làm việc với phóng viên, ông Phạm Ngọc Phước, Chánh Văn phòng UBND huyện Cần Đước, cho biết: “UBND huyện Cần Đước không tiếp nhận hồ sơ và cấp phép dự án Lotus Center tại ấp Tân Mỹ, xã Mỹ Lệ huyện Cần Đước”.

Cùng với đó, ông Phước cung cấp văn bản trả lời chính thức của UBND huyện Cần Đước về vụ việc. Công văn số 960/UBND-KT có chữ ký của Phó Chủ tịch huyện Phan Văn Tưởng nêu rõ: “Tại vị trí báo chí phản ánh, UBND tỉnh đã có Quyết định số 426/QĐ-UBND ngày 29/1/2019 về việc cho chủ trương đầu tư dự án khu dân cư với diện tích khoảng 2,7ha do Công ty TNHH MTV TM DV CĐ Thiên Ban làm chủ đầu tư, người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Văn Sang”.

Theo tìm hiểu, dự án Lotus Center được Nam Phong Sài Gòn quảng cáo rầm rộ, mở bán công khai dưới danh nghĩa “chủ đầu tư” còn có tên gọi khác là Khu dân cư Nông thôn ấp Tân Mỹ.

Trong khi đó, kết luận của UBND huyện Cần Đước cho thấy “Khu dân cư Nông thôn ấp Tân Mỹ” vốn dĩ không phải của Công ty Nam Phong Sài Gòn mà là của Công ty Thiên Ban. Thêm vào đó, dự án cũng chưa đủ hồ sơ pháp lý khi chỉ mới được cho chủ trương đầu tư và “đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ thủ tục về đất đai với Sở Tài nguyên Môi trường” – theo như khẳng định của ông Phước.

Về phía khách hàng, ông Thu cho biết: “Ngày 22/6/2018, tôi đặt cọc mua 238,9m2 đất của dự án Lotus Center, có hợp đồng đặt cọc rõ ràng với Công ty Nam Phong Sài Gòn. Công ty này giao hẹn sau 90 ngày sẽ giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho tôi. Nhưng đến hạn trên, công ty này hẹn thêm hơn 30 ngày nữa. Khi tôi quay lại, Nam Phong Sài Gòn vẫn không giao GCNQSDĐ cho tôi mà còn bảo tôi ra công chứng hợp đồng mới. Tôi ký hợp đồng với Công ty Nam Phong Sài Gòn, sao giờ dự án lại là của Công ty Thiên Ban nào đó?”

Hiện trạng dự án, dự án thậm chí còn chưa hoàn thành san lấp mặt bằng.

Dựa vào đâu Công ty Nam Phong Sài Gòn đã ngang nhiên quảng cáo, mở bán dự án thu tới 98% tiền đất nền của khách hàng.

Trên cùng một khu đất, cùng một tên dự án, liệu rằng có một mối quan hệ “mập mờ” giữa Công ty Thiên Ban và Công ty Nam Phong Sài Gòn để “làm mới” dự án và tiếp tục mở bán những đợt tiếp theo?

Đó là những câu hỏi khó giải đáp xung quanh dự án đầy rẫy sai phạm, mập mờ về pháp lý đang tồn tại ở Cần Đước này. Điều này khiến ông Thu vô cùng bức xúc: “Dự án của Công ty Thiên Ban, khi Công ty Thiên Ban mang đất bán cho người khác thì tôi biết kêu ai khi đã đóng gần đủ tiền cho Công ty Nam Phong Sài Gòn nhưng dự án lại không phải của họ?”

Nỗi lo của ông Thu cũng là bức xúc trở của rất nhiều người dân đã bỏ tiền ra đặt cọc dự án này với Công ty Nam Phong Sài Gòn. Người dân cũng vô cùng bức xúc trước sự quản lý lỏng lẻo đến vô trách nhiệm của cơ quan chức năng địa phương khi để xảy ra tình trạng phân lô, mua bán đất nền trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn. Bởi nếu ngay từ đầu, cơ quan chức năng địa phương quản lý chặt chẽ, sẽ không có chuyện một dự án mà lại có thể ngang nhiên tồn tại và cũng không có chuyện người dân bị “móc túi” một cách dễ dàng như vậy.

Đánh giá về vụ việc, luật sư Đào Hoa (Văn phòng Luật sư Tâm Đức Trí, Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: “Theo hợp đồng giữa hai bên thì Công ty Nam Phong Sài Gòn đã vi phạm trắng trợn. Đây là vụ lừa đảo. Và cơ quan chức năng địa phương đã quá lỏng lẻo trong khâu quản lý. Kể cả xuất hiện bên thứ 3 là Công ty Thiên Ban, vụ việc vẫn sẽ theo chiều hướng như vậy. Tôi cho rằng, ông Thu đã hơi “nhẹ dạ” nên mắc bẫy của họ. Đây là vụ việc dân sự và mong muốn lớn nhất của ông Thu là đòi lại số tiền đã bỏ ra nên theo tôi, Công ty Nam Phong Sài Gòn nên trả lại tiền cho ông Thu trước khi vụ việc đi quá xa”.

Theo Đăng Kiệt/ NTD

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục