Dự thảo thông tư Made in Vietnam: Có tạo đường thông cho doanh nghiệp?

Dự thảo Thông tư Made in Vietnam được kỳ vọng sẽ giúp bảo vệ doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh đang có nhiều loại sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài về Việt Nam lắp ghép, gia công nhưng lại ghi nhãn là hàng “Made in Vietnam”.

Là một trong những văn bản quy phạm pháp luật nhận được sự quan tâm rất lớn kể từ khi mới được xây dựng, dự thảo Thông tư Made in Vietnam được kỳ vọng sẽ giúp bảo vệ doanh nghiệp (DN) và hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh đang có nhiều loại sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài về Việt Nam lắp ghép, gia công nhưng lại ghi nhãn là hàng “Made in Vietnam”. Tuy nhiên, khi được chính thức đưa ra lấy ý kiến, dự thảo thông tư này đang khiến nhiều DN băn khoăn.

Băn khoăn tỷ lệ giá trị gia tăng 30%

Một trong những quy định quan trọng được các DN đặc biệt quan tâm tại dự thảo Thông tư là quy định hàng hóa có hàm lượng giá trị gia tăng tại Việt Nam từ 30% trở lên sẽ được coi là hàng hóa Việt Nam.

Là một trong những ngành hàng lớn và có tác động của Việt Nam, ông Trần Quang Trung – Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, mặt hàng sữa bột trẻ em có đặc thù phải nhập khẩu nhiều loại vitamin, khoáng chất từ nước ngoài về, phối trộn để tạo ra sữa dinh dưỡng. Thậm chí nhiều DN phải đầu tư trang trại bò sữa từ nước ngoài rồi nhập khẩu nguyên liệu về Việt Nam để sản xuất, bởi Việt Nam không có lợi thế về cánh đồng cỏ lớn như Lào, Campuchia… Về Việt Nam, chi phí bỏ ra cho việc sử dụng chất xám để nghiên cứu, tạo ra sản phẩm sữa cuối cùng thì rất lớn. Tuy nhiên, chi phí từ chất xám là loại chi phí khó hạch toán. Vậy nếu sản phẩm sữa đó không đạt tỷ lệ giá trị gia tăng 30% như quy định tại Thông tư có được coi là xuất xứ Việt Nam không? Nếu không, ghi nhãn như thế nào cho hợp lý?

Bà Bùi Thị Thùy Dương – chuyên viên nhãn hàng hóa (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết thêm, khoản 5, điều 10 dự thảo Thông tư nêu rõ, hàng hóa được coi là không có xuất xứ Việt Nam nếu trải qua quá trình gia công đơn giản cuối cùng, như phối trộn đơn giản các sản phẩm, dù cùng loại hay khác loại. Tuy nhiên rất nhiều loại hàng hóa dù chỉ phối trộn với một loại phụ gia cũng có thể khiến thay đổi tính chất, chất lượng hàng hóa và dễ dẫn đến chuyện nhập nhèm khi DN muốn giả mạo xuất xứ hàng hóa.

Cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra sâu rộng trên thế giới sẽ dễ dẫn đến nguy cơ hàng hóa nước ngoài tràn vào Việt Nam, lợi dụng xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi, bà Trần Thị Thu Hương – Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc ban hành một Thông tư quy định rõ thế nào là hàng hóa Việt Nam được cộng đồng DN rất hoan nghênh. Nhưng điều quan trọng là văn bản đó phải rõ ràng và mang lại lợi ích thực tế, không chồng chéo và thêm khó khăn cho DN.

“Dự thảo Thông tư Made in Vietnam được cộng đồng DN rất quan tâm, song khi ban hành lại gây nhiều băn khoăn vì sự “dẫn chiếu vòng”. Cụ thể, ở phần 10 của điều 3 có nói đến khái niệm hàng hóa “xuất xứ Việt Nam” là hàng hóa Việt Nam theo quy định tại thông tư này. Vậy có được hiểu ngược lại, hàng hóa Việt Nam là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam hay không? Nếu không muốn ghi nhãn là hàng hóa Việt Nam thì có được thay bằng hàng hóa xuất xứ Việt Nam hay không?”, bà Hương nêu vấn đề.

Quá nhiều rắc rối để tuân thủ

Bên cạnh đó, Khoản 2 điều 4 dự thảo Thông tư nói rằng tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn và chỉ sử dụng một trong các cụm từ sau đây để thể hiện hàng hóa là hàng hóa của Việt Nam: Sản phẩm của Việt Nam hoặc sản phẩm Việt Nam; Hàng hóa của Việt Nam hoặc hàng hóa Việt Nam hoặc hàng Việt Nam; Sản xuất tại Việt Nam hoặc Việt Nam sản xuất; Chế tạo tại Việt Nam hoặc Việt Nam chế tạo; Chế tác tại Việt Nam hoặc Việt Nam chế tác. Quy định quá rộng như vậy là rất khó cho các nhà sản xuất.

Nhìn vào cách ghi này, doanh nghiệp chắc chắn không khỏi hoang mang khi không rõ dùng cụm từ nào để ghi lên sản phẩm của mình, nhất là khi cũng chưa có hướng dẫn thế nào là hàng hóa chế tạo tại Việt Nam, chế tác tại Việt Nam.

Nếu doanh nghiệp không chắc ghi như thế nào cho đúng, muốn có một cơ quan nhà nước đứng ra xác nhận thì liên hệ ở đâu? Đó là câu hỏi chính đáng chứa đựng nỗi lo của không ít doanh nghiệp được đặt ra.

Vụ thị trường trong nước, hay Tổng cục Quản lý thị trường của Bộ Công Thương hay là đơn vị nào, dự thảo Thông tư cũng chưa làm rõ được.

Không giải quyết được việc này, Thông tư này sẽ khiến doanh nghiệp lạc vào “rừng quy định”, bế tắc không có lối ra. “Ghi theo sự hiểu biết của doanh nghiệp” như cách đại diện Bộ Công Thương trả lời doanh nghiệp không khác gì đánh đố. Đại diện Asanzo chẳng phải đã nói ghi theo cách hiểu tốt nhất của doanh nghiệp đó sao.

Một điều đáng lo ngại hơn cả là chi phí tuân thủ. Thông tư này nếu ban hành sẽ tác động đến hàng trăm nghìn doanh nghiệp. Dù hiện nay doanh nghiệp vẫn phải ghi nhãn hàng hóa thể hiện nội dung xuất xứ theo quy định tại Nghị định 43, nhưng Thông tư này ra đời với những cụm từ mới như kể trên sẽ khiến doanh nghiệp phải mất thêm chi phí tuân thủ. Nhất là với doanh nghiệp hiện vừa có hàng xuất khẩu, vừa có hàng tiêu thụ nội địa, có thể họ sẽ phải làm thêm một công việc nữa là phân loại hàng tiêu thụ nội địa riêng để ghi thêm cụm từ “Sản phẩm của Việt Nam”, hay “Hàng hóa của Việt Nam”, “Sản xuất tại Việt Nam”… nếu muốn đưa hàng ra lưu thông ngoài thị trường.

Xét cho cùng, ý nghĩa, mục đích của việc ban hành Thông tư này là rất cần thiết. Tuy nhiên, nếu không giải quyết được những băn khoăn kể trên, thì Thông tư này rất khó thực hiện được chức năng phân xử về “xuất xứ hàng hóa” để tiêu thụ nội địa, và vì thế nó chỉ tạo thêm rào cản cho doanh nghiệp mà thôi.

Đó là chưa kể “cái giá phải trả” khi doanh nghiệp không dám đầu tư nhà máy. Bởi những quy định chưa rõ ràng rất khó để doanh nghiệp biết sản phẩm có đáp ứng được yêu cầu “sản phẩm sản xuất ở Việt Nam” hay không.

Linh hoạt theo tiêu chuẩn quốc tế

Là một chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, nhiều năm làm cho hãng xe danh tiếng tại Đức, ông Nguyễn Minh Đồng cho biết “made in Germany” hay “made in Japan”… đã là thương hiệu, tạo được uy tín trên toàn thế giới từ lâu vì những nước này có khoa học kỹ thuật phát triển ở trình độ cao. Thế nhưng xu thế hiện nay là chuỗi sản xuất toàn cầu, chiếc ô tô mang thương hiệu Đức nhưng nhiều bộ phận, giá trị tạo ra lại từ nhiều nước châu Âu, từ Nga hoặc từ các nước châu Á…

Vì thế, ở Đức tiêu chí ghi “made in” cũng thay đổi, có tiêu chuẩn rất rõ ràng. Đối với những sản phẩm có giá trị nội địa sản xuất chiếm 80% thì mới được ghi “made in Germany”, còn ghi “made in Europe” thì giá trị tạo ra sản phẩm phải 80% đến từ châu Âu. Nếu tỉ lệ đó ở mức thấp hơn thì ghi “made in for Europe”, ghi lắp ráp tại Đức hoặc lắp ráp tại châu Âu.

“Bằng chứng mới đây, sắt thép Trung Quốc nhập sang Việt Nam mượn xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đã bị Mỹ, EU phát hiện. Kết quả là các sản phẩm sắt thép Việt Nam bị đánh thuế nhập khẩu vào các thị trường trên rất cao. Vì vậy, đối với hàng xuất khẩu, cần có tiêu chí về tỉ lệ nội địa hóa tạo nên sản phẩm và giám sát chặt chẽ tỉ lệ đó mới được ghi “made in Vietnam”” – ông Đồng góp ý.

Liên hệ với câu chuyện tiêu chí “made in” cho hàng hóa Việt Nam, theo ông Đồng, Bộ Công Thương muốn xây dựng tiêu chuẩn “made in Vietnam” cho sản phẩm Việt Nam thì cần dựa theo tiêu chuẩn của thế giới và phải hướng đến xuất khẩu. Vì khi xuất khẩu sang các nước trên thế giới, tiêu chuẩn “made in” liên quan đến xác định áp dụng các loại thuế suất, đến gian lận thương mại. Nếu Việt Nam tự đưa ra tiêu chuẩn “made in” nhưng khi các nước nhập khẩu hàng Việt lại không công nhận thì tiêu chuẩn “made in” có cũng như không.

Đồng quan điểm, chuyên gia thương hiệu Lý Trường Chiến cho rằng khi xây dựng tiêu chí “made in”, cơ quan chức năng ngoài việc xác định thị trường mục tiêu cho tiêu chuẩn đó còn phải xác định gắn “made in Việt Nam” vào sản phẩm là tạo sự bảo chứng về chất lượng sản phẩm, tạo thương hiệu quốc gia.

Ngoài ra, tiêu chí đó phải cập nhật xu hướng hội nhập cũng như căn cứ vào sự phát triển của nền kinh tế thế giới. “Bên cạnh “made in” dành cho sản phẩm xuất khẩu thì những sản phẩm bán tại thị trường nội địa nên ghi là “made by”, ông Chiến gợi ý.

Theo Khánh An/ CLO

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục