SAMCO kinh doanh lỗ 37 tỉ vẫn xin tái bổ nhiệm lãnh đạo cũ?
Chỉ trong 2 năm 2016 - 2017, SAMCO kinh doanh thua lỗ hơn 37 tỷ, 600 tỷ tiền vật tư nhập khẩu về phải trùm mền, tồn kho không bán được. Có 5/12 mặt bằng, nhà xưởng cho thuê không đúng mục đích, sai đối tượng, cho thuê luôn cơ sở hạ tầng và Cảng Phú Hữu trái chủ trương của UBND TP.HCM, để thất thoát nhiều tỷ tại Bến xe Miền Đông…
Năng lực quản lý là vậy nhưng SAMCO lại bất ngờ đề nghị Thành ủy, UBND TP.HCM làm quy trình xin tái bổ nhiệm các chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc.
Quản lý yếu kém, thiếu trách nhiệm
Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải – TNHH MTV (SAMCO) có trụ sở chính tại 262 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM. Trong những năm qua đơn vị này do ông Trần Quốc Toản làm Tổng Giám đốc, quản lý điều hành cả ngàn cán bộ công nhân viên, gồm cả các Công ty con.
Theo Kết luận Thanh tra số 04/KL-TTTP ngày 8/1/2018 về thanh tra toàn diện SAMCO của Thanh tra TP.HCM, ông Trần Quốc Toản là một trong những người chịu trách nhiệm chính trong việc làm thua lỗ của dự án Nhà máy ô tô Thương mại SAMCO (SCV) với tổng số tiền trên 37 tỷ. Việc này thể hiện sự quản lý yếu kém và thiếu trách nhiệm, gây thất thoát tài sản, vốn nhà nước.
Điều đáng nói, dù dự án SCV có thực lỗ nhưng SAMCO vẫn chấp nhận việc SCV là đơn vị thành viên, để từ đó cho hòa số lỗ này vào kết quả sản xuất kinh doanh chung của Tổng Công ty mà không kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, yếu kém của lãnh đạo. Mặt khác, mặc dù kinh doanh thua lỗ nhưng SAMCO vẫn biến mình thành “chủ nợ” bằng cách cho các DN khác vay vốn để hàng tháng đi trả nợ ngân hàng.
Ngoài những thua lỗ thất thoát ở dự án SCV, ông Trần Quốc Toản, với vai trò là Tổng Giám đốc (TGĐ); ông Hồ Trọng Tiến là Phó TGĐ được phân công trực tiếp theo dõi, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của nhà máy ô tô Củ Chi. Với chức trách của mình, hai ông đã tiếp tục gây ra thua lỗ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của SAMCO. Từ năm 2017 đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của SAMCO kém hiệu quả, chi phí cao dẫn đến lợi nhuận thấp.
Đặc biệt, không biết do khả năng đánh giá, dự đoán thị trường kinh doanh xe khách, xe buýt kém; hay vì lý do gì; mà TGĐ và Phó TGĐ cùng GĐ Xí nghiệp Cơ khí ô tô An Lạc (đơn vị quản lý nhà máy ô tô Củ Chi) đã cho nhập khẩu số lượng lớn nền sàn xe khách chạy bằng khí CNG với tổng trị giá hơn 600 tỷ. Số hàng này để tồn kho mấy năm không tiêu thụ được. Việc này gây tổn thất rất lớn cho SAMCO do bị đọng vốn và phải trả lãi vay Ngân hàng trong thời gian dài, các thiết bị nhập khẩu chất lượng cũng bị giảm sút và lạc hậu theo thời gian.
Hàng loạt sai phạm khác
Trong khi các vấn đề, vụ việc trên chưa được giải quyết, khắc phục để giảm bớt thiệt hại thì Phó TGĐ Hồ Trọng Tiến lại được UBND TP giao nhiệm vụ là người đại diện pháp luật của Tổng Công ty. Đồng thời bố trí kiêm nhiệm thêm GĐ Xí nghiệp Ô tô Toyota Bến Thành (là một trong những đơn vị đem về nguồn doanh thu lớn nhất cho SAMCO) làm dấy lên dư luận có lợi ích nhóm trong lãnh đạo Tổng Công ty này.
Thanh tra thành phố đã kết luận, trong quá trình cho thuê nhà xưởng, SAMCO đã cho thuê không đúng đối tượng, lợi nhuận thu được cũng không nộp về ngân sách nhà nước. Đáng chú ý là thương vụ Cảng Bến Nghé, một công ty con của SAMCO, trực thuộc UBND TP.HCM, đã đem 24 ha đất thuê trả tiền hàng năm của Nhà nước cho Công ty CP Tân Cảng – Phú Hữu thuê lại toàn bộ diện tích trên theo hình thức trả lợi nhuận cố định hàng năm (đây là một hình thức cho thuê khoán đất nhà nước với tiền thuê cố định hàng năm – NV).
Theo tờ trình ban đầu, Cảng Bến Nghé đem đất để hợp tác kinh doanh với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP), một đơn vị quân đội, tuy nhiên sau đó lãnh đạo Cảng này và SAMCO lại triển khai sai với mục đích ban đầu bằng việc thành lập Công ty cổ phần CP Tân Cảng – Phú Hữu với các cổ đông là SNP, Cảng Bến Nghé và 3 pháp nhân tư nhân khác là Công ty TNHH Sài Gòn Container, Công ty CP Hàng Hải Phú Hải và Công ty TNHH Dịch vụ Bốc xếp Bình Mỹ. Theo Thanh tra TP, đây thực chất là hợp tác thành lập pháp nhân mới và việc cho thuê này là không đúng đối tượng, không đúng pháp luật, trái với chủ trương của UBND TP.
Chưa kể, khi thực hiện cổ phần hóa đã chỉ định thầu và xác định giá trị tài sản không đúng pháp luật; xác định giá đất và tài sản trên đất không chính xác và chưa đúng với hiện trạng thực tế… Tuy nhiên, cho đến nay, lãnh đạo SAMCO lẫn Cảng Bến Nghé bị cho là chưa nghiêm túc nhìn nhận các khuyết điểm và chưa rõ có kiểm điểm xử lý các vấn đề liên quan đến dự án vi phạm nghiêm trọng này theo Thông báo kết luận của ủy ban thành phố về kết luận thanh tra toàn diện SAMCO hay không?
Sau hơn một năm công bố kết luận thanh tra và chỉ đạo của UBND TP về nghiêm túc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có khuyết điểm, có sai phạm tại SAMCO, hiện vụ việc vẫn chưa biết ai là người chịu trách nhiệm về khoản lỗ chính 37 tỷ cộng với 600 tỷ vật tư “đắp chiếu”. Thế nhưng, SAMCO lại tiếp tục làm quy trình để tái bổ nhiệm chức danh chủ chốt.
Để làm rõ các vấn đề này, PV đã nhiều lần liên hệ Văn phòng SAMCO để đăng ký gặp Ban Giám đốc, tuy nhiên đều không nhận được sự hợp tác. Nhân sự ở đây có lần hứa rõ ràng sẽ báo lại lịch hẹn nhưng PV vẫn không nhận được bất cứ sự liên hệ nào từ SAMCO sau đó.
Theo Minh Khang/ PLVN