Dự án An Phú Đông Residences: Công ty An Phú kinh doanh theo mô hình của Địa ốc Alibaba?

Cam kết mua lại bất động sản sau 3 tháng cùng một khoản lợi nhuận, công ty An Phú đang chào bán dự án An Phú Đông Residences ra thị trường theo mô hình kinh doanh của Địa ốc Alibaba?

“Chơi chiêu” bằng thỏa thuận cam kết mua lại

Ở các bài trước, dự án An Phú Đông Residences (phường An Phú, quận 12) được giới thiệu do công ty TNHH Kinh doanh Nhà An Phú (công ty An Phú) làm chủ đầu tư.

Khu đất trống được giới thiệu là dự án An Phú Đông Residences.

Mặc dù chưa có quyết định hay phê duyệt nào về mặt pháp lý, công ty An Phú vẫn bất chấp “bắt tay” cùng bà Phan Thị Tuyết Nga “lách luật” huy động vốn trái phép của nhiều khách hàng thông qua hợp đồng đặt cọc và hợp đồng hợp tác đầu tư.

Theo đó, để mua đất tại dự án An Phú Đông Residences, khách hàng phải ký hợp đồng cọc với công ty An Phú, số tiền đặt cọc là 200 triệu đồng. Tuy nhiên, khi ký hợp đồng hợp tác, thay vì tiếp tục ký với công ty An Phú, khách hàng lại phải ký với bà Phan Thị Tuyết Nga, đồng thời tiếp tục đóng thêm số tiền tối thiểu là 30% giá trị hợp đồng.

Đặc biệt, trong hợp đồng hợp tác dù đã ghi rõ những cam kết về tiến độ cũng như thời hạn đóng tiền của dự án. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của PV Báo Kinh tế & Đô thị cho thấy, đến nay dự án vẫn đang là bãi đất trống, chưa thi công cơ sở hạ tầng. Nhiều khách hàng đóng tiền mua đất tại dự án An Phú Đông Residences từ tháng 3/2019 đến nay vẫn chưa nhận được thông báo cụ thể nào về thời gian được nhận đất.

Ngoài ra, để khách hàng tin tưởng và đạt được mục đích huy động vốn trái phép của mình, công ty An Phú còn lập thỏa thuận cam kết mua lại với khách hàng. Theo đó, trong cam kết nêu rõ, sau 3 tháng, công ty An Phú sẽ mua lại bất động sản mà bên A (khách hàng) sở hữu tại dự án An Phú Đông Residences với giá trị mua lại bao gồm: Số tiền bên A dùng để mua bất động sản + một khoản lợi nhuận cam kết (khoảng 120 triệu đồng). Tuy nhiên, trong thỏa thuận mua lại này cũng ghi rõ: “Tính từ ngày ký hợp đồng mua bán của bên A với chủ đất dự án An Phú Đông Residence”.

Thỏa thuận cam kết mua lại mà công ty An Phú ký kết với khách hàng.

Tuy nhiên, liệu rằng có bao nhiêu khách hàng mua đất nền tại dự án An Phú Đông Residence đã được ký hợp đồng mua bán với chủ đất của dự án? Một khi phát sinh những tranh chấp, khách hàng đưa thỏa thuận này ra có đảm bảo được quyền lợi về pháp lý cho khách hàng hay không?…

Theo tìm hiểu của PV, một số khách hàng do cả tin vào những lời đảm bảo từ phía công ty An Phú, đã chấp nhận “xuống tiền” mua đất tại dự án An Phú Đông Residence. Đến nay, hối hận thì đã muộn, đất nền chưa biết khi nào sẽ được nhận, trong khi yêu cầu thanh lý hợp đồng hợp tác đầu tư thì công ty An Phú chỉ đưa ra những lời hứa suông, không có biện pháp cụ thể để giải quyết cho khách hàng.

“Học đòi” theo Địa ốc Alibaba?

Những ngày vừa qua, báo chí truyền thông cả nước tốn không ít giấy mực đưa tin về vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba (Địa ốc Alibaba).

Theo đó, một trong những phương thức được Alibaba áp dụng là sẵn sàng “mua lại hợp đồng” với mức lãi suất rất cao. Không có gì là bất ngờ, bởi ông chủ Alibaba đã đánh trúng vào lòng tham của hầu hết khách hàng, cụ thể khi khách hàng xuống tiền, Alibaba cam kết lợi nhuận mỗi quý có thể lên tới 28%.

“Lóa” mắt trước lợi nhuận cao gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng, khách hàng không chút đắn đo mà nhanh chóng xuống tiền, họ cũng không cần kiểm tra nguồn gốc đất đó là gì, dự án có giấy phép xây dựng hay chưa, đã xây dựng và nghiệm thu tổng thể thế nào…Đau đớn hơn phần lớn hợp đồng Alibaba thực hiện ký kết với khách hàng đều dưới dạng hợp tác dự án hình thành trong tương lai.

Vai trò của chính quyền địa phương ở đâu, khi mà dự án An Phú Đông Residences đang được sale chào bán rầm rộ, huy động vốn trái phép từ khách hàng?

Với mô hình nói trên, có không ít khách hàng nhận được “lãi khủng” từ Công ty Alibaba, nhưng những người sở hữu sau phải “ngậm đắng nuốt cay” từ việc không có một đồng lãi suất đến việc phát hiện mình đang mua phải “dự án ma”. Ông Nguyễn Thái Luyện từng nói: “Chủ sở hữu lô đất dự án là cá nhân và những cá nhân này ủy quyền cho một công ty đứng ra làm chủ đầu tư. Địa ốc Alibaba chỉ là đơn vị hợp tác phân phối các dự án”. Có thể nói, đây là cách “lách luật” có sự tính toán trong việc “lừa đảo” của công ty này.

Quay trở lại với trường hợp của Công ty An Phú, với cách tư vấn và bán hàng mà công ty này đang áp dụng tại dự án An Phú Đông Residences có nhiều điểm tương đồng với cách mà Địa ốc Alibaba đã từng áp dụng.

Thứ nhất, là chiêu thức thỏa thuận cam kết mua lại bất động sản với lãi suất cao. Nếu như Alibaba, lợi nhuận cam kết mỗi quý là 28%, thì công ty An phú cam kết lợi nhuận khoảng 120 triệu đồng.

Thứ hai, hầu hết các dự án mà Alibaba bán, chủ sở hữu lô đất dự án đó là cá nhân và những cá nhân này ủy quyền cho một công ty đứng ra làm chủ đầu tư. Tương tự, mặc dù Công ty An Phú được giới thiệu là chủ đầu tư của dự án An Phú Đông Residences, nhưng trên thực tế chủ đất lại là một cá nhân, cụ thể là bà Phan Thị Tuyết Nga.

Thứ ba, nếu như tất cả các dự án Alibaba chào bán cho khách hàng đều là dự án “ma”, thì dự án An Phú Đông Residences cũng được công ty An Phú chào bán, thu tiền của khách hàng khi không pháp lý, không hạ tầng, không đủ điều kiện mở bán…

Vậy có hay không việc công ty An Phú đang cố tình học theo mô hình kinh doanh của Địa ốc Alibaba? Những khách hàng đã và sẽ mua sản phẩm tại dự án An Phú Đông Residences sẽ phải đối diện với những nguy cơ rủi ro nào? Và hơn hết vai trò quản lý, giám sát của chính quyền địa phương đang ở đâu?…

Theo Tiểu Thúy/ Tieudung.vn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục