Chính thức thông tuyến đường sắt mới qua cầu Bình Lợi

Sáng ngày 14/9, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức thông tàu qua cầu đường sắt Bình Lợi mới với tổng chiều dài 1,3km.

Cầu đường sắt Bình Lợi mới chính thức đưa vào hoạt động. Ảnh: QUỐC HÙNG

Phần cầu đường sắt được thiết kế theo quy mô cầu vĩnh cửu bằng vật liệu thép tương ứng với đường sắt khổ 1.435m, trước mắt đặt ray khổ 1.000mm, tốc độ thiết kế 100km/h, tải trọng tàu thiết kế T16. Quy mô cầu gồm 14 nhịp.

Ghi nhận của PV, lúc 9 giờ 15 phút cùng ngày chuyến tàu cuối cùng chạy qua cầu đường sắt cũ. Để thông tuyến, Phòng Điều hành Vận tải Đường sắt Sài Gòn phối hợp với các phòng nghiệp vụ kỹ thuật bố trí ô tô để chuyển tải hành khách chuyến tàu SE22 bằng ô tô từ Sài Gòn đến ga Bình Triệu. Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 7 cho biết, dự án được triển khai trong điều kiện tương đối phức tạp vừa thi công vừa đảm bảo giao thông tuyến đường sắt Bắc-Nam đang vận hành khai thác.

Cầu mới mới hoàn thành sẽ tháo dỡ cầu cũ để đảm bảo tĩnh không thông thuyền tuyến đường thủy

Đây là tuyến đường độc đạo, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do một số tồn đọng trước đây chưa được giải quyết dứt điểm, di dời hạ tầng kỹ thuật kéo dài đã gây ảnh hưởng đến công tác thi công. Tuy vậy, sau một thời gian khẩn trương triển khai, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT, UBND TP.HCM và cơ quan liên quan đã hỗ trợ cho hạng mục cầu đường sắt Bình Lợi mới hoàn thành, đủ điều kiện thông tàu đường sắt qua cầu mới.

Cầu đường sắt Bình Lợi hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng 

Cầu đường sắt Bình Lợi hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đã nâng cao an toàn giao thông đường sắt, đặc biệt là giao thông đường thủy khi qua cầu đường sắt Bình Lợi do tĩnh không đường thủy qua cầu cũ chỉ là 1,5 m cho tàu nhỏ đi qua. Vì thế, giao thông khu vực này thường xuyên bị ách tắc khi nước cao, thì nay tĩnh không của cầu mới được nâng lên 7 m, đảm bảo cho tàu 1.000 tấn qua cầu an toàn. Đồng thời, cầu mới hoàn thành sẽ nâng cao việc kết nối giao thông đường thủy và tạo thuận lợi cho việc đi lại giữa TP.HCM tới các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh, góp phần giảm tải áp lực giao thông cho đường bộ.

Tháng 5/2016, dự án cầu đường sắt Bình Lợi được thi công với tổng mức đầu tư 1.302 tỷ đồng, dự kiến cầu đường sắt Bình Lợi mới sẽ khánh thành vào tháng 6/2016, song phải tới tháng 9/2019 công trình mới được hoàn thiện. Sau khi cầu mới đi vào hoạt động, cầu sắt Bình Lợi cũ sẽ được tháo dỡ. Đây là cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn được xây dựng từ năm 1900.

Theo Quốc Hùng/ SGGPO

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục