Vụ tranh chấp dự án The Mark: DWS sẽ khởi kiện vụ việc ra tòa trọng tài quốc tế

DWS nhấn mạnh, bản án của tòa phúc thẩm tuyên ngày 11/9 là trái luật, không đúng thẩm quyền, chèn ép quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Phiên tòa phúc thẩm sáng 11/9, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên y án sơ thẩm với 3 nội dung chính, gồm không công nhận hợp đồng chuyển nhượng vốn giữa DWS Star Bridge Co., Ltd (DWS) và 2 pháp nhân Hàn Quốc cũ là Công ty P&D Korea Co.ltđ (P&D) và Công ty Lucky Vietnam Construction (LVC). Hủy Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần 2 của VK Housing, trong đó có nội dung công nhận phần góp vốn 80% của DWS. Giao HDTC tạm thời quản lý phần vốn của LVC và P&D trong thời gian chưa có người kế thừa.

Vụ tranh chấp cổ phần ở dự án The Mark chưa đến hồi kết.

 

DWS nhấn mạnh, các phán quyết này của tòa là trái luật, không đúng thẩm quyền, gây rắc rối và chèn ép nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đi ngược các cam kết về chính sách, về bảo hộ doanh nghiệp nước ngoài mà Chính phủ Việt Nam tuyên bố khi kêu gọi, thu hút đầu tư.

Không tham khảo

DWS cho biết, xuất phát từ việc VK Housing không trả nợ được khoản vay 15 tỷ won từ năm 2009 nên DWS đã yêu cầu Tòa án Seoul mở thủ tục phá sản đối với P&D, LVC – là 2 trong số các đồng bảo lãnh cho VK Housing đối với khoản vay nêu trên.

Ngày 22/7/2015, Tòa án Seoul ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với P&D, LVC và chỉ định quản tài viên xử lý tài sản của cả 2 công ty.

Trong quá trình giải quyết, Tòa án Seoul xác định P&D và LVC không còn tài sản nào khác ngoài phần vốn góp trong liên doanh VK Housing tại Việt Nam nên tiến hành đấu giá công khai tài sản này. Kết thúc thời gian đấu giá, Tòa án Seoul xác định không có người trả giá tài sản, chỉ có DWS là chủ nợ của 2 công ty đã có thư xin tiếp quản các phần vốn góp này.

Với sự cho phép của tòa án Hàn Quốc, ngày 16/3/2019, hợp đồng chuyển nhượng vốn giữa 3 bên nêu trên diễn ra tại Hàn Quốc do quản tài viên nước này đã được tòa án Seoul chỉ định thực hiện. Đáng lưu ý, tại thời điểm này, LVC và P&D vẫn đang trong quá trình xử lý tài sản theo thủ tục phá sản của pháp luật Hàn Quốc chứ chưa bị Tòa án Hàn Quốc tuyên phá sản.

Như vậy, việc P&D và LVC bị kiện phá sản ở Hàn Quốc là do doanh nghiệp của Hàn Quốc và hoàn toàn tuân theo pháp luật của nước này. Mặt khác khi xử lý vụ việc, Tòa hoặc các cơ quan chức năng, cơ quan tư pháp Việt Nam nếu cần, phải tiến hành thu thập chứng cứ, xác minh các vấn đề pháp lý trong chuyển nhượng vốn và tuyên bố phá sản từ Tòa án, quản tài viên Hàn Quốc. Tòa án Việt Nam hoàn toàn không được bất chấp để áp dụng luật Việt Nam để giải quyết các vấn đề của 3 doanh nghiệp là pháp nhân nước ngoài.

Hơn 10 năm sau ngày được chấp thuận đầu tư, dự án The Mark vẫn là bãi đất trống.

 

Trong vụ án tranh chấp quyền sở hữu doanh nghiệp và sở hữu dự án The Mark, quận 7, TP.HCM giữa nguyên đơn HDTC và bị đơn đối tác Hàn Quốc là DWS, cả phiên sơ thẩm và phúc thẩm đều sử dụng luật Việt Nam làm căn cứ để xét xử hợp đồng chuyển nhượng vốn của nội bộ các doanh nghiệp Hàn Quốc mà không thu thập, tham khảo chứng cứ từ Hàn Quốc là trái thẩm quyền, là thiếu sót nghiêm trọng của HĐXX cả 2 cấp.

HDTC không có tư cách quản lý phần góp vốn của LVC và P&D

DWS cho rằng, việc HĐXX cả 2 phiên tuyên bố tạm thời giao HDTC quản lý 80% vốn của LVC và P&D là hết sức vô lý. DWS cho rằng, HDTC không có tư cách quản lý phần tài sản này tại liên doanh bởi các lý do.

Thứ nhất, năm 2009, DWS đã cho liên doanh VK Housing vay số tiền lên tới 15 tỷ won vì liên doanh này gặp khó khăn về tài chính trong triển khai dự án, các tài sản thế chấp gồm 80% vốn góp của LVC, P&D; 20% vốn góp của HDTC; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 29.310 m2, đứng tên HDTC để triển khai dự án The Mark; Và bảo lãnh của các cá nhân khác.

Ngân hàng Woori Bank chi nhánh TP.HCM là đơn vị được ủy thác quản lý phần tài sản thế chấp và được DWS trả phí hằng năm. Trong cam kết giữa các bên về thế chấp nêu rõ, Woori bank không được tự ý giải chấp khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của DWS.

Hiện tại, tòa án Hàn Quốc đã công nhận phần chuyển nhượng 80% vốn tại liên doanh của LVC và P&D cho DWS để thanh toán 1 phần số nợ vay. DWS cũng chưa có bất kỳ thông báo giải chấp nào liên quan tới các phần tài sản thế chấp còn lại cho khoản vay nêu trên đối với Woori bank.

Thứ hai, về tư cách của HDTC trong liên doanh. Từ những năm 2005, do việc thiếu nguồn vốn thực hiện dự án khu nhà ở cao tầng tại Khu dân cư Tân Mỹ, quận 7, TP.HCM nên HDTC đã phải liên doanh với 2 công ty Hàn Quốc P&D, LVC lập ra Công ty VK Housing để cùng thực hiện dự án.

HDTC góp vốn bằng quyền sử dụng đất khu đất 29.310 m2, chiếm tỷ lệ 20% vốn điều lệ của Công ty VK Housing. Theo thỏa thuận liên doanh, Công ty VK Housing phải hoàn trả cho HDTC toàn bộ tiền thương quyền khu đất nêu trên cùng các chi phí đầu tư trên đất mà HDTC đã bỏ ra để nhận lại quyền sử dụng đất thực hiện dự án.

Bằng nguồn tiền của bên liên doanh Hàn Quốc (P&D, LVC và sau này là DWS), VK Housing đã chuyển thanh toán đủ hơn 20 triệu USD tiền giá trị thương quyền khu đất 29.310 m2 cho HDTC, có các chứng từ chuyển tiền lưu lại.

HDTC đã giao đất cho VK Housing và quy định rõ “VK Housing có trách nhiệm quản lý và sử dụng khu đất phù hợp với thỏa thuận và pháp luật Việt Nam” nhưng trên thực tế, bản thân HDTC hiện nay vẫn chưa thực hiện đúng cam kết với liên doanh, cụ thể vẫn chưa sang tên khu đất cho VK Housing để thực hiện dự án.

Mặt khác, hồ sơ cổ phần hóa HDTC cũng cho thấy, trước khi 70% cổ phần Nhà nước được bán ra cho các đối tác tư nhân trong đó có công ty của Chủ tịch Đinh Trường Chinh hiện tại, HDTC đã thông qua nghị quyết Hội đồng thành viên thoái vốn khỏi liên doanh. Phần tài sản, dự án, góp vốn tại liên doanh VK Housing sau đó cũng không được liệt kê ở mục tài sản doanh nghiệp định giá và mục dự án tiếp tục thực hiện của HDTC sau cổ phần hóa.

Các điều trên cho thấy, 80% phần vốn góp là tài sản của 2 công ty Hàn Quốc P&D và LVC, đã được xử lý hợp pháp theo pháp luật Hàn Quốc cho DWS chứ không phải của HDTC. Do đó, HDTC (dù trước hay sau khi cổ phần hóa dưới thời ông Đinh Trường Chinh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị) đều không có tư cách quản lý phần vốn góp của P&D và LVC cũng như tư cách tranh chấp về sở hữu doanh nghiệp hay sở hữu dự án The Mark đối với DWS hay VK Housing.

DWS sẽ khởi kiện vụ tranh chấp dự án The Mark ra toà trọng tài quốc tế.

DWS đã được UBND TP.HCM sau khi có sự tham vấn của các cơ quan hữu quan cho phép tiếp tục là nhà đầu tư thực hiện dự án The Mark. Sau đó, từ phía Chính phủ Việt Nam cũng có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Ngài Phó Thủ tướng thường trực đồng ý với giải quyết của UBND TP.HCM.

DWS đã từng rất tin tưởng vào sự bảo hộ của Chính phủ cũng như hệ thống tư pháp chặt chẽ của Việt Nam. Tuy nhiên, bây giờ thì cần xem lại những điều ấy.

Gần 15 năm đầu tư, các nhà đầu tư Hàn Quốc (trước đây là P&D, LVC) và sau này là DWS đã mất gần trăm triệu USD vào đây. Riêng DWS tuân thủ theo quyết định của UBND TP.HCM đã đầu tư tiền để thực hiện một số công việc cho giai đoạn tiền thi công dự án, đã thanh toán các tồn đọng nợ lương cho người lao động, nợ thuế, nợ nhà thầu của VK Housing lên tới hơn 20 triệu USD.

Thế nhưng, DWS có nguy cơ mất trắng chỉ vì đối tác của mình tại Việt Nam “lật mặt”, chối bỏ các giao ước, điều khoản trong hợp đồng hợp tác với sự tiếp tay của một vài nhân viên công quyền biến chất. Rất không bình đẳng.

DWS nói thẳng rằng, HDTC chẳng bỏ đồng nào ra để làm dự án. Để rồi sau cổ phần hóa năm 2016, chủ mới vào nắm quyền quay ngược lại kiện tụng, tranh chấp phần đất mà mình đã nhận đủ tiền theo định giá hơn 10 năm trước đó. Bởi lý do đơn giản là đất quận 7 vào giai đoạn sốt, giá tăng chóng mặt kéo theo giá trị dự án vượt bậc với hệ thống hạ tầng được cải tạo và các nỗ lực làm đẹp của nhà đầu tư nước ngoài.

“Vô lý như thế nhưng cơ quan Tòa án Việt Nam vẫn chấp nhận. Cả 2 cấp đều tuyên theo kiểu DWS mất trắng. Lúc gọi đầu tư thì các bạn rất ủng hộ, các bạn rất tạo điều kiện nhưng đến khi đổ cả gần trăm triệu USD trong vòng hơn 10 năm ròng rã thì giờ chẳng nhận được gì, thậm chí mất trắng”, đại diện DWS nói.

DWS cũng cảnh báo, chỉ số tín nhiệm đầu tư nước ngoài ở Việt Nam sẽ còn giảm và rất giảm nếu để những điều này nhan nhản diễn ra. Quan hệ đầu tư Việt-Hàn, dĩ nhiên cũng như thế. DWS sẽ khởi kiện vụ việc ra tòa trọng tài quốc tế. Đó cũng duy nhất là điều DWS sẽ làm ngay bây giờ, ngoài chuẩn bị kháng nghị bản án phúc thẩm.

Theo cungcau.vn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục