Câu chuyện DongABank và tin đồn hợp sức vào HDBank

Trước tin đồn, Chủ tịch DongABank cho biết chưa có thông tin về việc hợp sức này, dù đây có thể là một con đường...

Ảnh minh họa.

Đối mặt với “núi nợ” khó nhằn

Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) đang bị kiểm soát đặc biệt 4 năm qua bất ngờ thông báo chốt danh sách cổ đông để tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2019.

Trước đó, ngày 13/8/2015, DongABank bị kiểm soát đặc biệt, sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố kết luận thanh tra tại ngân hàng này có nhiều sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động, như sai phạm về lĩnh vực cấp tín dụng, về vàng, về tỷ lệ cổ phần, về kinh doanh lĩnh vực không được phép…

Cụ thể, theo kết luận thanh tra DongABank và Cáo trạng vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại ngân hàng này công bố thời gian qua, việc tiến hành kiểm tra kho quỹ trên hệ thống DongABank đã phát hiện kho Hội sở thiếu hụt 2.089 tỷ đồng và 62.154 lượng vàng, kho quỹ Sở Giao dịch thiếu hụt 416 tỷ đồng, DongABank không nêu nguyên nhân thiếu hụt và nguồn tiền bù đắp.

Ngoài ra, DongABank còn vi phạm nghiêm trọng về cấp tín dụng với tổng dư nợ tại ngân hàng là 20.233 tỷ đồng, tập trung chủ yếu có 9 nhóm khách hàng với tổng dư nợ là 19.414 tỷ đồng. Có 7.960 tỷ đồng là nợ khó thu hồi và hơn 5.600 tỷ đồng là nợ không có khả năng thu hồi. Trong đó, có những khoản vay vượt quy định về vốn tự có của DongABank (vượt 25% vốn tự có, chưa được HĐQT thông qua…), tài sản thế chấp của các công ty vay vốn chủ yếu là cổ phiếu, trái phiếu công ty, tín chấp, không có tài sản đảm bảo…

Việc cho vay sai trong nhóm 9 khách hàng cũng được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố thêm tội đối với ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc DongABank và các đồng phạm về tội danh “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” theo Điều 206 BLHS năm 2015, vào ngày 27/12/2018. Tội danh này liên quan đến việc chi lãi ngoài cho một số tổ chức gửi tiền, liên quan những khoản vay thuộc nhóm cá nhân và tổ chức Hiệp Phú Gia, Nguyễn Thị Ngọ, Tân Vạn Hưng, Đồng Tiến và M&C. Nhóm Hiệp Phú Gia được cho là có liên quan đến bà Cao Thị Ngọc Dung, vợ ông Trần Phương Bình. Đại diện pháp luật của Hiệp Phú Gia là ông Phạm Văn Tân.

Hàng loạt vi phạm về cho vay, thụt quỹ vàng và thua lỗ trong kinh doanh tới hàng chục nghìn tỷ đồng… khiến DongABank rơi vào tình trạng khó khăn. Thực trạng DongABank tại thời điểm ngày 31/12/2015 là lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng.

Hàng loạt nhân sự cấp cao của DongABank đã bị khởi tố, bị bắt lúc đó đã để lại khoảng trống nhân sự và khối nợ khổng lồ khó xử lý cho người kế nhiệm.

Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng vào cuộc. Trước tiên là điều động hai nhân sự của BIDV sang làm Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc DongABank.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã có sự thay đổi khi thấy tình hình của DongABank quá khó khăn và chỉ định ông Võ Minh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế làm thành viên HĐQT, sau đó ông Tuấn được bầu là Chủ tịch HĐQT.

Một mình tân Chủ tịch trong việc tái cơ cấu một ngân hàng có thực trạng như trên, 2 nhân sự mới được bổ sung là ông Nguyễn Thanh Tùng (Giám đốc Vietinbank chi nhánh TP.HCM) với vị trí Tổng giám đốc DongABank và ông Nguyễn Ngọc Tâm, vị trí Phó tổng giám đốc DongABank.

Tuy nhiên, để tái cơ cấu ngân hàng này thành công, ông Võ Minh Tuấn lúc đó chia sẻ với báo chí mong muốn quan trọng nhất là sự hợp tác của nhân sự cũ tại DongABank.

Thời gian sau đó, vị tân Chủ tịch này lại phải lên tiếng lần nữa về việc yêu cầu các ngân hàng thương mại khác giao dịch bình thường trở lại trên thị trường liên ngân hàng với DongABank khi các ngân hàng bạn bỗng dưng ngừng giao dịch với họ… Khó khăn chồng thêm khó khăn.

DongABank dù có bị kiểm soát đặc biệt nhưng nó vẫn có tư cách pháp nhân, vẫn đang được Ban kiểm soát đặc biệt với nhân sự từ Cục Thanh tra giám sát ngân hàng TP.HCM ngồi tại đó hỗ trợ và giám sát hằng ngày.

Khi nhận nhiệm vụ từ tháng 8/2015, ông Võ Minh Tuấn được đánh giá cao về chuyên môn và am hiểu về ngân hàng khi ông từng giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), cùng các mối quan hệ tốt với khách hàng khi ông Tuấn còn làm ở vị trí Phó tổng giám đốc Vietinbank; Phó tổng giám đốc OCB, Giám đốc Vietinbank Chi nhánh 1, Phó Giám đốc Vietinbank Chi nhánh TP.HCM… đã hợp sức, kết nối tạo nhiều khách hàng về với DongABank.

Tuy nhiên, nợ xấu của DongABank để lại quá lớn và tài sản đảm bảo cho nhiều khoản vay là cổ phiếu, trái phiếu, tín chấp, không có tài sản đảm bảo… cùng với nhiều nghiệp vụ khống được thực hiện khiến cho việc xử lý nợ xấu rất khó khăn. Ít nhất, tài sản đảm bảo cho khoản vay là bất động sản hoặc là máy móc thiết bị… thì ngân hàng còn gỡ gạc lại chút ít. Do đó, việc vực dậy một thể trạng như vậy chưa thể như mong muốn suốt 4 năm vừa qua.

Một con đường cho DongABank là sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank), khi thông tin này đã râm ran trên thị trường từ năm 2017, khi có lẽ tân Chủ tịch DongABank có thể không đỡ nổi khoản nợ khổng lồ để lại từ các lãnh đạo nhiệm kỳ trước và cần một lượng “tiền tươi thóc thật” rất lớn mới bù đắp nổi.

Việc tìm đối tác nước ngoài tham gia là có nhưng khó, còn việc sáp nhập vào HDBank với điều kiện từ HDBank là “tách riêng” DongABank để hạch toán riêng, sau khi xử lý ổn định mới tính tiếp, đối tác này hợp lực bằng bổ sung nguồn vốn mới. Nhưng từ phía Chủ tịch DongABank khẳng định chưa có thông tin về việc sáp nhập này.

Bị kiểm soát đặc biệt vẫn thu hồi được 16.350 tỷ đồng nợ xấu

Thực tế, hơn một năm sau khi bị kiểm soát đặc biệt, hoạt động kinh doanh toàn hệ thống DongABank đã khởi sắc. Với hơn 7 triệu khách hàng lúc đó vẫn tin tưởng gửi tiền, giúp cho huy động vốn của DongABank tính đến tháng 11/2016 vẫn tăng 5% so với cuối năm 2015 và thu hồi được 3.655 tỷ đồng nợ xấu.

Mặt khác, dù rơi vào tình thế rủi ro và khó khăn như trên, nhưng thương hiệu và các giá trị nền tảng như sản phẩm, công nghệ, nguồn lực cán bộ nhân viên… vẫn còn đó. Đây cũng chính là thế mạnh của DongABank thể hiện rõ trước đó, so với nhiều thành viên khác trong hệ thống.

Năm 2017, hoạt động xử lý nợ xấu tiếp tục được đẩy mạnh và DongABank đã thu hồi khoảng 7.500 tỷ đồng nợ xấu (nợ gốc là 5.400 tỷ đồng, lãi là 2.100 tỷ đồng), nâng tổng số thu hồi nợ xấu trên 12.000 tỷ đồng từ sau đợt kiểm soát đặc biệt 13/8/2015.

DongABank nâng luỹ kế thu hồi nợ xấu lên 12.900 tỷ đồng khi quý I/2018 xử lý được hơn 900 tỷ đồng (trong đó thu gốc hơn 870 tỷ đồng).

Nguồn: DongABank, tổng hợp.  

Các chỉ số an toàn hoạt động vẫn được duy trì với tỷ lệ dự trữ thanh khoản là 19,65% (quy định là 10%),  tỷ lệ khả năng chi trả 30 ngày đối với Việt Nam đồng là 78,9% trong khi quy định là 50%, đối với ngoại tệ là 74,46% (quy định là 10%).

Công tác thu hồi nợ xấu là hoạt động xuyên suốt khi quý I/2019, DongABank xử lý được thêm 570 tỷ đồng nợ xấu. Luỹ kế 6  tháng đầu năm 2019, nợ xấu cả gốc và lãi xử lý được 1.870 tỷ đồng, tiếp tục nâng con số nợ xấu thu hồi được lên mức 16.350 tỷ đồng tính từ thời điểm bị kiểm soát đặc biệt vào tháng 8/2015 đến tháng 6/2019.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh với nguồn vốn huy động trong 6 tháng đầu năm 2019 tăng 4,3% (2.595 tỷ đồng) so với cuối năm 2018 và đạt 63.450 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm của khách hàng đạt 50.903 tỷ đồng, tương ứng tăng 4,8% so cuối năm 2018.

Trong hoạt động ngân hàng, tiền gửi là một thước đo niềm tin. Niềm tin này vẫn gia tăng như trên, tạo điều kiện để DongABank tìm cách trở lại bình thường.

Và kết quả kinh doanh cũng cho thấy những bước tiến trong kỳ nói trên: Thu nhập từ dịch vụ đạt 247 tỷ đồng, xấp xỉ so cùng kỳ, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 16 tỷ đồng, tương ứng tăng 40% so cùng kỳ.

Cùng đó, các tỷ lệ chi trả luôn đáp ứng các yêu cầu và quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ dự trữ thanh khoản đạt 20,78%, tỷ lệ khả năng chi trả ngoại tệ 77,98%, tỷ lệ khả năng chi trả đối với Việt Nam đồng đạt 83,77%. Số lượng khách hàng phát triển mới cũng tăng thêm đáng kể, trong đó có 55.900 khách hàng cá nhân và trên 160 khách hàng doanh nghiệp (tính đến quý I/2019)…

Trong khó khăn, với những con số hệ quả tưởng như không thể đứng vững, DongABank vẫn có những bước tăng trưởng và đảm bảo an toàn đối với khách hàng như vậy. Bên cạnh nội lực, vài trò giám sát và hỗ trợ gián tiếp của Ngân hàng Nhà nước là một nguồn lực.

Nhưng, để thực sự trở lại và mạnh lên, DongABank cần thêm nguồn lực mới, nhất là trong bối cảnh nhiều ngân hàng thương mại khác đã tăng vốn trong 4 năm qua (quãng DongABank được kiểm soát đặc biệt).
Theo đó, tại ĐHĐCĐ bất thường sắp tới, ngân hàng này có thể huy động thêm nguồn lực vốn mới từ cổ đông, hoặc hướng đến con đường hợp sức vào HDBank như tin đồn thời gian qua để hướng đến triển vọng mới?

Theo Linh Lan/ BizLIVE

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục