Vòng “kim cô” thủ tục pháp lý: Nhiều dự án lao đao

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, hiện thành phố có 170 dự án dù đã được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc công nhận chủ đầu tư nhưng vẫn không thể đưa vào triển khai được do các quy định vướng mắc của pháp luật.

Hàng loạt dự án bế tắc

Trong số 170 dự án này, chỉ có một số ít dự án diện tích nhỏ tại các quận nội thành mới có 100% diện tích đất ở. Còn lại là 126 dự án có quỹ đất hỗn hợp, có nguồn gốc do đền bù đất nông nghiệp, đất chuyên dùng. Trong đó, có 51 dự án đến nay đã hết thời hiệu.

Kể từ tháng 9/2018 đến nay, tất cả dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, kể cả 51 dự án đã hết thời hiệu, đều phải thực hiện thủ tục thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư để trình UBND TP.HCM ban hành quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

Tuy nhiên, tất cả dự án đã có “quyết định chủ trương đầu tư” và các dự án có quỹ đất hỗn hợp đều bị ách tắc thủ tục “công nhận chủ đầu tư” và thủ tục “phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500”. Bên cạnh đó, nhiều dự án có diện tích đất do Nhà nước quản lý nằm xen cài và theo luật thì doanh nghiệp muốn có quyền sử dụng buộc phải thông qua đấu giá nhưng thực tế lại không dễ thực hiện nên dự án bế tắc.

Hiện TP.HCM có 170 dự án dù đã được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc công nhận chủ đầu tư nhưng vẫn không thể đưa vào triển khai do các quy định vướng mắc của pháp luật.

Tổng giám đốc một công ty bất động sản có trụ sở ở quận Bình Thạnh, TP.HCM cho biết, cách nay 3 năm, ông có xin đầu tư một dự án căn hộ chung cư ở phường An Phú, quận 2, với tổng diện tích gần 5.000m2. Công ty ông tuân thủ đầy đủ thủ tục, nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận chủ đầu tư và phê duyệt quy hoạch 1/500. Nguyên nhân, khu đất Nhà nước giao cho ông có khoảng 300m2 đất công dôi dư do giải tỏa mở rộng xa lộ Hà Nội.

Chờ đợi quá lâu, ông xin trả lại phần đất công này cho Nhà nước và đóng tiền sử dụng đất phần còn lại để triển khai thi công dự án nhưng cơ quan chức năng không đồng ý. Trong khi đó, dự án không được triển khai, công ty thường xuyên nợ lương, hơn 50% trong số 500 nhân viên nghỉ việc. Nếu tình trạng này kéo dài thêm một thời gian nữa, công ty có nguy cơ phá sản – vị tổng giám đốc này lo lắng.

Thiệt cả cho nhà nước lẫn doanh nghiệp

Vì vướng thủ tục pháp lý cho quỹ đất nên dù đã chi nhiều tỉ đồng cho việc giải phóng mặt bằng, lập hồ sơ dự án… nhưng các doanh nghiệp không thể phát triển dự án nhiều năm và họ đối mặt với khó khăn lớn khi lãi mẹ đẻ lãi con.

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), qua 7 tháng đầu năm 2019, Hiệp hội và các doanh nghiệp bất động sản ngày càng lo ngại trước tình trạng hàng loạt dự án bất động sản bị ách tắc, hoặc không được các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết thủ tục kịp thời. Điều này sẽ làm cho nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, mà theo quan hệ cung – cầu sẽ kéo theo việc tăng giá. Nhà nước cũng thất thu ngân sách, doanh nghiệp bị tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh, khó khăn chồng chất, thậm chí có nguy cơ bị phá sản.

Trước thực tế nhiều dự án bất động sản bế tắc do vướng mắc liên quan đến quy định “đất ở” hoặc đất công xen kẽ, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã họp giải quyết các khó khăn vướng mắc của Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở TNMT.

Cụ thể, lãnh đạo TP.HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương chủ trì phối hợp Sở Xây dựng rà soát, tham mưu cho UBND TP.HCM dự thảo văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng theo chỉ đạo về việc rà soát, tổng hợp các trường hợp đang sử dụng đất trên địa bàn thành phố có nguồn gốc đất do đền bù đất nông nghiệp hoặc đất chuyên dùng, đáp ứng một trong ba điều kiện. Thứ nhất, dự án đã được xác định là đất ở trong đồ án quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Thứ hai, dự án đã có văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai dự án xây dựng nhà ở. Thứ ba, dự án đã được ghi trong quyết định thu hồi đất khi thực hiện giải phóng mặt bằng là để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

Theo Bảo Chương/ LĐO

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục