Mất oan 12 triệu vì màn ‘móc túi’ tinh vi của thợ thông cống
Cách đây vài ngày, một tài khoản Facebook khá nổi tiếng trên mạng xã hội đã chia sẻ câu chuyện bị “móc túi” 12 triệu đồng khi gọi thợ thông cống đến nhà.
Mất oan 12 triệu đồng vì màn “móc túi” tinh vi của thợ thông cống’
Đáng nói hơn, không ít người đọc xong cũng nhận thấy mình trong câu chuyện đó và phải gọi công an đến xử lý.
Là một Vloger có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, nên sau sự việc thông cống mất 12 triệu đồng, anh Vũ Dino đã làm ngay một video cảnh báo mọi người trên Youtube.
Trong video này, anh Vũ chia sẻ, do nhà có khách nên khu vệ sinh bị nghẹt. Như mọi ngày anh Vũ đều tự xử lý, nhưng lần này thì anh phải gọi thợ đến sửa. Tìm kiếm trên mạng được một đội thông cống, anh Vũ quyết định hẹn đến nhà và nghĩ cùng lắm chỉ mất vài trăm nghìn, do quảng cáo trên website chỉ 100 nghìn đồng.
Khi đội thợ đến nơi, họ kiểm tra và báo lại với anh vũ rằng, hết 300 nghìn đồng. Hai bên thỏa thuận xong thì đội thợ bắt tay vào làm.
Theo lời anh Vũ, bước vào nhà vệ sinh, người thợ lấy máy nén khí đo và báo rằng nghẹt rất nặng. Có hai cách xử lý, thứ nhất là dùng hóa chất, loại này giá 900 nghìn đồng/kg, còn cách hai là sử dụng con chuột hiện đại. Tuy nhiên, thợ thông cống cảnh báo, nếu dùng hóa chất thì rất hại đường ống.
Ngay lúc đó theo anh Vũ, để trấn an chủ nhà, thợ thông cống cho biết: “Yên tâm đi, anh cho máy chạy đến đâu mà nước thông thì chỉ tính tiền đến đấy, nếu mà hết nửa mét thì chỉ tính 600 nghìn đồng.”
Do đó, anh Vũ quyết định lựa chọn dùng con chuột thông cống với chi phí là 1,2 triệu đồng/m, vì chỉ nghỉ rằng, bể phốt gia đình cũng nhỏ.
Tuy nhiên, câu chuyện cũng bắt đầu đáng nói từ đây. Bởi theo anh Vũ Dino: “Hai thợ thông cống vừa làm vừa kêu chủ nhà vào kiểm tra cho khách quan. Chỉ một lát sau, khi nước đã chảy thông, thì họ báo rằng, sẽ dán băng keo ở đầu dây để đo.”
“Kết quả là chiều dài dây bằng 20 viên gạch, tương đương với 10m. Tính ra giá tiền là 12 triệu đồng”, anh Vũ nói.
Chi phí quá cao khiến anh Vũ không khỏi giật mình. Thế nhưng, đội thợ ngay lập tức trấn an rằng, việc thông rất khó do cống quá sâu, khi móc lên có rất nhiều rác thải. “May mà có bọn em, nếu không anh phải đập hết đường ống ra”, hai người thợ thông cống nói.
Do lo ngại về những hệ lụy mà đội thợ nói, anh Vũ đã ngậm ngùi thanh toán và không ý thức được rằng mình đang bị “chặt chém”.
Thế nhưng, sau khi kể câu chuyện này với một vài người quen, thì anh Vũ mới vỡ lẽ rằng, mình đã rơi vào cái bẫy của đội thông cống. Vì dây lò xo của chiếc máy con chuột kia càng xoắn thì càng thành cục, có thể kéo rất dài. Nếu khách chọn cách đổ hóa chất thì họ cũng có thể đổ vài chục lít mà không ai kiểm soát được.
Quá bức xúc và chia sẻ lên mạng xã hội, anh Vũ thậm chí còn cảm thấy may mắn khi bạn bè anh còn người còn bị đội thợ đo dây lên tới 80m, tính ra là là khoảng gần 100 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi báo công an đến xử lý thì các đơn vị này chỉ tính giá dưới 1 triệu đồng.
Qua chia sẻ, bạn bè anh Vũ rất nhiều trường hợp cũng phải mất 4 – 5 triệu đồng để thông cống tại gia đình. Tuy nhiên, chỉ ngay hôm sau, sự cố này lại xảy ra nhưng gọi bảo hành thì không bao giờ nghe máy.
Để tìm hiểu về thực trạng này, PV đã thử tìm kiếm các công ty thông cống qua Internet. Thế nhưng, không một nơi nào chịu báo giá ngay, mà cho biết sẽ xem tình hình rồi báo lại và cách làm việc cũng tương tự.
Trao đổi với một chủ một cơ sở chuyên thông tắc bể phốt tại Hà Nội, anh này cho biết, người dân nên tìm những cơ sở có uy tín, quen biết để dùng dịch vụ. Nếu tìm kiếm trên mạng thì nên sử dụng dịch vụ trọn gói, hoặc cần nắm rõ thông số kĩ thuật về các thiết bị trong gia đình để mặc cả trước, tránh tình trạng bị chặt chém.
Sự việc như của anh Vũ Dino không phải là trường hợp cá biệt, rất nhiều người cũng đã tốn một khoản tiền lớn với những dịch vụ như vậy. Người dân cần thận trọng, đàm phán kĩ càng trước khi sử dụng các dịch vụ tìm kiếm được trên Internet.
Theo Dân trí