TP.Hồ Chí Minh: Chung cư xây trái phép, ‘xử’ mãi không xong

Tại TP.HCM, có một số dự án chung cư xây trái phép, cơ quan chức năng liên tục ra văn bản xử lý nhưng chỉ “xử” trên giấy, còn thực tế, công trình cùng sai phạm vẫn cứ tồn tại.

Gần 4 năm vẫn chưa tháo dỡ xong

Dự án Tân Bình Apartment (nay đổi tên thành Tân Bình Town) ở P.15, Q.Tân Bình do Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Tân Bình làm chủ đầu tư bị phát hiện sai phạm từ năm 2016, với tổng diện tích xây trái phép lên đến 2.197m2. Trong đó, chủ đầu tư đã xây thêm hai tầng và xây bít một ô thông tầng, một tầng mái để tạo thêm hai tầng nữa. Các sai phạm này giúp chủ đầu tư tăng thêm được 28 căn hộ.

Từ khi phát hiện sai phạm, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM đã ra văn bản buộc chủ đầu tư tháo dỡ các hạng mục sai phạm nhưng chủ đầu tư không thực hiện. Một tháng sau, Sở Xây dựng ban hành quyết định cưỡng chế, giao đội 3, Thanh tra cơ động thuộc Sở Xây dựng phối hợp với UBND Q.Tân Bình thực hiện. Thế nhưng, quyết định ban hành rồi… bỏ đó. Người dân bức xúc kéo đến Sở Xây dựng phản ánh gay gắt.

Trong gần một năm, Sở Xây dựng tổ chức gần chục cuộc họp với dân, ra hàng loạt văn bản hứa xử lý kiên quyết nhưng đến ngày 12/9, theo ghi nhận của chúng tôi, hàng loạt hạng mục sai phạm của công trình này vẫn còn nguyên.

Một hạng mục (mái che) xây trái phép ở dự án The Park Residence

Tương tự, cách nay khoảng một năm, dự án The Park Residence ở xã Phước Kiển, H.Nhà Bè do Công ty cổ phần Phú Hoàng Anh làm chủ đầu tư bị phát hiện xây trái phép với tổng diện tích hơn 800m2. Trong đó, rất nhiều hạng mục sai rất nghiêm trọng như: xây dựng vách ngăn, thay đổi chức năng phòng sinh hoạt cộng đồng và phòng ban quản lý chung cư, làm lợi cho chủ đầu tư thêm 4 căn hộ thương mại. Tại vị trí sảnh của dự án, chủ đầu tư ngăn vách tạo thêm một căn hộ dịch vụ nữa với diện tích lên đến 78,4m2…

Các sai phạm trên đều được Thanh tra Sở Xây dựng ra quyết định xử phạt hành chính, đề nghị tháo dỡ. Khi chủ đầu tư chỉ đóng tiền phạt mà không chịu tháo dỡ, sở tiếp tục ra quyết định cưỡng chế, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, việc cưỡng chế chỉ thực hiện trên giấy.

Dự án The One Sài Gòn ngang nhiên cơi nới tầng thượng thành nhà hàng, quán bar giữa thanh thiên bạch nhật như thách thức những người có trách nhiệm. 

Tại dự án cao ốc The One Sài Gòn (đường Ký Con, Q.1) do Công ty cổ phần Tập đoàn Capella (trước đây là Công ty Địa ốc Bến Thành) làm chủ đầu tư, công ty đã tự ý mở rộng diện tích khu căng-tin, văn phòng, kỹ thuật tại ba tầng 21, 22, 23 và chuyển đổi sang kinh doanh nhà hàng sai mục đích, không được cơ quan chức năng cấp phép. Theo người dân nơi đây, dù việc xây dựng trái phép này đã bị người dân phản ánh gần 3 năm, Sở Xây dựng cũng đến kiểm tra nhưng đến nay, các sai phạm vẫn còn đó.

“Ngâm” sai phạm, chờ… chạy thuốc?

Với việc “ngâm” sai phạm ở các dự án, cơ quan chức năng đang khiến gần 200 khách hàng mua căn hộ dự án Tân Bình Apartment gần 4 năm qua vô cùng khổ sở. Đáng lẽ khách hàng mua nhà của dự án này đã được nhận nhà vào ở từ năm 2016 thì đến nay, vẫn phải lay lắt ở nhờ, ở trọ. Trong khi đó, đây là dự án nhà ở xã hội, hầu hết khách mua nhà đều thuộc diện thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn.

“Để có tiền mua nhà, tôi phải vay ngân hàng gần 600 triệu đồng. Giờ tiền đã đóng, nhà không có, mỗi tháng, tôi còn phải tốn 5 triệu đồng tiền nhà trọ và gần 7 triệu đồng tiền vay ngân hàng. Gần đây, vợ chồng tôi bị kẹt tiền, không đóng đúng tiến độ, liền bị ngân hàng dọa kiện ra tòa. Nếu cơ quan chức năng xử lý nhanh các công trình xây trái phép của chủ đầu tư thì chúng tôi đâu khốn khổ thế này” – chị Hằng, người mua căn hộ dự án Tân Bình Apartment, nói.

Còn người dân ở hai dự án The Park Residence và The One Sài Gòn thì luôn sống trong cảnh thấp thỏm lo âu vì các hạng mục xây trái phép của hai dự án này đã đẩy chung cư vào tình trạng mất an toàn nếu xảy ra cháy, nổ.

Nói về việc chậm cưỡng chế tháo dỡ sai phạm tại dự án Tân Bình Apartment, UBND Q.Tân Bình cho rằng, từ khi ban hành quyết định cưỡng chế tháo dỡ, UBND Q.Tân Bình đã luôn phối hợp với Đội Thanh tra địa bàn của Sở Xây dựng liên tục kiểm tra, giám sát việc tháo dỡ của chủ đầu tư. Theo quy định, nếu chủ đầu tư không chủ động tháo dỡ, UBND quận sẽ tổ chức cưỡng chế. Nhưng thời gian qua, chủ đầu tư đã chủ động tháo dỡ nhiều hạng mục xây dựng sai phép.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện còn rất nhiều hạng mục xây trái phép chưa tháo dỡ như: xây dựng vách ngăn ban-công thành phòng tại một số căn hộ; bít ô thông tầng tại khu vực tầng lửng của dự án; xây dựng tăng diện tích sàn… Nói về vấn đề này, UBND Q.Tân Bình không cho biết khi nào xử lý dứt điểm mà chỉ cho rằng sẽ tiếp tục… giám sát, đôn đốc chủ đầu tư.

Giải thích về việc “ngâm” sai phạm tại dự án The Park Residence, ông Lê Trần Kiên – Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM – cho rằng, khoảng đầu năm 2019, khi phát hiện vụ việc, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM đã lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu chủ đầu tư khôi phục lại hiện trạng ban đầu nhưng chủ đầu tư không thực hiện. Khoảng hai tháng sau, Sở Xây dựng đã ban hành quyết định cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, tháo dỡ toàn bộ diện tích xây dựng trái phép, đồng thời chuyển toàn bộ hồ sơ liên quan đến UBND H.Nhà Bè để xem xét, tổ chức cưỡng chế. Khoảng một tháng sau, UBND H.Nhà Bè tổ chức kiểm tra hiện trạng để lập kế hoạch cưỡng chế tháo dỡ theo quy hoạch. Sở Xây dựng đã nhiều lần đôn đốc nhưng việc thực hiện cưỡng chế thuộc thẩm quyền của UBND H.Nhà Bè. Sở đã báo cáo vụ việc này đến UBND TP.HCM để có biện pháp xử lý.

Trong khi đó, đối với sai phạm của chủ đầu tư dự án The One Sài Gòn, đại diện Sở Xây dựng thừa nhận dự án xây trái phép nhưng chỉ nói ngắn gọn: “Hiện Sở Xây dựng TP.HCM đang phối hợp với Sở Quy hoạch và Kiến trúc và UBND Q.1 xem xét, xử lý đúng quy định, đồng thời đã có báo cáo gửi UBND TP.HCM xin ý kiến chỉ đạo”.

Tại sao chủ dự án làm sai rành rành mà không xử lý ngay theo quy định pháp luật, lại “ngâm” sai phạm, chờ xin ý kiến? Phải chăng, có điều gì khuất tất?

Nghiên cứu công nghệ loại bàn tay con người khỏi các công trình xây dựng

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có trên 1.550 công trình xây dựng trái phép. Công trình xây dựng vi phạm nhiều có dấu hiệu của tình trạng bảo kê, tham nhũng trong lĩnh vực trật tự xây dựng. Hiện sở đang nghiên cứu, ứng dụng công nghệ GIS vào công tác quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng nhằm chấn chỉnh tình trạng xây dựng không phép, sai phép. Khi sử dụng công nghệ này, chỉ cần “quét” toàn bộ căn nhà, sẽ biết có xây dựng đúng thiết kế hay không, vị trí xây sai ở đâu.

Đồng thời, sở sẽ xây dựng phần mềm trực tuyến tiếp nhận phản ánh của người dân về trật tự xây dựng để kiểm tra, xử lý kịp thời. Các công nghệ này được áp dụng sẽ hạn chế được sự tác động của bàn tay con người vào quá trình xử lý vi phạm, hạn chế tiêu cực xảy ra. Hiện quận 2 và 12 đang trong quá trình nghiên cứu thí điểm công nghệ này.

Theo luật sư Nguyễn Trường (Đoàn Luật sư TP.HCM), hiện không thiếu các quy định pháp luật về xử lý nhà xây trái phép. Thậm chí, sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung, nhiều hành vi sai phạm được quy định xử lý rất nghiêm, nhưng vấn đề là người thực thi pháp luật có làm nghiêm theo quy định hay không. Đáng nói, trong thời gian qua, rất nhiều công trình xây trái phép, nhất là các công trình có quy mô dự án. Thay vì xử lý nghiêm, các cơ quan chức năng lại cho điều chỉnh quy hoạch, hợp thức hóa sai phạm của chủ đầu tư. Cách xử lý này đã tạo điều kiện cho nhiều dự án xây trái phép theo, rồi xin hợp thức hóa sai phạm.

Theo Phan Trí/ phunuonline

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục